Vì "bão" Covid-19, doanh nghiệp vận tải “chết lâm sàng”
Nhiều doanh nghiệp vận tải đang trong tình cảnh “tiếp tục hoạt động không nổi, mà đóng cửa cũng không xong” khi lượng hành khách giảm đến 90%...
Trước tình hình diễn biến phức tạp của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đang lan rộng trên địa bàn 37 tỉnh thành phố, danh sách các địa phương ra thông báo tạm dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh đi đến các địa phương có dịch ngày càng gia tăng.
DOANH THU SỤT GIẢM NGHIÊM TRỌNG
Sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Bắc Ninh, ngay từ ngày 20/5, tỉnh này đã tạm dừng tất cả hoạt động vận tải hành khách đối với các tuyến xe buýt nội tỉnh, xe hợp đồng, xe khách du lịch, xe taxi. Hàng loạt các tỉnh khác như Bắc Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Hà Tĩnh... yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động vận tải khách bằng ô tô trên địa bàn tỉnh đến các địa phương có dịch.
Tại Hà Nội, hàng loạt bến xe lớn như Mỹ Đình, Giáp Bát... rơi vào cảnh đìu hiu, thất thu vì vắng phương tiện. Đường sắt chỉ còn một đôi tàu chạy tuyến Bắc-Nam. Máy bay “đắp chiếu” vì dịch Covid-19, nhiều sân bay hết chỗ đỗ. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, tình hình còn bi đát hơn rất nhiều.
Lượng hành khách giảm đến 80-90%, dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng khiến Hiệp hội Taxi ba miền tại Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.HCM phải “kêu cứu” Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn trước đại dịch. “Đời sống người lao động lao đao, không có thu nhập. Hàng loạt các doanh nghiệp taxi đứng trước nguy cơ phá sản, nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong hệ thống ngân hàng”, Hiệp hội Taxi xót xa.
Đợt dịch thứ tư có thể ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng nhất trong lịch sử kinh doanh vận tải. Theo ông Phan Bá Mạnh, CEO Công ty cổ phần công nghệ An Vui - giải pháp quản lý nhà xe thông minh, tập hợp số liệu trên 150 doanh nghiệp vận tải đang là khách hàng của An Vui, quy mô từ vừa đến lớn, sản lượng vận tải tụt giảm khoảng 80% về doanh số. Những doanh nghiệp vận tải có quy mô nhỏ, gần như đã “chết lâm sàng” do không đủ nguồn lực để tiếp tục hoạt động. Còn những doanh nghiệp lớn có thương hiệu đang trong thế “kẹt”.
“Nếu hoạt động, thì lại mất tiền, do lượng khách không bù đắp được chi phí. Nếu dừng hoạt động, lại đứng trước thách thức không giữ được khách hàng cũ, mất hoàn toàn thông tin khách hàng sau nhiều năm gây dựng. Giữa việc giữ uy tín của doanh nghiệp và lỗ vốn, rõ ràng đây là bài toán các doanh nghiệp vận tải đang đối mặt”, ông Mạnh giãi bày.
Dễ bị tổn thương bởi đại dịch, ngành đường sắt vừa tiếp tục dừng thêm tàu khách, hiện trên toàn mạng lưới chỉ có duy nhất đôi tàu khách Thống nhất Bắc - Nam. Mọi kế hoạch vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp cao điểm du lịch hè 2021 đều phải thay đổi, thậm chí là hủy bỏ. Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam nhận định, vận tải đường sắt là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng trầm trọng bởi dịch bệnh Covid-19.
Đối với hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất về việc giải quyết nhu cầu đỗ tàu bay qua đêm của các hãng hàng không. Theo ông Thắng, hoạt động hàng không dân dụng trên cả nước và các hãng hàng không nội địa của Việt Nam là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay. Hoạt động khai thác tàu bay giảm, hàng loạt tàu bay lại “đắp chiếu”, tỷ lệ tàu bay đỗ qua đêm tiếp tục tăng.
CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ, VẪN LE LÓI CƠ HỘI
Theo ông Phan Bá Mạnh, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đưa ra hai nhóm giải pháp chính, tập trung chủ yếu vào vấn đề cắt giảm và tiết kiệm. Một là, cắt giảm lực lượng lao động không cần thiết, giảm chuyến, tuyến không cần thiết.
Hai là, tiết kiệm những chi phí hoạt động như hành chính, truyền thông... Với hai nhóm giải pháp này, các doanh nghiệp đều đang trong trạng thái bị động, mang tính đối phó ngắn hạn, mà thiếu tính chủ động để thích ứng với thị trường mới.
