Viễn cảnh tươi sáng cho thị trường chứng khoán Việt Nam
Viễn cảnh cho thị trường sang năm 2022 sẽ như thế nào? Liệu giữ được phong độ như năm 2021 không là điều được nhà đầu tư săn đón nhất…
Một năm giao dịch chứng khoán sôi động tràn đầy cảm xúc đã trôi qua với hàng loạt kỷ lục được thiết lập trên thị trường chứng khoán. Viễn cảnh cho thị trường sang năm 2022 sẽ như thế nào? Liệu giữ được phong độ như năm 2021 không là điều được nhà đầu tư săn đón nhất…
Nhân dịp đầu xuân năm mới, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy cùng đại diện các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và chuyên gia nhìn lại một năm giao dịch của thị trường và dự báo xu hướng thị trường năm 2022.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN SẼ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
"Bộ Tài chính là cơ quan được Đảng và Nhà nước, Chính phủ phân công để chỉ đạo, tổ chức xây dựng những chính sách, quản lý, giám sát thị trường chứng khoán.
Theo đó, thị trường chứng khoán muốn phát triển thì cơ quan hoạch định chính sách, tổ chức giám sát thị trường, các sở giao dịch chứng khoán, thành viên thị trường gồm các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư cá nhân và cả truyền thông báo chí phải cùng nắm tay nhau.
Thị trường chứng khoán đã đi qua một chặng đường hơn 20 năm, nhưng riêng hai năm vừa qua là thời điểm vô cùng khó khăn đối với nền kinh tế cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, thị trường vẫn giữ được đà tăng trưởng.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đến các nhà đầu tư, các thành viên trên thị trường đều có quyền hi vọng, hoàn toàn tin tưởng bước sang năm 2022 thị trường tiếp tục phát triển ổn định bền vững công khai và minh bạch hơn nữa.
Nếu phát sinh những vấn đề rủi ro, khó khăn cho thị trường, cơ quan quản lý sẽ chủ động có giải pháp cụ thể để giảm thiểu rủi ro, thị trường chứng khoán trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng sẽ phát triển liên tục, an toàn, ổn định và bền vững".
TẬP TRUNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG THEO CHIỀU SÂU
"Từ nửa cuối năm 2020 và đầu năm 2021, nhiều ngân hàng trung ương các nước bắt đầu hạ lãi suất và đồng loạt đưa ra các gói hỗ trợ, kích thích nền kinh tế. Trong bối cảnh “bình thường mới” như vậy, làn sóng nhà đầu tư F0 đã hình thành. Điển hình như tại Mỹ, mặc dù số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán vốn đã chiếm số lượng lớn trên tổng dân số, nhưng vẫn có nhiều người mới tham gia, thậm chí còn tăng kỷ lục.
Tương tự, tại Việt Nam, con số 1,5 triệu tài khoản chứng khoán mở mới là một kỷ lục. Đáng chú ý, chất lượng tài khoản mở mới cũng cao hơn hẳn so với trước kia về quy mô giao dịch và tỷ lệ ký quỹ vay margin.
Mặt khác, giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời gian vừa qua đạt mức kỷ lục nhưng không đủ để thành một câu chuyện lớn. Vì 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, năm 2021, khối ngoại bán ròng khoảng 2,3 tỷ USD, trong đó rút ròng khoảng 1,2 tỷ USD tăng, mức không nhiều so với mức 1,05 tỷ USD của năm 2020. Đồng thời, dữ liệu này cũng cho thấy rằng, nhà đầu tư nước ngoài dù bán ròng nhưng vẫn giữ tiền khá nhiều tại thị trường trong nước.
Thứ hai, đến thời điểm hiện tại, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 53 tỷ USD, trong khi hồi đầu năm khoảng 45 tỷ USD. Hiểu đơn giản, rút ròng nhưng tài sản trên thị trường chứng khoán của họ vẫn tăng".
Về dự báo thị trường thời gian tới, tôi tỏ ra khá quan ngại đối với lạm phát khi xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ dần hiện hữu tại ngân hàng trung ương các nước. Hiện nay, nguy cơ lạm phát đến trực tiếp từ chính sách tiền tệ chưa nhiều, nhưng gián tiếp thì nhiều rồi. Ví dụ như giá dầu, giá vận chuyển… khiến chi phí doanh nghiệp tăng và sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực tế, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đang chững lại. Cụ thể, hơn 80% doanh nghiệp niêm yết vẫn có lãi, tuy nhiên trong quý 2/2021, lợi nhuận doanh nghiệp tăng 67%; đến quý 3/2021 chỉ tăng trưởng 33% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, tôi cũng lo lắng về dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp, đặc biệt đối với biến chủng Omicron vừa xuất hiện tại Việt Nam.
