Trồng dừa hữu cơ, Trà Vinh giảm phát thải khí

Chu Khôi
Chia sẻ

Canh tác dừa theo hướng hữu cơ để xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu hoặc thu hoạch mật hoa dừa là sự chuyển đổi đầy triển vọng của nông dân trồng dừa ở Trà Vình. Giải pháp này vừa cải thiện kế sinh nhai, vừa bảo vệ môi trường, đóng góp vào giảm phát thải khí nhà kính…

Nông dân liên kết mô hình Sokfarm thu hoạch mật dừa.
Nông dân liên kết mô hình Sokfarm thu hoạch mật dừa.

Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, cho biết với diện tích dừa lên tới 23.698ha (khoảng 6,6 triệu cây dừa), Trà Vinh là tỉnh có diện tích cây dừa lớn thứ 2 ở Việt Nam (sau tỉnh Bến Tre). Trong đó, gần 21.000 ha đang cho trái, năng suất bình quân 15,2 tấn/ha, sản lượng 307.000 tấn, tương đương khoảng 257 triệu quả/năm.

RỘNG ĐƯỜNG XUẤT KHẨU DỪA SANG ÂU - MỸ

Để nâng cao giá trị từ cây dừa, tránh tình trạng “mất giá, lợi nhuận thấp”, từ 5 năm qua, UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện đề án “Nâng cấp chuỗi giá trị dừa”. Ông Trần Văn Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần, cho biết thực hiện nâng cao chuỗi giá trị dừa, nông dân tại địa phương đã chuyển sang trồng dừa hữu cơ, được cấp chứng nhận GlobalGAP.

“Thay vì tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu sang các quốc gia lân cận và Trung Quốc, hiện nay doanh nghiệp đã thu mua trái dừa để xuất khẩu sang châu Âu. Năm 2023, trong khi dừa thông thường chỉ bán được với giá 5.000-6.000 đồng/trái, thì dừa có chứng nhận GlobalGAP được doanh nghiệp thu mua với giá 7.500-8.000 đồng/trái”, ông Quân cho biết.

 

"Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có 1.294ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu và chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA). Kế hoạch phát triển dừa của tỉnh Trà Vinh đến năm 2025, diện tích phấn đấu đạt trên 25.000ha, cho sản lượng trên 375.000 tấn/năm".

Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh.

Là một nông dân ở xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần, ông Nguyễn Văn Hưng là người đã có hơn một năm kinh nghiệm trong việc thực hiện chuyển đổi kỹ thuật canh tác mới. Theo ông Hưng, khi nền đất được xử lý bằng phân hữu cơ vi sinh, không bón phân hóa học, 0,8ha dừa của gia đình cho trái ít hơn, nhưng trái to đều và đẹp. Canh tác hữu cơ giúp giảm khoảng 55% chi phí do hạn chế không sử dụng phân bón hóa học, nhờ đó lợi nhuận đạt cao hơn.

Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho thấy sự cải thiện tích cực đáng kể trong sản xuất và kinh doanh dừa tại đây. Toàn tỉnh đã triển khai liên kết trong sản xuất và tiêu thụ dừa với nhiều doanh nghiệp tham gia: Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) liên kết với nông dân tạo chuỗi dừa hữu cơ với diện tích 763ha; Công ty cổ phần Chế biến dừa Á Châu với diện tích dừa hữu cơ 220,56ha, 202 hộ tham gia; Công ty Cổ phần Trà Bắc với diện tích 310,5ha, 343 hộ tham gia; Công ty TNHH Chế biến nông sản Thuận Phong đang triển khai xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ khoảng 500ha.

THU HOẠCH MẬT DỪA, ỨNG PHÓ XÂM NHẬP MẶN

Trà Vinh là tỉnh nằm cuối nguồn tiếp ngọt của Sông Hậu và giáp biển, do đó tình trạng xâm nhập mặn diễn ra trong những năm qua đã tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Điển hình như đợt hạn hán, xâm nhập mặn gây hại từ năm 2016, sản lượng dừa của Trà Vinh giảm từ 50-60%, gây thất thu lớn đối với thu nhập của người dân.

