Trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục tăng
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, dự báo nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí phá sản sẽ làm gia tăng tình trạng trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội. Tình hình tội phạm “hậu Covid-19” diễn biến phức tạp, trong đó có tội phạm liên quan đến chiếm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội…
Thông tin được lãnh đạo Bộ Công an cho biết chiều 21/1 tại lễ ký Quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an.
Theo Quy chế, Bộ Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện phối hợp triển khai một số nội dung như: Trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hai ngành.
Bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh mạng và bí mật Nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm xã hội và dân cư.
Thực hiện chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, công nhân công an, người làm việc theo hợp đồng lao động và thân nhân cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, thân nhân công nhân công an; đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật…
Tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, dự báo nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí giải thể, phá sản. Điều này sẽ làm gia tăng tình trạng trốn đóng, nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, và phát sinh nhiều vướng mắc trong việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.
Tình hình tội phạm “hậu Covid-19” diễn biến phức tạp, trong đó có tội phạm liên quan đến hành vi chiếm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
"Việc ký kết Quy chế phối hợp giữa hai ngành ngày hôm nay sẽ tạo cơ chế, hành lang quan trọng để phối hợp toàn diện, có chiều sâu, thường xuyên, chặt chẽ hơn nữa trên tất cả các mặt công tác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai ngành”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công an cũng đề nghị, sau khi ký kết Quy chế, công an các đơn vị, địa phương cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy chế phối hợp giữa hai ngành.
Để triển khai Quy chế đạt hiệu quả, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát nội dung Quy chế, phối hợp chặt chẽ với công an các tỉnh, thành phố trên cơ sở tình hình thực tế tại địa phương, cụ thể hóa Quy chế thành các chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ năm 2017 đến năm 2021, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bộ Công an đã phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với gần 6.000 đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám chữa bệnh. Qua đó, góp phần phát hiện, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi gian lận, trục lợi trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Năm 2021, hai ngành cũng đã tổ chức kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện chia sẻ khoảng 33 triệu lượt thông tin công dân có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực.