Vì sao Đài Loan "nhất thế giới" về chống Covid-19?
Đài Loan đang giữ vị trí chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới, với hơn 200 ngày không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng
Pháp và Đức phải đóng cửa trở lại, số ca nhiễm Covid-19 lập đỉnh cao mới ở Mỹ. Ở một nơi khác của thế giới, Đài Loan cũng thiết lập một kỷ lục, nhưng theo chiều hướng tích cực: hơn 200 ngày qua, vùng lãnh thổ này không ghi nhận một ca nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng.
Theo hãng tin Bloomberg, cho tới thời điểm này, Đài Loan đang giữ vị trí chống dịch Covid-19 tốt nhất thế giới, khi mốc 200 ngày không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng được vùng lãnh thổ này thiết lập vào ngày thứ Năm (29/10). Lần gần đây nhất Đài Loan có ca nhiễm là vào hôm 12/4, và từ đó trở đi chưa có một làn sóng virus thứ hai nào. Đến ngày thứ Sáu (30/10), Đài Loan đã có 201 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng.
Từ khi xảy ra dịch, Đài Loan có 553 ca nhiễm và 7 ca tử vong. Vậy vùng lãnh thổ 23 triệu dân này đã làm gì để có được kết quả chống dịch khả quan như vậy?
Các chuyên gia cho rằng việc đóng cửa biên giới sớm và siết chặt các quy định về đi lại đã phát huy tác dụng tích cực trong việc chống lại sự lây lan của virus. Những yếu tố khác bao gồm quyết liệt truy dấu nguồn bệnh, theo dõi cách ly bằng công nghệ, và đeo khẩu trang trên diện rộng. Ngoài ra, trải nghiệm đáng sợ của Đài Loan với dịch SARS trước đây cũng khiến người dân tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch lần này.
Việc Đài Loan suốt hơn 200 ngày không có ca nhiễm virus Corona chủng mới trong cộng đồng đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế. Thượng nghị sỹ Mỹ Bernie Sanders viết trên mạng xã hội Twitter: "Họ đã làm được việc đó như thế nào? Họ tin vào khoa học".
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, giáo sư Peter Collignon thuộc Trường Y khoa Đại học Quốc gia Australia nhận định rằng lây nhiễm cộng đồng đã bị loại trừ ở Đài Loan. Điều này càng ấn tượng hơn xét tới việc Đài Loan có dân số tương đương với Australia, với nhiều người sống tập trung trong các khu chung cư.
Một số khu vực khác của thế giới đang chứng kiến một câu chuyện hoàn toàn trái ngược những gì đang diễn ra ở Đài Loan. Làn sóng Covid-19 thứ hai có vẻ như lớn hơn làn sóng đầu tiên. Ngày 29/10, Mỹ lại thiết lập kỷ lục mới về số ca nhiễm trong 1 ngày, với hơn 86.000 người nhiễm. Số ca nhiễm ở bang Minnesota lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, số ca nhiễm ở bang Texas cũng tăng tốc.
Từ buổi sáng cùng ngày, tình trạng phong tỏa được áp dụng trở lại ở Pháp. Các biện pháp hạn chế mới cũng sẽ được triển khai ở Đức từ ngày thứ Hai.
Đài Loan có thể sẽ là một trong số ít những nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng trong năm nay. Hồi tháng 8, chính quyền Đài Loan dự báo GDP tăng 1,56% trong 2020.
Tuy nhiên, Đài Loan vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi Covid-19. Ngày 29/10, nhà chức trách cho biết có thêm 3 ca nhiễm từ Philippines, Mỹ và Indonesia nhập cảnh vào Đài Loan. Trong 2 tuần qua, có hơn 20 ca nhiễm từ nước ngoài. Thực tế cũng cho thấy, một số quốc gia ban đầu chống dịch rất tốt, như Singapore và Nhật Bản, về sau cũng có lúc chứng kiến lây nhiễm tăng mạnh.
Có một việc rất quan trọng mà những quốc gia và vùng lãnh thổ với số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh có thể học hỏi kinh nghiệm chống dịch của Đài Loan. Đó là, không biện pháp nào có thể phát huy tác dụng nếu không theo dõi tiếp xúc của những người cho kết quả xét nghiệm dương tính và cách ly tất cả những người có tiếp xúc đó - theo ông Chen Chien-jen, một chuyên gia chống dịch của Đài Loan.
Việc đảm bảo tuân thủ cách ly trong suốt 14 ngày không phải là việc dễ dàng, nhưng Đài Loan đã có những biện pháp để hỗ trợ người cách ly như cung cấp bữa ăn và thực phẩm tới tận nơi, thậm chí sử dụng một robot (người máy) có tên Line Bot để trò chuyện. Ngoài ra, chế tài xử phạt cũng được áp dụng, với mức phạt lên tới 1 triệu Đài tệ, tương đương 35.000 USD đối với những ai trốn cách ly.
Đến nay, Đài Loan đã cách ly tại nhà 340.000 người, và đã phạt gần 1.000 người không tuân thủ cách ly.
"Chúng tôi hy sinh 14 ngày của 340.000 người để đổi lấy sinh mạng của 23 triệu người", ông Chen nói.
Bài học đau thương về những trận dịch trong quá khứ đã góp phần quan trọng vào thành công của Đài Loan khi chống dịch Covid-19. Vùng lãnh thổ này đã xây dựng một mạng lưới phản ứng khẩn cấp để kiểm soát các căn bệnh truyền nhiễm sau khi trải qua dịch SARS vào năm 2003.
Trong dịch SARS, Đài Loan có hàng trăm ca nhiễm và ít nhất 73 người chết, ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm cao thứ ba thế giới. Sau đó, vùng lãnh thổ này còn trải qua những trận dịch lớn khác như cúm gia cầm và H1N1. Vì vậy, người dân Đài Loan có nhận thức rất cao về những thói quen phòng chống dịch như rửa tay và đeo khẩu trang.