Thực tế những năm gần đây, những khu vực trồng dừa bị mặn xâm nhập kéo dài, thường làm giảm khả năng đậu trái, khiến năng suất trái giảm mạnh. Biến đổi khí hậu cũng khiến bọ vòi voi gây hại làm rụng trái non. Nhiều nông dân chán nản, chặt bỏ cây dừa, nhưng cũng không biết chuyển sang trồng cây gì để thích ứng được với xâm nhập mặn.

Chị Thạch Thị Chal Thi, dân tộc Khmer, ở xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, đã tìm ra lối thoát cho người trồng dừa. Chị Chal Thi có bằng thạc sỹ ngành công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Tình cờ chị đọc được một báo cáo của FAO cho biết chế biến mật hoa dừa là giải pháp phù hợp với biến đổi khí hậu và xu thế tiêu dùng.

Mật hoa dừa chứa nhiều khoáng chất, là nguồn thực phẩm giàu kali, magie, kẽm và sắt, nhiều loại vitamin và các loại acid amin thiết yếu nên có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Những nghiên cứu cũng cho thấy: mật hoa dừa có chứa chất chống oxy hóa, tác dụng ổn định đường huyết, hỗ trợ hệ tim mạch ổn định trong cơ thể, chống xơ vữa động mạch và ngăn ngừa nguy cơ ung thư.

Báo cáo của FAO cũng chỉ ra rằng, trong điều kiện độ mặn 4 - 10‰, cây dừa giảm đậu quả kết trái, nhưng cây dừa vẫn sống tốt. Tìm hiểu từ những người già trong ấp mà mình sinh ra và lớn lên, chị Chal Thi được biết cũng giống như cây thốt nốt, người xưa ở đây cũng từng lấy nước chảy ra từ hoa dừa, nấu lên thành đường. Tuy nhiên, do giá thành làm đường từ hoa dừa cao, quá trình chế biến kỳ công, không cạnh tranh được với đường mía, nên ngày nay không ai làm đường từ hoa dừa nữa.

Chị Chal Thi quyết định khởi nghiệp với nghề khai thác mật hoa dừa, dùng chính vườn dừa của cha mẹ mình để thí điểm. Suốt nửa năm đầu tiên, chị không thu được mật hoa dừa vì không biết cách “massage” cho hoa. Lên mạng tìm hiểu qua các video của Philippine, chị mới biết cách “massage” hoa dừa để thu mật. Cho đến gần một năm sau, chị mới thu hoạch và thành thạo kỹ năng lấy mật từ hoa dừa.

Để thu hoạch mật hoa dừa, nông dân cần mỗi ngày hai lần massage cho hoa dừa nhằm kích thích chúng tiết mật. Trong quá trình kích mật cần phải tác động lực vừa đủ để tránh hoa dừa bị dập, nhưng nếu làm quá nhẹ thì chúng sẽ không chảy ra mật. “Trung bình một năm, cây dừa cho khoảng 13 chùm hoa. Chu kỳ cứ 25 ngày cây dừa sẽ cho ra một chùm hoa, thu được 25 - 30 lít mật/một chùm và thu luân phiên từ hoa này đến hoa khác”, chị Chal Thi chia sẻ.

Bà con hàng xóm nhìn thấy kết quả nên bắt đầu tin tưởng và đồng ý liên kết sản xuất với chị Chal Thi. Hàng xóm kế bên có vườn dừa, nhưng do năng suất thấp bởi hạn mặn nên đã chặt bỏ vườn dừa, chỉ để lại 7 cây dừa bên bờ ao. Nhà này liên kết với chị, thấy thay đổi rõ rệt. Trước đây, 7 cây dừa này, thu hoạch trái đem bán chỉ thu được 200 nghìn đồng/tháng. Từ khi thu hoạch mật, chỉ với 7 cây dừa đã thu được 2,8 - 3 triệu đồng/tháng.

