TP.HCM thông qua gói hỗ trợ Covid đợt 3 trị giá hơn 7.300 tỷ đồng
Gói hỗ trợ cho người khó khăn trị giá trên 7.300 tỷ đồng, vừa được Hội đồng nhân dân TP.HCM thông qua tại Nghị quyết số 97 về chính sách hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố...
Gói hỗ trợ đợt 3 này dự kiến hỗ trợ hơn 7,3 triệu người với tổng kinh phí dự kiến hơn 7.300 tỷ đồng (mỗi trường hợp 1 triệu đồng tiền mặt) là gói hỗ trợ lớn nhất, có độ bao phủ gần như toàn diện.
Gói hỗ trợ đợt 3 này tập trung vào 5 nhóm đối tượng và không phân biệt người được thụ hưởng là thường trú, tạm trú hay lưu trú. Bao gồm:
Nhóm đối tượng 1: Là thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng đang gặp khó khăn.
Nhóm đối tượng 2: Người lao động có hoàn cảnh thật sự khó khăn bị mất việc làm, không có thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội đang thực tế có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…).
Nhóm đối tượng 3: Người phụ thuộc của nhóm 2. Cụ thể là cha, mẹ, vợ hoặc chồng và các con ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc trong cùng một hộ đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn (bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh...).
Nhóm đối tượng 4: Cha, mẹ, vợ/chồng, con của những người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội và được doanh nghiệp trả lương tháng 8/2021 mà có hoàn cảnh khó khăn (ở nhà làm nội trợ, hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc, bao gồm người đang cách ly tập trung, đang trị bệnh…) sống cùng một hộ và đang có mặt ở TP.HCM.
Nhóm đối tượng 5: Người lưu trú tạm thời trong các khu nhà trọ, khu lưu trú, khu lao động nghèo, xóm nghèo, có hoàn cảnh thật sự khó khăn trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách và đang có mặt trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
Điểm lưu ý của gói hỗ trợ lần này, theo Nghị quyết 97, là không hỗ trợ đối với người đang hưởng lương hưu, người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động, người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội và được doanh nghiệp trả lương của tháng 8/2021. Tuy nhiên, người phụ thuộc của những người trên mà có hoàn cảnh thực sự khó khăn thì được hỗ trợ (nhóm 4).
Về nguyên tắc hỗ trợ: Chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú; công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân. Mỗi trường hợp được nhận hỗ trợ là 1.000.000 đồng (một triệu đồng) tiền mặt và nhận một lần.
Hiện tại, Uỷ ban nhân dân TP.HCM đang chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã/phường/thị trấn khẩn trương rà soát, đối chiếu, xét duyệt danh sách trình Uỷ ban nhân dân cấp quận/huyện và T.P Thủ Đức thẩm định, phê duyệt; cập nhật số liệu cuối cùng và đưa vào kế hoạch của Uỷ ban nhân dân TP.HCM để khẩn trương triển khai thực hiện.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP.HCM có gần 2 triệu hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn với hơn 6 triệu nhân khẩu, gần 1 triệu người lao động mất việc, không có thu nhập, đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng thật sự khó khăn rất cần được hỗ trợ kịp thời về kinh phí, thực phẩm để trang trải cuộc sống trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài. Để bảo đảm công tác hỗ trợ được công bằng, tất cả sự hỗ trợ đều tính theo người, không tính theo hộ dân. Từng khu phố, ấp sẽ thành lập tổ công tác để xét duyệt danh sách người có hoàn cảnh khó khăn. Các xã/phường/thị trấn lập hội đồng xét duyệt với đầy đủ thành phần để xét duyệt và chịu trách nhiệm về mặt pháp lý, về tính chính xác danh sách hỗ trợ.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, nguyên tắc hỗ trợ là chi đủ, chi đúng, không bỏ sót, không trùng lắp, không phân biệt thường trú, tạm trú, lưu trú; công khai, minh bạch, thuận lợi về thủ tục cho người thụ hưởng nhưng không lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.