TP.HCM xảy ra hơn 230 vụ cháy trong 5 tháng đầu năm 2024
Qua điều tra hơn 230 vụ cháy trên địa bàn TP.HCM , nguyên nhân chủ yếu là sự cố trong sử dụng thiết bị điện; vi phạm các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy; bất cẩn trong sinh hoạt, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt...
Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an TP.HCM, trong 5 tháng (từ 15/12/2023 đến ngày 14/5/2024), địa bàn thành phố đã xảy ra 234 vụ cháy, làm tử vong 10 người, bị thương 4 người; thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền hơn 5 tỷ đồng và 64 vụ chưa xác định.
Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an TP.HCM, cho biết địa phương xảy ra nhiều vụ cháy nhất là thành phố Thủ Đức (xảy ra 28 vụ), kế đến là quận 12 (23 vụ), quận Gò Vấp (15 vụ), huyện Bình Chánh (14 vụ)... Các vụ cháy xảy ra phần lớn là nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh (chiếm 56%), công ty - doanh nghiệp (chiếm khoảng 16%).
Qua điều tra các vụ cháy, nguyên nhân chủ yếu là sự cố trong sử dụng thiết bị điện; vi phạm các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy; bất cẩn trong sinh hoạt, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt... Theo phân cấp quản lý về phòng cháy chữa cháy, có trên 65% các vụ cháy xảy ra tại các loại hình đối tượng thuộc UBND cấp xã quản lý.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an TP.HCM cũng cho biết qua công tác kiểm tra chuyên đề, rà soát, nắm tình hình trên địa bàn thành phố năm 2023 có 60.493 cơ sở nhà chung cư, nhà trọ, ngăn phòng cho thuê, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.
Trong đó, có 1.345 cơ sở thuộc loại hình nhà chung cư; 32 nhà ở nhiều căn hộ; 55.446 cơ sở thuộc loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê; 3.670 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra 59.828 lượt/60.493 cơ sở (có 665 cơ sở giải thể, dừng hoạt động) đã xử lý vi phạm 6.525 cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 11,5 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động 17 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 36 cơ sở. Ngoài ra, có 29/18.764 cơ sở bị xử lý trong lĩnh vực xây dựng (sai phép và chưa được cấp phép), 357 cơ sở bị xử lý trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, 310 cơ sở bị xử lý trong đăng ký thường trú, tạm trú…
Từ thực tiễn kiểm tra, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an thành phố đề xuất nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy; giảm thiểu nguy cơ xảy ra cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nhất là cơ sở tập trung đông người, nguy cơ cháy nổ cao đặc biệt là các khu nhà trọ, nhà cho thuê trọ kết hợp kinh doanh, nhà ở kết hợp kinh doanh.
Trong đó, các đơn vị tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân các biện pháp, giải pháp xử lý, kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra; nhất là các cơ sở tập trung đông người, nguy cơ cháy nổ cao; các khu nhà trọ, nhà cho thuê trọ kết hợp kinh doanh, nhà ở kết hợp kinh doanh; tiếp tục rà soát, thành lập mới, duy trì, phát huy hiệu quả mô hình “Tổ liên gia - Điểm chữa cháy công cộng;”
Đồng thời, tăng cường phối hợp, hỗ trợ giữa các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp để tạo mạng lưới an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; củng cố lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại chỗ ở địa bàn dân cư.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an thành phố đề nghị UBND cấp xã tăng cường rà soát các tuyến hẻm sâu, xe chữa cháy không thể tiếp cận trong khu dân cư để từ đó có cơ sở chuẩn bị các điều kiện về giao thông, nguồn nước kịp thời xử lý sự cố ngay từ khi mới phát sinh.