TP.HCM phải quyết liệt, không để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa

Nhật Dương
Chia sẻ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh TP.HCM phải siết chặt quản lý, không để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa, cách ly…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp với TP.HCM về công tác phòng, chống dịch bệnh sáng 17/7. Ảnh - VGP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam họp với TP.HCM về công tác phòng, chống dịch bệnh sáng 17/7. Ảnh - VGP.

Sáng 17/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã giao ban trực tuyến ngắn với TP.HCM để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

TẬP TRUNG ĐIỀU TRỊ CÁC CA F0 NẶNG

Theo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong, trong vòng 24 giờ qua (tính đến 6h ngày 17/7), thành phố ghi nhận hơn 2.800 ca mắc Covid-19, trong đó, phần lớn phát hiện trong các khu cách ly, phong tỏa (chiếm hơn 81% tổng số ca mắc), khoảng 420 ca qua sàng lọc ở bệnh viện.

Hiện TP.HCM tập trung điều trị cho các ca F0 nặng nhằm giảm số ca tử vong. Các lực lượng đã rà soát, hoàn thiện quy trình tiếp nhận các ca F0, đặc biệt quy trình chuyển ca F0 nặng về các bệnh viện điều trị.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng cho biết, hiện còn tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu phong tỏa do các gia đình vẫn tiếp xúc với nhau. Vì vậy, ông yêu cầu siết chặt các biện pháp, bảo đảm tuân thủ giãn cách trong các khu phong tỏa, phát huy vai trò của các Tổ Covid-19 cộng đồng để tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm nếu có vi phạm, bảo đảm thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

 
TP.HCM đã lấy hơn 1,9 triệu mẫu xét nghiệm Realtime RT-PCR trong các khu cách ly, khu phong tỏa, tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất và công nghệ cao. Trong đó, còn hơn 250.000 mẫu đang chờ kết quả. Các lực lượng cũng đã thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho khoảng 1,2 triệu trường hợp.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, số ca F0, F1 ngày càng tăng cao, cả trong khu cách ly, phong tỏa, ngoài cộng đồng và phát sinh ca nhiễm trong một số khu công nghiệp, chế xuất có đông công nhân. Hệ thống y tế nhiều nơi bị quá tải. Các cơ sở y tế của thành phố cần chuẩn bị những phương án điều trị bệnh nhân nặng để hạn chế trường hợp tử vong.

Trước tình trạng người dân tụ tập đông người, dễ lây nhiễm trong cộng đồng, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị các lực lượng tăng cường kiểm tra, phân công các lực lượng tại chỗ tự quản lý người ra vào và các hoạt động ở khu cách ly, phong tỏa.

“Qua kiểm tra, phát hiện, những nơi không thực hiện nghiêm, không chấp hành chỉ đạo cấp trên, phải xử lý nghiêm khắc, thậm chí đề nghị cách chức những lãnh đạo không thực hiện nghiêm các chỉ đạo. Từ đó, việc chấp hành phải nghiêm hơn, toàn diện hơn, đặc biệt đối với những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao”, Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, TP.HCM phải siết chặt quản lý, không để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa, cách ly. Đồng thời, đề nghị thành phố phải thực hiện rất quyết liệt. Phong tỏa rồi nhưng bên trong vẫn giao lưu thì rất nguy hiểm. Nơi nào để xảy ra lây nhiễm trong khu phong tỏa, khu cách ly thì phải xử lý toàn diện lãnh đạo nơi đó.

VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA PHẢI “TUYỆT ĐỐI AN TOÀN”

Đối với việc cung ứng hàng hóa, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết, so với ngày 15/7, sức mua ngày 16/7 tại các chợ truyền thống tiếp tục giảm nhẹ (khoảng 10%) do người dân hạn chế ra ngoài, giá ở chợ cao hơn so với các siêu thị.

Cuộc họp giao ban dưới hình thức trực tuyến. Ảnh - VGP. 
Cuộc họp giao ban dưới hình thức trực tuyến. Ảnh - VGP. 

Tại các siêu thị, sức mua có giảm nhẹ 5-10%, không còn tình trạng xếp hàng dài, ùn ứ; giá cả được niêm yết đầy đủ, hàng hóa dồi dào. Phương thức mua sắm trực tuyến được ưa chuộng hơn nên thành phố đề nghị các kênh thương mại điện tử cung cấp dịch vụ mua hàng thiết yếu trực tuyến để đa dạng kênh mua sắm cho người dân.

Hiện nay, Sở Công Thương kết hợp với các quận, huyện tổ chức chợ truyền thống hoạt động lại theo mô hình “phân ô, kẻ vạch”.

Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, hiện tại lượng hàng (rau củ quả, gia súc, gia cầm…) về thành phố tăng so với ngày 15/7, đạt khoảng 5.300 tấn/ngày, riêng mặt hàng thịt lợn bảo đảm 850 tấn/ngày. So với điều kiện bình thường, lượng hàng hóa vẫn thiếu hơn 1.000 tấn do nhiều nguyên nhân khác nhau (việc thu mua khó khăn, giá cả tăng…) nên thành phố đang vận động các kênh để hỗ trợ về nguồn cung và vận hành.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP.HCM phải bảo đảm cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu bảo đảm đời sống cho người dân, mặt khác động viên bà con chia sẻ khó khăn tạm thời trước mắt để tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách xã hội.

Phó Thủ tướng khẳng định, Trung ương sẽ chỉ đạo bảo đảm nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm của thành phố, còn phân phối bên trong địa bàn thì địa phương phải lo, đến từng người dân một cách an toàn. Tuy nhiên, việc vận chuyển, phân phối hàng hóa, lương thực, thực phẩm phải “tuyệt đối an toàn” gắn trách nhiệm cho từng siêu thị, cửa hàng…

Liên quan đến việc thực hiện vừa cách ly vừa sản xuất, lãnh đạo TP.HCM cho biết, thành phố chỉ cho phép doanh nghiệp hoạt động khi bảo đảm phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”. Hiện có 586/440.000 doanh nghiệp hoạt động với hơn 70.000 công nhân; 680 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp hoạt động với gần 65.000 công nhân.

Thành phố cũng đã cấp giấy ưu tiên phương tiện có mã QR, tạo luồng xanh cho các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh từ thành phố đến các địa phương và ngược lại.

 
Liên quan đến công tác chăm lo, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố tiếp nhận các đối tượng lang thang, cơ nhỡ nơi công cộng đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội.
Tính đến ngày 16/7, đã có 220.000/232.000 đối tượng (mất việc, bán vé số, người gặp khó khăn...) được hỗ trợ với kinh phí 330 tỷ đồng.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con