Trung Quốc tính phát hành hơn 800 tỷ USD trái phiếu đặc biệt để kích cầu
Số tiền huy động được dự kiến dùng để hỗ trợ kích thích tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ giảm gánh nặng nợ cho chính quyền các địa phương...
Theo nguồn tin từ trang tài chính Caixin của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt kỳ hạn siêu dài với tổng giá trị 6 nghìn tỷ Nhân dân tệ (846 tỷ USD) trong vòng 3 năm tới.
Việc này nằm trong nỗ lực kích thích tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ảm đạm và khủng hoảng bất động sản dai dẳng.
Nguồn tin của Caixin cũng cho biết một phần số tiền huy động được từ đợt phát hành trái phiếu trên sẽ được dùng để hỗ trợ các chính quyền địa phương giảm bớt gánh nặng nợ.
Thời gian qua, giới đầu tư và các nhà phân tích đã nhiều lần đồn đoán về quy mô chương trình trái phiếu phục vụ kích thích tăng trưởng của Chính phủ Trung Quốc. Tại một cuộc họp báo hôm thứ Bảy tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Lan Fo'an cũng đề cập tới khả năng Chính phủ phát hành trái phiếu nhưng không nêu cụ thể về quy mô cũng như thời điểm triển khai.
Dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã triển khai một gói kích thích tăng trưởng quy mô lớn bằng chính sách tiền tệ vào cuối tháng 9, tăng mạnh chi tiêu tài khóa vẫn được xem là chìa khóa để duy trì sự phục hồi của nền kinh tế. Giới đầu tư đang kỳ vọng rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc sẽ thông qua chương trình ngân sách bổ sung tại cuộc họp cuối tháng này.
Tại cuộc họp báo hôm thứ Bảy, ông Lan cũng cho biết về khả năng Chính phủ sẽ triển khai hành động để giải quyết các khoản nợ ẩn của chính quyền địa phương, hoặc các khoản vay ngoài sổ sách của những công ty do chính quyền địa phương kiểm soát.
“Đây sẽ là chương trình lớn nhất trong những năm gần đây”, vị Bộ trưởng cho biết và không cung cấp thêm thông tin cụ thể.
Theo các nhà phân tích, chương trình có thể là chìa khóa để xử lý những rủi ro liên quan tới các công cụ huy động vốn của các chính quyền địa phương Trung Quốc (LGFV). LGFV là phương tiện tài chính do các chính quyền địa phương Trung Quốc tạo ra để lách các quy định giới hạn về nợ.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính tới cuối năm 2023, tổng quy mô LGFV tại Trung Quốc là khoảng 60 nghìn tỷ nhân dân tệ. Đây là các khoản vay lãi suất cao và là một gánh nặng tài chính lớn với các chính quyền địa phương trong bối cảnh nguồn thu từ đất và thuế đất giảm sút do khủng hoảng bất động sản.
Những tháng gần đây, Bắc Kinh liên tục tung ra nhiều chương trình quy mô lớn nhằm giải quyết các tồn tại của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng. Gần đây nhất, Ủy ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) thông báo chương trình chi tiêu 200 tỷ nhân dân tệ (28 tỷ USD) cho các dự án đầu tư của chính quyền các địa phương trong năm nay.
Chương trình kích thích công bố vào cuối tháng 9 của PBOC bao gồm yêu cầu các ngân hàng thương mại trước ngày 31/10 tiến hành hạ lãi suất đối với các khoản vay thế chấp nhà hiện có. PBOC cũng hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, qua đó giải phóng 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 142 tỷ USD vốn vay, và có thể hạ thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nếu cần. Ngoài ra, cơ quan này cũng hạ lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày. Đây là kế hoạch kích thích kinh tế mạnh mẽ nhất kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 của Trung Quốc.
Trước dịp Quốc khánh 1/10, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ Trung Quốc triển khai chương trình phát tiền hỗ trợ trực tiếp cho dân, cụ thể là nhóm người yếu thế, để kích cầu tiêu dùng. Các biện pháp khác còn có nới lỏng quy định để khuyến khích người mua nhà, cân nhắc mở một quỹ bình ổn thị trường chứng khoán...
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định những nỗ lực của Bắc Kinh thời gian qua "không thấm vào đâu" so với những gì nền kinh tế cần để phục hồi trở lại mức trước đại dịch.
"Trung Quốc cần là một gói những biện pháp cải cách để định hình lại một cách căn bản nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng”, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Duncan Wrigley của công ty Pantheon Macroeconomics nhận định.
Với gói kích cầu cuối tháng 9 của PBOC, Bloomberg Economics và nhiều tổ chức dự báo khác giờ đây dự báo Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5% trong năm nay. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế nhất trí rằng Bắc Kinh cần hành động nhiều hơn để tránh nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát ăn sâu kiểu Nhật Bản. Một thiếu sót lớn của gói kích cầu chính là một chiến lược nhất quán để thúc đẩy 1,4 tỷ dân Trung Quốc tăng cường chi tiêu.