Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để trung tâm dữ liệu Việt đạt chuẩn quốc tế
Công nghệ trong các trung tâm dữ liệu của Việt Nam đang cách khá xa so với thế giới, chủ yếu dùng kiến trúc và thiết kế truyền thống, giải pháp làm mát thông thường và sử dụng điện lưới của EVN, chưa dùng năng lượng tái tạo...
Công nghệ 5G được xem là một bước đột phá quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, và là động lực phát triển kinh tế số. Ví dụ, ở Hàn Quốc, sau khi chuyển từ 4G sang 5G, việc sử dụng dữ liệu của người dân và doanh nghiệp đã tăng lên ba lần. Điều này cũng tạo ra động lực để phát triển các dịch vụ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), và tăng nhu cầu sử dụng dữ liệu và lưu trữ.
Trước bối cảnh đó, việc thúc đẩy phát triển các dịch vụ hạ tầng đi kèm, bao gồm trung tâm dữ liệu (DC) và đám mây (cloud), là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dữ liệu và phục vụ cho quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của đất nước.
VIỆT NAM CHIẾM CHƯA TỚI 1% SỐ LƯỢNG DATA CENTER TRÊN TOÀN THẾ GIỚI
Trên toàn cầu, thị trường data center đang có tổng dung lượng khoảng 321 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình là khoảng 7,3%. Châu Á-Thái Bình Dương là một trong những khu vực có thị trường data center năng động, tốc độ tăng trưởng là khoảng 19%.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện mới chỉ có gần 30 data center, chiếm chưa tới 1% số lượng data center trên toàn thế giới. Theo ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC, xem xét quy mô hiện tại, thị trường data center Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1/15 thị trường Singapore, và khoảng 1/5 thị trường Malaysia và Indonesia.
Điều đáng nói, từ năm 2020 đến 2022, thị trường data center ở Indonesia, Malaysia tăng 6 lần, nhưng Việt Nam chỉ tăng 1,5 lần, cho thấy Việt Nam còn nhiều thách thức cần vượt qua, từ vấn đề kết nối quốc tế, kết nối cáp quang biển vừa thiếu vừa không ổn định, các quy định pháp lý và thủ tục đất đai còn tương đối phức tạp. Đây là những rào cản làm cho lĩnh vực data center tại Việt Nam chưa đạt được sự phát triển như kỳ vọng.
Thời gian gần đây, trong nỗ lực phát triển ngành công nghệ thông tin, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực trung tâm dữ liệu và an ninh mạng. Cụ thể, Luật An ninh mạng và Luật Viễn thông là những bước đi quan trọng, tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để quản lý và bảo vệ thông tin, dữ liệu trên mạng internet.
Tầm quan trọng của việc bảo vệ và quản lý dữ liệu cũng được nhấn mạnh, yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp tăng cường an ninh mạng mà còn thúc đẩy quá trình phát triển của lĩnh vực trung tâm dữ liệu và công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Những biện pháp pháp lý này cung cấp một môi trường kinh doanh ổn định và an toàn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu, đồng thời cũng là động lực để họ đầu tư và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những điều chỉnh quan trọng và kịp thời, đặc biệt là trong quy hoạch hạ tầng viễn thông đến năm 2030. Quy hoạch này nhấn mạnh vào việc đầu tư vào các hạ tầng kết nối, trong đó bao gồm cả cáp quang biển và mạng 5G.
Đối với cáp quang biển, các công ty như Viettel, FPT và VNPT đã tham gia nhiều dự án để mở rộng hạ tầng, hướng đến mục tiêu vào năm 2025, Việt Nam sẽ đạt sự ổn định trong các kết nối cáp quang biển.
CÁC TRUNG TÂM DỮ LIỆU CỦA VIỆT NAM ĐANG Ở MỨC “TODAY”, TRONG KHI THẾ GIỚI ĐÃ Ở “TOMORROW”
Đặc biệt, tại Hội nghị Data Center & Cloud Infrastructure Summit (DCCI Summit) diễn ra sáng 18/3, lãnh đạo Viettel IDC đã chia sẻ thông tin về một dự báo của hãng nghiên cứu CBInsight cách đây 5 năm, trong đó có các xu hướng tương lai của các loại hình data center, bao gồm "today", "tomorrow" và "future".
Và hiện nay, thế giới đã bắt đầu hướng tới "tomorrow", lựa chọn các vị trí có khí hậu nền nhiệt thấp để giảm tiêu thụ năng lượng, ưu tiên sử dụng công nghệ và nguồn năng lượng tái tạo, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong vận hành và khai thác, sử dụng các công nghệ làm mát cao cấp. Ví dụ, Google và Facebook đã có data center lớn tại Iceland, thậm chí Microsoft đã triển khai data center dưới lòng đại dương.
Đây là các đột phá lớn và thế giới đang hướng đến "future", tức là xây dựng data center ngoài khơi, hoàn toàn sử dụng năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, các loại hình data center hiện đang gần như ở mức "today", với các kiến trúc và thiết kế truyền thống, giải pháp làm mát thông thường và hầu hết sử dụng điện lưới của EVN, chưa có sự lựa chọn cho việc sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kép và thực hiện cam kết tại COP26 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, hạ tầng data center của Việt Nam sẽ tiến tới "tomorrow" và hướng đến "future" sau năm 2030, đồng hành với các tiêu chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo đang có tác động rất lớn đối với các dịch vụ và đầu tư liên quan đến hạ tầng. Tương lai của lĩnh vực AI không chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhà cung cấp dịch vụ như trung tâm dữ liệu và đám mây, mà còn mang đến những thách thức mới cho các tổ chức và doanh nghiệp.
AI được coi là một vũ khí quan trọng giúp tăng cường hiệu suất, cải thiện dịch vụ và tối ưu hóa quy trình hoạt động. Đồng thời, AI cũng đặt ra những thách thức về quản lý dữ liệu, bảo mật thông tin, và đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong sử dụng công nghệ này. Điều này yêu cầu các tổ chức và doanh nghiệp phải tích cực nghiên cứu, áp dụng và quản lý AI một cách thông minh và bền vững để tận dụng được tiềm năng của nó mà không gặp phải các rủi ro và hậu quả không mong muốn.
“Bất kỳ một ngành công nghiệp nào cũng cần đến năng lượng, và giờ đây chúng ta cần thêm một loại năng lượng nữa. Đấy chính là data”, ông Hoàng Văn Ngọc nói. “Data đã trở thành một nguồn tài nguyên quan trọng cho doanh nghiệp trong tương lai. Data không chỉ được coi là một tài sản quý giá mà còn là một nguồn nguyên liệu quan trọng trong quá trình sáng tạo và phát triển kinh doanh. Trong khi đó, trí tuệ nhân tạo lại là công nghệ tối ưu để khai thác và tận dụng tài nguyên data này”.
Sự kết hợp giữa data và AI đã thay đổi cách thức hoạt động của nhiều ngành công nghiệp, từ sản xuất đến dịch vụ, bằng cách tối ưu hóa quy trình tự động hóa và tăng cường năng suất lao động. Đặc biệt, thị trường trung tâm dữ liệu và đám mây đang phải đối mặt với ảnh hưởng lớn từ xu hướng này. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu đều phải điều chỉnh và cập nhật cơ sở hạ tầng, dịch vụ của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lưu trữ và xử lý dữ liệu, tận dụng tối đa tiềm năng của trí tuệ nhân tạo.