Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi mô hình khởi nghiệp toàn cầu
Trong quá khứ, số lượng nhân viên và số vốn huy động được xem là thước đo thành công của một startup, bởi mọi người tin rằng "càng lớn càng tốt". Nhưng với AI, điều đó đang thay đổi...

Trước đây, các công ty khởi nghiệp công nghệ thường huy động số tiền khổng lồ để tuyển dụng hàng loạt nhân viên và mở rộng quy mô nhanh chóng. Tuy nhiên, với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), hiệu suất làm việc của nhân viên tăng lên đáng kể, tạo nên một xu hướng mới: công ty nhỏ nhưng hiệu quả vượt trội.
STARTUP GIỜ ĐÂY KHÔNG CẦN TUYỂN DỤNG Ồ ẠT, ĐỐT TIỀN VÀ KỲ VỌNG LỢI NHUẬN
Một ví dụ điển hình là Gamma, một startup AI được thành lập vào năm 2020. Trước đây, một công ty khởi nghiệp như Gamma chắc chắn sẽ không ngừng tìm kiếm nguồn vốn để mở rộng. Nhưng hiện tại, họ đang áp dụng một chiến lược hoàn toàn khác.
Gamma sử dụng AI để tăng năng suất làm việc trong nhiều lĩnh vực, từ dịch vụ khách hàng, tiếp thị đến lập trình và nghiên cứu khách hàng. Điều này giúp họ vận hành hiệu quả chỉ với 28 nhân viên nhưng vẫn đạt hàng chục triệu USD doanh thu hàng năm và gần 50 triệu người dùng. Đặc biệt, công ty này đã có lợi nhuận và không cần huy động thêm vốn.
Theo Grant Lee, CEO của Gamma, nếu công ty ông thuộc thế hệ trước, họ có thể đã có đến 200 nhân viên. Tuy nhiên, AI đã cho phép họ viết lại cách vận hành doanh nghiệp, tối ưu hóa hiệu suất và giảm đáng kể nhu cầu mở rộng nhân sự. Đây không chỉ là câu chuyện riêng của Gamma mà còn là xu hướng chung của các startup AI hiện nay.

Trước đây, các công ty khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon tuân theo một mô hình quen thuộc: huy động số vốn lớn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, tuyển dụng nhân sự ồ ạt để mở rộng nhanh chóng và chấp nhận lỗ trong thời gian dài với kỳ vọng thu lợi nhuận sau này. Trong quá khứ, số lượng nhân viên và số vốn huy động được xem là thước đo thành công của một startup, bởi mọi người tin rằng "càng lớn càng tốt".
Tuy nhiên, với sự phát triển của AI, nhiều công ty khởi nghiệp đã tìm ra cách tăng trưởng nhanh mà không cần đến nguồn lực khổng lồ như trước đây. Các công ty như Anysphere – startup phát triển phần mềm lập trình Cursor – đạt doanh thu 100 triệu USD hàng năm chỉ trong chưa đầy hai năm với 20 nhân viên. ElevenLabs, startup AI giọng nói, cũng đạt doanh thu tương tự với chỉ khoảng 50 nhân viên.
Sự phát triển của AI đã thúc đẩy những dự đoán táo bạo về tương lai. Sam Altman, CEO của OpenAI, từng dự đoán rằng một ngày nào đó có thể sẽ xuất hiện một công ty trị giá 1 tỷ USD chỉ với một người duy nhất.
Một số startup hiện nay thậm chí chủ động giới hạn số lượng nhân viên. Công ty phần mềm tài chính Runway Financial tuyên bố sẽ không tuyển quá 100 nhân viên, bởi mỗi nhân viên có thể làm việc hiệu quả gấp 1,5 lần nhờ AI. Agency, startup sử dụng AI trong dịch vụ khách hàng, cũng đặt giới hạn nhân sự ở mức 100 người. Theo Elias Torres, nhà sáng lập Agency, AI giúp họ loại bỏ những vị trí không còn cần thiết, giúp tổ chức vận hành tinh gọn và hiệu quả hơn.