Còn với cương vị một nhà cung cấp giải pháp, ông Mạnh cho biết, An Vui đưa ra hai nhóm giải pháp. Đó là cắt giảm, tối ưu nguồn doanh thu, chi phí của doanh nghiệp và mở rộng thị trường, tiếp cận những tập khách hàng mới, đẩy mạnh chăm sóc, nâng cao dịch vụ khách hàng.
"Bình thường doanh thu vận tải hàng hoá chiếm khoảng 30%, thời điểm dịch bệnh, có những nhà xe chiếm đến 70%. Đây là một trong những cách dịch chuyển, giúp vận tải có cơ hội sống sót trong đợt dịch này".
Ông Phan Bá Mạnh, CEO Công ty cổ phần công nghệ An Vui
Trong nguy có cơ, ẩn chứa những cơ hội nhất định. Nhiều nhà xe bình thường chỉ tập trung vào làm ăn, kiếm khách, bây giờ dịch đến, lại là cơ hội tập trung vào cải tiến quy trình quản lý, ứng dụng công nghệ vào hoạt động. Hiện nay khách hàng cần những doanh nghiệp quan tâm thực sự đến lợi ích người tiêu dùng. Chính vì vậy, trong thời điểm dịch, nguồn thu trên một khách hàng giảm nghiêm trọng, nhưng số lượng khách hàng An Vui lại gia tăng.
Mặt khác, vận chuyển hàng hóa là một trong những "lối ra" cho doanh nghiệp vận tải. Số liệu thống kê mới nhất Tổng cục Thống kê cho thấy, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên, hoạt động thương mại, vận tải 5 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tăng trưởng vận tải hàng hoá có phần nhỉnh hơn.
Cụ thể, trong tháng 5, vận tải hành khách tháng 5/2021 ước tính đạt 287,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 14,9% so với tháng trước và luân chuyển 13 tỷ lượt khách.km, giảm 15,9%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.594,9 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 26,8%) và luân chuyển 69,8 tỷ lượt khách.km, tăng 0,1% (cùng kỳ năm trước giảm 31,7%). Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 81 nghìn lượt người, giảm 97,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 5, vận tải hàng hóa ước tính đạt 139,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 2,8% so với tháng trước và luân chuyển 30,1 tỷ tấn.km, tăng 2,7%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 739 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 8%) và luân chuyển 146,2 tỷ tấn.km, tăng 11,2% (cùng kỳ năm trước giảm 7,5%).
RẤT CẦN SỰ HỖ TRỢ KỊP THỜI, ĐÚNG ĐỐI TƯỢNG
Mặc dù các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hậu Covid-19 được Chính phủ ban hành khá kịp thời, tuy nhiên hiệu quả chưa được như kỳ vọng của doanh nghiệp. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các chính sách còn chưa đúng, trúng, nhiều giải pháp còn xa vời. Quá trình thực thi còn bất cập, còn nhiều rào cản khiến doanh nghiệp gặp khó trong quá trình tiếp cận.
Đồng ý quan điểm trên, ông Phan Bá Mạnh cho biết, các chính sách chưa đi vào thực tế. An Vui cùng những tập khách hàng đông đảo của An Vui đều khó tiếp cận đối với việc giãn nợ, ưu đãi về thuế trong lĩnh vực vận tải. Thậm chí, có những gói cứu trợ do Chính phủ công bố năm ngoái, trong cả nước, chưa một doanh nghiệp vận tải nào tiếp cận được.
“Trong tương lai, Nhà nước cần tiếp cận các gói hỗ trợ dựa trên đặc thù của ngành, không nên cào bằng. Bởi mỗi một ngành, có đặc thù hết sức khác nhau, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh trên từng ngành hết sức khác nhau, có ngành thiệt hại, ngành tăng trưởng. Hỗ trợ giống nhau với tất cả các ngành là xa rời thực tế”, ông Mạnh đề xuất.
Để giúp doanh nghiệp vận tải vượt qua giai đoạn khó khăn này, Hiệp hội Taxi ba miền cũng kiến nghị Thủ tướng sớm có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 6 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Bên cạnh đó, Hiệp hội mong muốn Thủ tướng chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể, giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải được ngừng đóng bảo hiểm xã hội đến hết năm 2021. Đối với các doanh nghiệp còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị cho doanh nghiệp được giãn nộp số nợ đến 31/12, và không tính lãi chậm nộp...