Năm 2020, ý tưởng sản xuất mật hoa dừa giành giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp trong đoàn viên thanh niên do Trung ương Đoàn tổ chức. Đó là động lực để chị Chal Thi thành lập Công ty Sokfarm. Trong 3 năm qua, nông dân ở xã Phú Cần đã trồng lại cây dừa và tham gia chuỗi liên kết của Sokfarm.

TRỒNG DỪA MANG LẠI HẠNH PHÚC

Sok trong tiếng Khmer là hạnh phúc và SokFarm là nông nghiệp hạnh phúc. Hiện nay, Sokfarm là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất mật hoa dừa và các sản phẩm từ mật hoa dừa. Sokfarm đã nghiên cứu và sản xuất thành công các dòng sản phẩm như: nước uống mật hoa dừa tươi, nước tương mật hoa dừa, mật hoa dừa lên men, hạt ca cao và mật hoa dừa, dấm mật hoa dừa…

 

"Các chuyên gia đều khẳng định dừa là loại cây trồng hấp thụ khí nhà kính rất tốt. Sokfarm đã giúp nông dân trồng dừa gia tăng giá trị gấp 3-5 lần so với thu hoạch trái dừa, từ đây nông dân không còn chặt bỏ cây dừa, mà gia tăng tái canh diện tích trồng dừa. Mô hình này đóng góp lớn cho mục tiêu giảm phát thải, hấp thu khí nhà kính".

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Cán bộ Chương trình UNDP Việt Nam.

Hiện mỗi tháng, Sokfarm cho ra thị trường 20.000 sản phẩm thành phẩm, doanh thu mang về hơn 3 tỷ đồng/tháng và tăng trưởng doanh thu khoảng 200% mỗi năm. Công ty đã xây dựng được mạng lưới 400 nhà phân phối trên toàn quốc. 90% sản phẩm phục vụ nội tiêu, 10% xuất khẩu ra thị trường Hà Lan, Campuchia, Nhật Bản và đang tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.

Sokfarm có 38 công nhân làm việc tại cơ sở chế biến mật dừa, liên kết bao tiêu thu mua nguyên liệu từ hơn 50 hộ nông dân trồng dừa. Mục tiêu của Sokfarm phấn đấu đến năm 2030, liên kết được 1.000 nông hộ trở lên để đồng bào Khmer không phải ly hương trước xu hướng xâm nhập mặn đang ngày càng khốc liệt ở miền Tây Nam bộ.

Bà Nguyễn Như Quỳnh, cán bộ Chương trình UNDP Việt Nam, cho biết nghiên cứu đo đạc cho thấy mỗi cây dừa, trên 10 tuổi hấp thụ 770 kg CO2/năm. Các chuyên gia đều khẳng định dừa là loại cây trồng hấp thụ khí nhà kính rất tốt. Sokfarm đã giúp nông dân trồng dừa gia tăng giá trị gấp 3-5 lần so với thu hoạch trái dừa, từ đây nông dân không còn chặt bỏ cây dừa, mà gia tăng tái canh diện tích trồng dừa. Mô hình này đóng góp lớn cho mục tiêu giảm phát thải, hấp thu khí nhà kính.

“Bình quân 1 ha trồng dừa thu được 70-90 tấn mật/năm. Trước đây, mỗi ha trồng dừa người dân thu được 5-7 triệu đồng/tháng, thì nay thu được 40-60 triệu đồng tháng nhờ khai thác mật hoa dừa. Mô hình của Sokfarm là một điển hình cho chuyển đổi mô hình phát triển cho phụ nữ dân tộc Khmer vùng Tây Nam bộ sang mô hình kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến sự phát triển bền vững”, bà Nguyễn Như Quỳnh nhận định.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con