Trung Quốc triển khai kế hoạch hành động thúc đẩy ngành bán lẻ
Doanh số bán lẻ tăng 4% vào đầu năm 2025 cho thấy nỗ lực của Trung Quốc khi công bố kế hoạch hành động 8 điểm nhằm tăng lương tối thiểu và hỗ trợ thị trường chứng khoán…

Theo Kr Asia, Chính phủ Trung Quốc vừa công bố một “kế hoạch hành động” nhằm thúc đẩy việc làm và thị trường chứng khoán để kích thích tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, động thái chưa tạo ra nhiều phản ứng tích cực ngay lập tức từ giới đầu tư.
Sau khi kế hoạch được công bố vào ngày 16/3/2025, chỉ số CSI 300 (chỉ số đo lường cổ phiếu niêm yết trên các sàn giao dịch đại lục) mở cửa tăng 0,35% vào sáng hôm sau, tuy nhiên, kết phiên lại giảm 0,24%. Trước đó, chỉ số này tăng 2,43% trong ngày 16/3 và đạt mức cao nhất trong khoảng ba tháng trở lại đây.
Kế hoạch 8 điểm xuất hiện sau các biện pháp kích thích tài khóa được công bố tại kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) đầu tháng 3/2025, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đe dọa động cơ xuất khẩu của Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, mục tiêu kế hoạch là “tích cực kích cầu tiêu dùng” và “mở rộng toàn diện nhu cầu nội địa”.
Các hành động ưu tiên trong kế hoạch bao gồm: thúc đẩy tăng thu nhập, hỗ trợ năng lực tiêu dùng, nâng cao tiêu dùng dịch vụ, nâng cấp hàng tiêu dùng chủ lực, nâng cao chất lượng tiêu dùng và cải thiện môi trường tiêu dùng.
Ông Li Chunlin, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) – cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu – cho biết tăng trưởng doanh số bán lẻ được hỗ trợ bởi chương trình trợ cấp tiêu dùng của Chính phủ. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng “niềm tin và kỳ vọng của người tiêu dùng vẫn còn yếu”.
Theo ông Li, kế hoạch hành động này là bản tài liệu “toàn diện và có tính định hướng”, được xây dựng bởi hơn 30 cơ quan phối hợp. Tuy nhiên, chi tiết cách triển khai các điểm vẫn còn mơ hồ. Hơn nữa, chính sách cụ thể “đang được các bộ, ngành liên quan tích cực xây dựng và sẽ sớm công bố”.
NDRC cũng giám sát hiệu quả của chương trình trợ cấp – vốn đã mở rộng thêm các mặt hàng như điện thoại thông minh và thiết bị điện tử hồi đầu năm – để quyết định có nên bổ sung thêm sản phẩm được trợ cấp hay không.
Phần nội dung liên quan đến tăng thu nhập nhấn mạnh nhu cầu mở rộng trợ cấp thất nghiệp và một số chương trình hỗ trợ việc làm – phản ánh tình trạng thất nghiệp cao trong nhóm sinh viên mới tốt nghiệp. Kế hoạch kêu gọi “tăng lương tối thiểu một cách khoa học và hợp lý”.
Ngoài ra, kế hoạch cam kết “ổn định thị trường chứng khoán” và “thúc đẩy dòng vốn dài hạn tham gia thị trường” nhằm gia tăng thu nhập tài chính, định vị cổ phiếu như một kênh làm giàu thay thế cho người dân trong bối cảnh thị trường bất động sản suy thoái kéo dài.
Tuy chưa có nhiều chi tiết bổ sung cho chương trình trợ cấp các mặt hàng như ô tô, thiết bị gia dụng, nhưng kế hoạch nêu rõ các trái phiếu đặc biệt siêu dài hạn trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (42 tỷ USD) sẽ được phân bổ cho chương trình này, hỗ trợ sáng kiến của chính quyền địa phương.
Tại kỳ họp NPC, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức “khoảng 5%” – tương tự năm trước, đồng thời công bố nhiều kế hoạch kích cầu. Tuy nhiên, chuỗi dữ liệu kinh tế trái chiều cho thấy Bắc Kinh vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để ngăn nền kinh tế rơi vào vòng xoáy giảm phát.
Doanh số bán lẻ Trung Quốc tăng tốc trong đầu năm 2025 nhờ chi tiêu dịch vụ tăng mạnh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trong khi sản lượng công nghiệp tăng chậm hơn.
Tổng doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng, chỉ số đo lường chi tiêu hộ gia đình, tăng 4,0% trong tháng 1 và tháng 2/2025, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố ngày 17/3/2024. Con số này vượt mức tăng 3,7% của tháng 12 và dự báo trung bình 3,8% theo khảo sát của Bloomberg.
Sản lượng công nghiệp tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2024 trong hai tháng đầu năm, thấp hơn mức 6,2% của tháng 12/2024 nhưng vẫn vượt dự báo 5,3%.
Giá nhà mới trong tháng 2/2025 giảm so với tháng 1/2025 ở 45 trên 70 thành phố lớn do NBS theo dõi, nhiều hơn ba thành phố so với tháng trước. Số thành phố ghi nhận giá tăng giảm từ 24 thành phố xuống còn 18, trong khi các thành phố còn lại giữ giá ổn định.
SỨC CẦU NỘI ĐỊA YẾU VẪN LÀ ĐIỂM NGHẼN CỦA NỀN KINH TẾ
Bất chấp sự trì trệ kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, chỉ số đầu tư tài sản cố định tăng 4,1%, được hỗ trợ bởi ngành sản xuất. Tốc độ tăng này nhanh hơn mức 3,2% ghi nhận trong cả năm 2024.
Đầu tư vào bất động sản trong hai tháng đầu năm giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2024, cải thiện nhẹ so với mức giảm 10,6% năm 2024.
Trong tháng 2/2025, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm mạnh hơn kỳ vọng của giới phân tích. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong hai tháng đầu năm chững lại rõ rệt so với tháng 12/2025, cho thấy tác động từ việc đơn hàng được dồn trước thời điểm Hoa Kỳ áp thuế mới vào đầu tháng 2/2025.
Bà Louise Loo, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Oxford Economics, viết trong ghi chú gần đây rằng dù dữ liệu hai tháng đầu năm cho thấy sản xuất tại Trung Quốc “tương đối ổn định”, nhu cầu trong nước vẫn cần được “thúc đẩy mạnh hơn để ngăn chặn áp lực giảm phát kéo dài”.
“Thời điểm công bố kế hoạch đặc biệt mới của Trung Quốc nhằm kích cầu tiêu dùng, với trọng tâm là vấn đề tiêu dùng ‘thượng nguồn’ như hỗ trợ thu nhập, cho thấy mức độ nhạy cảm cao của chính sách trước dữ liệu tiêu dùng yếu” bà Loo nhận định; đồng thời, bà Loo cảnh báo rằng tác động từ biện pháp kích thích đã công bố trước đó và tiêu dùng trong dịp Tết “có thể nhanh chóng phai nhạt nếu không tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ”.