TP.HCM sẽ hoàn thành bản đồ số logistics vào năm 2025
Đến năm 2025, TP.HCM hoàn thành việc thiết lập bản đồ số logistics, kho dữ liệu tập trung, tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức…
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành logistics trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, TP.HCM phấn đấu mỗi năm tổ chức ít nhất 2 lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức triển khai chuyển đổi số ngành logistics cho doanh nghiệp và công chức trên địa bàn thành phố. Mỗi năm tổ chức ít nhất 2 hội nghị, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics.
Đến năm 2025, hoàn thành việc thiết lập bản đồ số logistics, kho dữ liệu tập trung, tạo ra các nền tảng số kết nối dịch vụ vận tải đa phương thức.
Đến năm 2030, hoàn thành việc xây dựng phiên bản số của hệ thống logistics, diễn đạt được trạng thái của các luồng di chuyển, lưu trữ hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu qua địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và kinh doanh hiệu quả hơn; đồng thời nâng cao năng lực hoạch định, quản lý nhà nước đối với hoạt động logistics trên địa bàn.
Để thực hiện mục tiêu trên, T.PHCM đề ra một số giải pháp như: Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Trong đó, tổ chức các khóa học, tập huấn, đi khảo sát thực tế để giới thiệu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số logistics cho doanh nghiệp và công chức thành phố.
Đồng thời, xây dựng kho dữ liệu dùng chung về logistics. Cụ thể, xây dựng kho dữ liệu dùng chung về hoạt động logistics trên địa bàn; xây dựng giải pháp, ứng dụng trên nền tảng khai thác kho dữ liệu dùng chung để phục vụ cho cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Phát triển các nền tảng kết nối giao thương giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng để tối ưu hóa các công đoạn của chuỗi logistics.
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống thông tin địa lý (GIS) về logistics. Trong đó, rà soát, cập nhật, bổ sung các lớp cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin đại lý (GIS) về logistics trên địa bàn thành phố gồm hệ thống cảng biển, cảng cạn (ICD), hệ thống cảng thủy nội địa, kho bãi, trung tâm logistics; hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không…
Ngoài ra, bổ sung chức năng cung cấp giải pháp chuyển đổi số ngành logistics.
Trước đó, UBND TP. HCM đã phê duyệt “Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, thành phố sẽ xây dựng 7 trung tâm logistics, với tổng diện tích hơn 620ha. Tổng nhu cầu vốn phát triển ngành logistics giai đoạn này gần 96.000 tỷ đồng.
Theo Đề án này, thành phố xác định thành lập hệ thống trung tâm dịch vụ logistics ở TP. Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.
Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu của sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất nhập khẩu, trên cơ sở rà soát nguồn quỹ đất, xác định xây dựng bảy trung tâm logistics. Cụ thể gồm: Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Khu công nghệ cao thuộc TP. Thủ Đức; Tân Kiên (huyện Bình Chánh); cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và huyện Củ Chi.
Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng thêm nhiều trung tâm logistics xen cài trong các khu dân cư, bổ trợ cho thị trường thương mại điện tử hơn 12 triệu dân của TP.HCM.
Theo Sở Công thương TP.HCM, hiện ngành logistics đóng góp gần 9% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM, tương đương khoảng 117.000 tỷ đồng và có tới 54% doanh nghiệp logistics có trụ sở tại thành phố.