Sang năm 2022, với tư cách là cơ quan quản lý lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, để góp phần phát triển thị trường, Uỷ ban chứng khoán đã trình Bộ Tài chính về chiến lược phát triển 10 năm theo hướng đi vào chiều sâu. Trước đây, chúng ta hướng tới phát triển nhiều sản phẩm thì giờ chuyển sang tập trung về chất lượng, thể hiện bằng Luật Chứng khoán mới… Bên cạnh đó, tôi kỳ vọng, Sở Giao dịch Hà Nội sẽ có thêm sản phẩm hợp đồng tương lai không phụ thuộc chỉ số VN30.<
TIỀN RẺ ĐÃ ĐƯA VN-INDEX LÊN ĐỈNH
"Sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán năm 2021 dựa trên 3 yếu tố.
Thứ nhất, thời gian qua dòng vốn rẻ nhiều, tiền rẻ ngập tràn trên thế giới cũng như Việt Nam. Riêng Việt Nam vốn rẻ từ 3 nguồn, đâu đó có phần hỗ trợ Chính phủ, tiền gửi từ ngân hàng sang chứng khoán đầu tư, lãi suất thấp toàn cầu. Chính vì thế cho vay kinh doanh chứng khoán, margin tăng trưởng tích cực tốt.
Thứ hai, kinh tế thế giới phục hồi khả quan tăng 5,6-5,9%. Nền tảng doanh nghiệp, theo dõi số liệu về tài chính năm nay tương đối tốt, đa số lợi nhuận doanh nghiệp tăng 20-23% dẫn đến việc thị trường tăng trưởng, lợi nhuận tích cực. Hệ số PE là 17 lần.
Thứ ba, sức cầu đầu tư vào thị trường chứng khoán nhiều. Dịch bệnh khiến kinh doanh khó khăn, nhà đầu tư cá nhân tổ chức chuyển hướng đầu tư, nhiều nhà đầu tư bất động sản chốt lời tốt chuyển sang đầu tư chứng khoán, đặc biệt cuối kỳ cuối năm.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán cũng đang tăng nóng so với toàn cầu, so sánh với Philippines, năm nay khả năng họ phục hồi và tăng trưởng tốt nhưng chứng khoán tăng 2%, trong khi chúng ta là 35% dù kinh tế phục hồi tương tự như họ. Do đó chứng khoán có phần hơi nóng và hơi lệch pha với kinh tế thực, thậm chí cả năm nay GDP tăng ở mức 2,2-3% nhưng chứng khoán đã tăng 35% rồi.
Cuối cùng, thiếu tính bền vững, chỉ số năm nay đến thời điểm hiện tại tăng 35% tập trung 6 lĩnh vực, ngân hàng, bất động sản, thực phẩm, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng và dịch vụ tài chính. 6 lĩnh vực này chiếm 77% vốn hoá thị trường. Nếu như một trong 6 lĩnh vực có vấn đề thì thị trường cũng sẽ khó khăn. Đó là những cái bất thường mà cơ quan quản lý nên vào cuộc kiểm soát bất bình thường".
SCIC SẼ CUNG CẤP NHIỀU HÀNG CHẤT LƯỢNG
"Tính tại thời điểm hiện nay, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang quản lý danh mục gồm 146 doanh nghiệp. Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2021 và lập kế hoạch kinh doanh năm 2022 để báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Kế hoạch bán vốn, thoái vốn tại các doanh nghiệp năm 2022 là thành tố rất quan trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2022 của SCIC.
Để có kế hoạch bán vốn hiệu quả, khả thi, SCIC xác định những định hướng lớn. Một là, tiếp tục nghiêm túc triển khai có hiệu quả chủ trương, chính sách đổi mới sắp xếp doanh nghiệp nhà nước. Hai là, đánh giá chính xác sự hấp thu của thị trường, nhu cầu của nhà đầu tư; Ba là, tập trung kiến nghị với Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế thoái vốn để thực hiện kế hoạch thoái vốn được thuận lợi; Bốn là, tập trung xử lý có hiệu quả những khó khăn tồn tại của doanh nghiệp có vốn của SCIC.
Hy vọng, SCIC sẽ cố gắng cung cấp một lượng hàng hoá đáng kể có chất lượng cho thị trường trong năm 2022".
PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU CÔNG CHÚNG CŨNG PHẢI TĂNG LÊN
"Về thị trường trái phiếu, 2 năm trước tôi là người trực tiếp tham mưu cho Chính phủ về các quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ. Thay đổi lớn nhất của quy định phát hành trái phiếu riêng lẻ của Luật Doanh nghiệp năm 2020 là cách tiếp cận phát hành.
