Vì sao Mỹ cũng “vã mồ hôi” khi khủng hoảng khí đốt châu Âu leo thang?
Giới chức Mỹ nói rằng không chỉ châu Âu mà ngay chính Mỹ cũng đang lo sợ về cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt trước thềm mùa đông năm nay...
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang âm thầm đẩy mạnh nỗ lực nhằm giữ các nước đồng minh của Mỹ bên kia bờ Đại Tây Dương đoàn kết trong cuộc đối đầu với Nga, trong bối cảnh Nga tiếp tục giảm cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU). Giới chức Mỹ nói rằng không chỉ châu Âu mà ngay chính Mỹ cũng đang lo sợ về cuộc khủng hoảng nguồn cung khí đốt trước thềm mùa đông năm nay.
Tuần trước, công ty khí đốt quốc doanh Nga Gazprom cắt giảm cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream 1 về mức chỉ bằng 20% công suất đường ống. Trao đổi với hãng tin CNN, một quan chức Mỹ nói rằng động thái này của Nga là sự trả đũa nhằm vào các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đẩy phương Tây vào một tình huống chưa từng có tiền lệ là có thể không có đủ khí đốt cho mùa đông sắp tới.
Phản ứng với việc Nga “siết van” khí đốt đối với châu Âu, Nhà Trắng đã cử một điều phối viên của Tổng thống về vấn đề năng lượng toàn cầu, ông Amos Hochstein, tới châu Âu trong tuần vừa rồi. Ông Hochstein đã tới Paris và Brussels để thảo luận về kế hoạch khẩn cấp với “đội đặc nhiệm” năng lượng Mỹ-EU, đơn vị được thành lập vào tháng 3 năm nay - 1 tháng sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine.
“Đó là nỗi lo sợ lớn nhất của chúng tôi”, nguồn tin là vị quan chức Mỹ đề nghị không tiết lộ danh tính nói về khủng hoảng khí đốt châu Âu. Ông giải thích rằng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này có thể lan sang Mỹ, đẩy giá khí đốt và giá điện ở nước này tăng vọt. Ngoài ra, vấn đề khí đốt cũng sẽ là một thử thách lớn đối với sự vững vàng và đoàn kết của châu Âu trong cuộc đối đầu với Nga, vì cho tới hiện tại điện Kremlin chưa hề cho thấy bất kỳ một dấu hiệu xuống thang nào.
Mỹ và EU đã vàng đang kêu gọi các nước thành viên EU tiết kiệm khí đốt để tích trữ cho mùa đông. Một kế hoạch cắt giảm 15% tiêu thụ khí đốt trong thời gian từ tháng 8/2022-3/2023 cũng đã được bộ trưởng năng lượng các nước thành viên EU nhất trí về nguyên tắc vào tuần trước.
Giới chức Mỹ tiết lộ rằng trong những ngày tới, châu Âu sẽ bàn nhiều về việc tăng cường sử dụng điện hạt nhân. Đức trước đây có kế hoạch đến cuối năm 2022 sẽ chấm dứt sử dụng điện hạt nhân, nhưng giới chức Mỹ hy vọng sẽ thuyết phục được Berlin kéo dài thời gian sử dụng của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại ở Đức - một quan chức Mỹ cho biết.
Phía Mỹ có liên lạc đặc biệt chặt chẽ với các đối tác Đức và Pháp về chủ đề khí đốt. Họ cực kỳ lo ngại rằng châu Âu có thể rơi vào tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng ngay trước khi mùa đông bắt đầu. Đó là bởi trong vài tháng tới đây, các nước EU sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc làm đầy dự trữ khí đốt, vì Nord Stream 1 chỉ đang bơm khí đốt ở mức 1/5 công suất.
Ngoài Nord Stream 1, giữa Đức và Nga còn có một đường ống dẫn khí đốt khác chạy ngầm qua biển Baltic là Nord Stream 2, nhưng đường ống này đã bị Đức đình chỉ từ lúc chưa đi vào hoạt động, sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.
Mỹ vốn phản đối Nord Stream 2, cho rằng đường ống này sẽ chỉ làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga. Trong khi đó, Đức lập luận rằng Nord Stream 2 chỉ đơn thuần là một dự án thương mại và có thể giữ vai trò một câu nối năng lượng trong lúc nước này cắt giảm dần năng lượng hạt nhân và than. Về sau, Mỹ đã đưa ra một số biện pháp tạm miễn cho phép dự án Nord Stream 2 được tiếp tục triển khai mà không vấp phải sự trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Nhưng cuối cùng, chính Đức lại đỉnh chỉ dự án.
Giới chức Mỹ giờ đây nói rằng việc châu Âu giảm 15% tiêu thụ khí đốt, cùng với việc châu Âu đẩy mạnh nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG) từ nước ngoài bao gồm từ Mỹ, có thể vẫn không đủ để bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung từ Nga.
“Đây là một cuộc chiến tranh khí đốt công khai mà Nga đang nhằm vào một châu Âu đoàn kết”, Tổng thống Ukraine Volodymr Zelensky phát biểu tuần trước. Nguồn tin là vị quan chức Mỹ thì cho rằng Nga rõ ràng đang “trút giận” và tìm cách “khiến châu Âu đảo lộn” vì Moscow đang không đạt được các mục tiêu của họ ở Ukraine.
Một người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ gọi các động thái của Nga là những nỗ lực mới nhất “nhằm sử dụng khí đốt như một vũ khí chính trị và kinh tế” - một cáo buộc mà Nga từ lâu vẫn phủ nhận. Điện Kremlin khẳng định việc cung cấp khí đốt giảm là do vấn đề kỹ thuật và do các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga.
“Việc Nga dùng năng lượng để gây sức ép đã tạo ra áp lực trên thị trường năng lượng, đẩy giá cả tăng lên đối với người tiêu dùng và đe doạ an ninh năng lượng toàn cầu. Những hành động này càng cho thấy tầm quan trọng của những việc mà Mỹ và EU đang làm để chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga”, người phát ngôn nói. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác châu Âu để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga và ủng hộ nỗ lực của họ để chuẩn bị cho việc Nga tiếp tục gây mất ổn định thị trường năng lượng”.