Tỷ giá USD/VND tăng cao, kênh mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước ngừng bơm tiền
Ở chiều ngược lại, chỉ trong tháng 11/2021, các ngân hàng thương mại đã cung cấp khoảng 126.600 tỷ đồng tín dụng ra thị trường...
Như VnEconomy đã đưa, tỷ giá USD/VND đã miệt mài tăng suốt từ tuần trước tới những phiên giao dịch tại tuần này. Riêng ngày hôm qua (6/12), tỷ giá liên ngân hàng chốt phiên ở mức 23.100 VND/USD, tăng mạnh 270 VND so với phiên liền trước.
Mức trên cao hơn giá mua giao ngay của Ngân hàng Nhà nước tới 450 VND. Vì vậy, nghiệp vụ mua ngoại tệ không ghi nhận giao dịch. Hay nói cách khác, nhà điều hành dừng bơm tiền cho các ngân hàng thương mại ở kênh mua ngoại tệ giao ngay.
Trong khi đó, theo cập nhật mới nhất, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/11 đạt 10,1% so với thời điểm đầu năm, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ năm 2020 là 8,4%.
Như vậy, chỉ trong tháng 11/2021, các ngân hàng thương mại đã cung cấp khoảng 126.600 tỷ đồng tín dụng ra thị trường. So với tháng 10/2021, số tiền ngân hàng bơm ròng ra thị trường qua kênh cho vay này đã tăng gần gấp đôi. Còn nếu so với giai đoạn tháng 8 và 9/2021, con số cho vay ra thị trường đã tăng gấp 3 lần.
Theo nhóm gia phân tích tại Công ty chứng khoán SSI, tín dụng tăng trưởng tốt là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi tốt sau đại dịch, cùng với đó là sự cải thiện của các số liệu vĩ mô tháng 11.
Bên cạnh đó, nguyên nhân giúp tín dụng tăng mạnh trong tháng vừa qua là gói hỗ trợ lãi suất tại TP. Hồ Chí Minh được đẩy mạnh từ tháng 10 với mục đích hỗ trợ nền kinh tế.
“Nền kinh tế dường như đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch và tăng trưởng tín dụng năm này sẽ đạt khoảng 13%, phù hợp với động thái nâng trần tín dụng tại một số ngân hàng thương mại gần đây của Ngân hàng Nhà nước”, SSI đánh giá.
Hiện tại, thông tin tổng hợp từ các công ty chứng khoán cho biết, TPBank là ngân hàng được cấp room tăng trưởng cao nhất là 23,4% cho cả năm 2021, nới thêm đáng kể so với mức 17,4% trước đó. 3 ngân hàng khác được tăng trưởng tín dụng trên 20% trong năm nay còn có Techcombank (22,1%), MSB (22%) và MBB (21%).
Các ngân hàng khác cũng được nới mạnh room tín dụng: VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%), OCB (15%), ACB (13,1%). Trong khi đó, 2 ngân hàng thương mại nhà nước là BIDV và VietinBank được nới ít nhất, lần lượt lên mức 12% và 12,5%.
Không những thế, kể từ đầu tháng 12, Bộ Tài chính đang có xu hướng giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp chặt chẽ hơn. Hiện tại đã có 2 doanh nghiệp phát hành và 1 công ty chứng khoán đã bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm nguyên tắc phát hành. Thị trường trái phiếu bị quản lý chặt chẽ hơn sẽ là động lực để tín dụng ngân hàng tăng trưởng tốt trở lại.
Đáng chú ý, mặc dù không còn được bơm thêm tiền, cộng thêm việc tín dụng đầu ra bứt tốc như đã nói, nhưng thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn duy trì trạng thái dồi dào. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc, mặt bằng lãi suất ngân hàng đi ngang trong vùng thấp.
Tính đến cuối tuần vừa qua, lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm đóng cửa ở mức 0,63%/năm; lãi suất cho vay 1 tuần là 0,74%/năm. Đây đã là mức lãi suất cho vay liên ngân hàng qua đêm thấp nhất kể từ tháng 4 đến nay.
Giới chuyên môn nhìn nhận, chủ yếu nhờ lượng tiền Đồng được Ngân hàng Nhà nước bơm vào thị trường những tuần trước, thanh khoản hệ thống ngân hàng mới có diễn biến như vậy.