Vàng tụt mốc 2.400 USD/oz vì đồng USD mạnh lên
“Giá vàng đang yếu đi vì đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, môi trường vĩ mô đối với giá vàng là tương đối tích cực. Bởi vậy, giá vàng có thể sẽ giằng co trong ngắn hạn”...
Giá vàng thế giới liên tục giảm đêm qua và sáng nay (7/8) do tỷ giá đồng USD tăng giá trở lại và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Dù vậy, giá kim loại quý này tiếp tục được hỗ trợ bởi kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất vào tháng 9 và căng thẳng địa chính trị có chiều hướng nóng lên ở Trung Đông.
Lúc hơn 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 2.386,1 USD/oz, giảm 5,6 USD/oz so với đóng cửa tại thị trường Mỹ, tương đương giảm 0,23%. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 72,8 triệu đồng/lượng, giảm 700.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua. Trong hai ngày, giá vàng thế giới quy đổi đã giảm 1,6 triệu đồng/lượng.
Trong phiên New York đêm qua, giá vàng giao ngay chốt ở mức 2.391,7 USD/oz, giảm 19,7 USD/oz, tương đương giảm 0,82%.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác đóng cửa ở mức 102,97 điểm, tăng 0,27% so với phiên trước.
Đồng yên Nhật đã giảm giá trở lại trong phiên ngày thứ Ba sau chuỗi phiên tăng giá dữ dội. Đồng USD tăng giá 0,4% so với yên, đạt 144,74 yên đổi 1 USD. Đây là phiên giảm giá đầu tiên của đồng yên so với bạc xanh kể từ đầu tháng tới nay.
“Giá vàng đang yếu đi vì đồng USD mạnh lên. Tuy nhiên, môi trường vĩ mô đối với giá vàng là tương đối tích cực. Bởi vậy, giá vàng có thể sẽ giằng co trong ngắn hạn”, bà Amelia Xiao Fu - trưởng bộ phận thị trường hàng hóa cơ bản tại BOCI - nhận định.
Ngoài ra, gây áp lực giảm lên thị trường kim loại quý còn có lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm có thời điểm tăng 11 điểm cơ bản, đạt 3,908%. Trước đó, trong phiên ngày thứ Hai, lợi suất của kỳ hạn này giảm về vùng 3,8%, thấp nhất kể từ tháng 6/2023.
Tuy nhiên, triển vọng lãi suất giảm ở Mỹ và rủi ro địa chính trị ở “chảo lửa” Trung Đông vẫn đang nâng đỡ giá vàng.
Phát biểu những ngày gần đây, giới chức Fed bác bỏ những nhận định cho rằng báo cáo việc làm tháng 7 yếu hơn kỳ vọng đồng nghĩa nền kinh tế đang rơi vào một cuộc suy thoái. Dù vậy, họ cảnh báo rằng việc giảm lãi suất là cần thiết để tránh một kết cục như vậy.
Việc Iran thề sẽ trả đũa Israel và Mỹ về vụ hai thủ lĩnh phiến quân thiệt mạng đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến tranh lan rộng ở Trung Đông. Trong khi đó, phiến quân Hezbollah ở Lebanon đã mở một loạt các cuộc tất công bằng thiết bị bay không người lái và rocket nhằm vào khu vực miền Bắc Israel.
Vàng là một tài sản không mang lãi suất và được coi là một “hầm trú ẩn”, nên môi trường lãi suất giảm và có nhiều bất ổn về kinh tế và chính trị sẽ có lợi cho giá vàng.
Theo nhà phân tích Fawad Razaqzada của trang Forex.com, việc nhà đầu tư kỳ vọng Fed sắp hạ lãi suất sẽ hạn chế dư địa giảm của giá vàng ngay cả khi kỳ vọng này không thể đưa giá vàng lập kỷ lục mới. Tuy vậy, ông vẫn kỳ vọng giá vàng sẽ đạt mức 2.500 USD/oz trong ngắn hạn.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 đang là 100%, trong đó khả năng lãi suất giảm 0,5 điểm phần trăm đang là 69,5%. Ngoài ra, thị trường cũng đặt cược 100% Fed tiếp tục giảm lãi suất vào tháng 11 và tháng 12.
Đến phiên này, giá vàng giao ngay đã giảm 4 phiên liên tiếp, một mặt do nhà đầu tư chốt lời, mặt khác do áp lực bán vàng để bù lỗ cho danh mục chứng khoán và carry-trade đồng yên.