Vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng về gói tín dụng hỗ trợ hãng bay tư nhân
Trong văn bản mới nhất, Ngân hàng Nhà nước chưa đề cập đến gói tín dụng hỗ trợ hãng bay tư nhân; thay vào đó, các ngân hàng dùng nguồn lực của mình để đồng hành...
Nhìn nhận khó khăn hiện tại, cũng như tiềm năng của ngành hàng không khi nền kinh tế mở cửa trở lại, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, văn bản lại không đề cập đến một gói tín dụng nào cụ thể, điều mà doanh nghiệp hàng không rất muốn có lúc này.
Tại văn bản gửi các tổ chức tín dụng về việc triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, liên quan đến giải pháp hỗ trợ ngành hàng không, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phù hợp với chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và quy định hiện hành.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện, hỗ trợ các hãng hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phù hợp với chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và quy định hiện hành.
Đồng thời, nhà điều hành yêu cầu các tổ chức tín dụng phải coi nhiệm vụ hỗ trợ các hãng hàng không là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo. Tích cực làm việc, phối hợp với các doanh nghiệp hàng không để tư vấn, hỗ trợ, thực hiện các giải pháp tín dụng trong thẩm quyền của tổ chức tín dụng để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí... theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là Thông tư số 14/2001/TT-NHNN mới được ban hành.
Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định việc duy trì hạn mức tín dụng, cho vay mới đối với doanh nghiệp hàng không theo quy định hiện hành.
Tiết giảm tối đa các loại chi phí nhằm tạo nguồn lực tài chính hỗ trợ khách hàng. Trên cơ sở năng lực, khả năng tài chính của mình, tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối, xem xét giảm lãi suất đối với các khoản cho vay của doanh nghiệp hàng không.
Trường hợp tổ chức tín dụng có nhu cầu điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để cấp tín dụng đối với các hãng hàng không, trên cơ sở đánh giá năng lực cung ứng vốn, đảm bảo đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vốn và kế hoạch kinh doanh của mình, tổ chức tín dụng gửi công văn đề nghị để Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định.
Như vậy, chưa có gói hỗ trợ cụ thể nào được nêu trong văn bản nói trên; thay vào đó, nhà điều hành chỉ yêu cầu hệ thống dựa vào nguồn lực tài chính các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ theo đúng phạm vi quyền hạn được phép.
Trước đó, tại buổi làm việc ngày 28/9/2021, giữa đại diện của các hãng hàng không và đại diện các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, các doanh nghiệp hàng không rất tha thiết được hỗ trợ vốn thông qua các gói tín dụng ưu đãi để trang trải các chi phí hiện nay.
Điển hình, VietJet Air đề nghị hỗ trợ khoản vay tín dụng 4.000 - 5.000 tỷ đồng dưới hình thức tái cấp vốn từ các ngân hàng thương mại như đã áp dụng cho Vietnam Airlines và khoản tín dụng 80.000 – 10.000 tỷ đồng dài hạn trong thời gian 3 - 4 năm, lãi suất ưu đãi, giảm khoảng 4 - 5%.
Cho tới thời điểm hiện tại, về tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không mới có duy nhất một gói tín dụng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn 0% để ngân hàng thương mại giải ngân khoản vay 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines (trong gói 12.000 tỷ đồng mà Quốc hội cũng như Chính phủ cho phép).
Hay như Bamboo Airlines đề nghị được vay 5.000 tỷ đồng dưới hình thức tái cấp vốn như đã áp dụng với Vietnam Airlines và khoản tín dụng dài hạn với lãi suất và điều kiện ưu đãi.
Theo đó, dựa trên nhu cầu của từng đơn vị và tổng hợp kiến nghị toàn ngành, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị 2 gói vay.
Một là áp dụng cơ chế tái cấp vốn vay lãi suất 0% như đã áp dụng với Vietnam Airlines cho các hãng hàng không khác với quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng, thời hạn tối đa 3 năm.
Hai là cho phép các hãng hàng không thuộc Hiệp hội được vay gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất, ngân sách cấp bù lãi suất 4%, thời hạn: 3 - 4 năm.
Tại buổi làm việc này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói:"Sau đây Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính để đề xuất gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không và sớm trình lên Chính phủ".