TP.HCM đề xuất lập vành đai công nghiệp đô thị, dịch vụ dọc vành đai 3, 4
Đường vành đai 3, vành đai 4 cùng với các tuyến cao tốc của vùng là các trục giao thông huyết mạch, tạo kết nối các đô thị, trung tâm công nghiệp, dịch vụ của vùng Đông Nam bộ, thúc đẩy liên kết vùng đa phương phức, phát huy vai trò đô thị hạt nhân của TP.HCM…
Sở Quy hoạch và Kiến trúcTP.HCM vừa có văn bản số 2827/SQHKT-HTKT trình UBND thành phố về Đề án hình thành vành đai công nghiệp đô thị, dịch vụ logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc vùng.
Theo đó, các tuyến vành đai, cao tốc hình thành sẽ mở rộng không gian phát triển, tạo động lực phát triển mới, thúc đẩy hình thành các vành đai công nghiệp, dịch vụ, Iogistics quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.
Với tính chất và quy mô như vậy, việc nghiên cứu xây dựng vành đai công nghiệp đô thị theo nhiệm vụ của đề án sẽ bao gồm một phạm vi rất lớn, trải dài và rộng trên địa bàn tất cả các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Khối lượng nghiên cứu lớn, đòi hỏi việc phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong vùng.
Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, với tính chất và quy mô như vậy, việc nghiên cứu xây dựng vành đai công nghiệp đô thị theo nhiệm vụ của đề án sẽ bao gồm một phạm vi nghiên cứu rất lớn, trải dài và rộng trên địa bàn tất cả các tỉnh vùng Đông Nam bộ, khối lượng nghiên cứu lớn, đòi hỏi việc phối hợp chặt chẽ của UBND các tỉnh, thành trong vùng.
Vì vậy, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM và các chuyên gia nhận thấy, việc nghiên cứu xây dựng đề án với phạm vi toàn vùng như vậy trong thời gian rất ngắn (chỉ khoảng 3-4 tháng, đến khoảng tháng 10-11/2024) là không khả thi. Đặc biệt đối với các nội dung cần phải có ý kiến thảo luận và thống nhất của tất cả chính quyền cấp tỉnh trong vùng.
Việc khai thác tốt các tiềm năng phát triển của TP.HCM, đặc biệt là trong khu vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, logistics có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Vì vậy, ở giai đoạn này nên thực hiện xây dựng đề án tập trung cho phạm vi địa bàn TP.HCM. Trong đó có nghiên cứu mối liên hệ và kết nối với không gian kinh tế của vùng Đông Nam Bộ. Việc này có tính khả thi hơn trong thời gian hạn chế hiện nay.
Hơn nữa, giới hạn phạm vi trên địa bàn TP.HCM cũng phù hợp với bối cảnh đang hoàn chỉnh trình duyệt 02 bản quy hoạch cấp thành phố (Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060).
Sau khi hoàn thành tại TP.HCM, đề án sẽ chuyển giao cho các tỉnh còn lại trong vùng để triển khai cho địa bàn tỉnh mình hoặc tổ chức lựa chọn một đơn vị tư vấn có năng lực liên vùng để xây dựng mở rộng đề án cho toàn bộ vành đai công nghiệp đô thị của toàn vùng.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc cho biết thêm đề án với mục tiêu nghiên cứu đánh giá thực trạng, nhận định những cơ hội, thách thức... để xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển vành đai công nghiệp đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng.
Cùng với đó đề xuất các giải pháp chính sách để thu hút đầu tư, tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi và bền vững, đồng thời, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực (tập trung cho địa bàn TP.HCM trong mối liên kết vùng).
Dự án đường vành đai 3 TP.HCM đã được khởi công vào tháng 6/2023, dài 76 km, đi qua 04 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Hiện, các địa phương đang tăng tốc để thông xe phần cao tốc vào năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Kế hoạch xây dựng vành đai 4 là cao tốc đô thị đang được triển khai với chiều dài 207 km đi qua 05 địa phương (Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM và Long An). Tổng mức đầu tư giai đoạn 01 sơ bộ khoảng 127.230 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Các địa phương đang xúc tiến các thủ tục, hồ sơ liên quan nhằm khởi động dự án.