MỘT MÔ HÌNH KINH DOANH HIỆU QUẢ HƠN
Một trong những minh chứng rõ ràng nhất về hiệu suất của AI chính là DeepSeek, startup AI đến từ Trung Quốc. DeepSeek đã cho thấy rằng có thể phát triển AI với chi phí thấp hơn rất nhiều bằng cách sử dụng công nghệ mã nguồn mở. Nhờ phương pháp này, chi phí vận hành AI có thể giảm từ 1 USD xuống chỉ còn 0,04 USD cho cùng một tác vụ.
Theo Gaurav Jain, một nhà đầu tư tại Afore Capital, DeepSeek là một bước ngoặt lớn. Ông so sánh sự bùng nổ của các startup AI hiện nay với làn sóng bùng nổ các công ty công nghệ vào cuối những năm 2000, sau khi Amazon cung cấp dịch vụ điện toán đám mây giá rẻ. Trước đây, một startup cần đốt 1 triệu USD để đạt doanh thu 1 triệu USD, nhưng với AI, chi phí đó hiện chỉ còn một phần năm, thậm chí có thể giảm xuống một phần mười.
Tuy nhiên, sự phát triển này có thể là một thách thức đối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, những tổ chức đang rót hàng chục tỷ USD vào các startup AI. Theo PitchBook, năm ngoái, các công ty AI đã huy động 97 tỷ USD, chiếm 46% tổng vốn đầu tư mạo hiểm tại Mỹ. Nhưng nếu các startup AI có thể phát triển mạnh mà không cần nhiều vốn, các quỹ đầu tư sẽ phải thay đổi chiến lược.
Dù vậy, các nhà đầu tư vẫn đang tranh giành để đầu tư vào các công ty AI hàng đầu. Một ví dụ là Scribe, startup AI về năng suất, đã nhận được quá nhiều lời mời đầu tư trong khi họ chỉ muốn huy động 25 triệu USD. Jennifer Smith, CEO của Scribe, cho biết các nhà đầu tư rất bất ngờ khi công ty cô chỉ có 100 nhân viên nhưng lại phục vụ 3 triệu người dùng và đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng khi các startup đạt đến một quy mô nhất định, họ sẽ quay lại mô hình cũ – tuyển dụng nhiều nhân viên và huy động vốn lớn. Một số công ty như Anysphere đã bắt đầu theo hướng này khi vừa huy động 175 triệu USD để tuyển thêm nhân sự và đẩy mạnh nghiên cứu phát triển.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều nhà sáng lập đang nhận ra rằng mô hình cũ không còn phù hợp. Trước đây, khi một công ty mở rộng, họ cần thêm nhiều nhà quản lý, bộ phận nhân sự và hậu cần lớn hơn, văn phòng rộng hơn cùng nhiều phúc lợi. Tất cả những điều này khiến chi phí tăng vọt, buộc startup phải tiếp tục huy động vốn. Nhưng đến khi không thể gọi thêm vốn, nhiều công ty sụp đổ hoặc bị bán tháo.
AI đã thay đổi hoàn toàn cách vận hành doanh nghiệp. Tại Gamma, nhân viên sử dụng khoảng 10 công cụ AI để hỗ trợ công việc, bao gồm Intercom để tự động hóa dịch vụ khách hàng, Midjourney để tạo hình ảnh tiếp thị, Claude của Anthropic để phân tích dữ liệu, Google NotebookLM để nghiên cứu khách hàng và Cursor của Anysphere để viết code nhanh hơn.
CEO Grant Lee cho biết AI đã giúp ông có nhiều thời gian hơn để tập trung vào khách hàng, thay vì quản lý nhân viên. Năm 2022, ông tạo ra một nhóm Slack dành riêng cho phản hồi từ khách hàng và nhiều người ngạc nhiên khi chính CEO là người trực tiếp trả lời họ.
“Đó thực sự là giấc mơ của mọi nhà sáng lập”, ông Grant Lee nhận định.