Chúng ta coi trái phiếu riêng lẻ như một nguồn vốn của doanh nghiệp và trái phiếu doanh nghiệp chỉ được bán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp chứ không bán cho nhà đầu tư cá nhân. Đồng thời, mục tiêu của nhà điều hành chính sách là nhà đầu tư cá nhân muốn mua trái phiếu phải mua qua kênh phát hành ra công chúng. Như vậy nó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp thị trường.
Kỳ vọng của chúng tôi là mong muốn nhà đầu tư cá nhân mua cái trái phiếu phát hành ra công chúng. Nhưng thực tế thì ngược lại, số lượng doanh nghiệp phát hành ra công chúng thì rất ít, mà chủ yếu phát hành riêng lẻ hơn 94%. Vậy ai sẽ là những người mua, và ai là người đứng sau các nhà đầu tư nào khác tham gia vào trái phiếu riêng lẻ hay không?
Tôi mong rằng, sang năm với vai trò của Bộ Tài chính, thì kênh trái phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân phải phát hành ra công chúng. Rất mong tỷ lệ đó tăng lên đáng kể chứ không như hiện nay. Đồng thời, kênh trái phiếu phải là kênh vốn đáng kể cho doanh nghiệp".
DÒNG TIỀN VẪN TÍCH CỰC TRONG NĂM 2022
"Thị trường năm qua phản ánh rõ nét nhất quy luật cung – cầu cổ phiếu thay vì quy luật giá trị, tức là tìm kiếm các cổ phiếu có giá trị nội tại và tiềm năng hấp dẫn so với giá mà các nhà đầu tư đang trao tay.
Khác với hàng hóa thông thường, cái mà nhà đầu tư hiện đang quan tâm là kiếm lời từ tăng giá hơn là quan tâm đến đặc tính giá trị của hàng hóa đó. Với thực tế đó, cầu cổ phiếu từ dòng tiền mới của nhà đầu tư cá nhân trong năm 2021 đã hấp thụ hầu hết nguồn cung hàng từ bán ròng của khối ngoại (hơn 63 nghìn tỷ đồng), phát hành thêm cổ phiếu (96,8 nghìn tỷ đồng), bán ra của cổ đông nội bộ (gần 16 nghìn tỷ đồng) và bán ròng của cổ đông tổ chức. Khác với các năm trước đây, nguồn cung cổ phiếu từ IPO và thoái vốn nhà nước năm 2021 là rất ít.
Xu hướng dòng tiền năm 2022 theo tôi vẫn là rất tích cực bởi dư địa cho sự tăng trưởng sẽ còn lớn. Nguyên nhân đầu tiên là việc gia tăng phổ cập và đại chúng hóa kênh đầu tư chứng khoán. Số tài khoản tăng rất mạnh trong năm qua và đạt hơn 4 triệu tài khoản, tương đương khoảng 2 triệu nhà đầu tư, theo ước tính của chúng tôi, vì một số nhà đầu tư có thể mở 2-3 tài khoản. Con số này còn rất thấp không chỉ trong tương quan so sánh với các thị trường phát triển hơn trong khu vực mà cả từ dư địa trong bối cảnh đại chúng hóa chứng khoán đang diễn ra mạnh mẽ nhất là đối với Gen Z và nhóm nhà đầu tư mới không làm trong ngành tài chính.
Nguyên nhân thứ hai là về mặt dài hạn chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn, nên ngay cả khi lãi suất huy động có tăng thêm 2 điểm phần trăm thì vẫn khó cạnh tranh được. Trong khi đó, kênh trái phiếu doanh nghiệp mặc dù đã tăng quy mô mạnh song đang đến giai đoạn rủi ro hơn, mà thu nhập cố định quanh mức 10%/năm.
Ngoài ra, các chính sách đang được điều tiết để “ưu tiên” sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp nhiều hơn vào kênh trái phiếu. Hiện nay, kênh đầu tư chính thống có tính cạnh tranh cao nhất với chứng khoán, theo tôi, là bất động sản. Năm qua, dòng tiền vào bất động sản ven đô và nhiều vùng quê tăng mạnh, mặc dù nhiều địa phương đã có cảnh báo sốt đất “ảo”.
Nhiều ý kiến cho rằng, dòng tiền sẽ quay về sản xuất kinh doanh sau dịch. Tuy nhiên, số liệu của chúng tôi về Top 50 doanh nghiệp đại chúng đầu tư chứng khoán lớn nhất cho thấy tỷ trọng danh mục chứng khoán (bao gồm cổ phiếu và trái phiếu) hiện chỉ chiếm 13,1% trong tổng tài sản của họ và thực tế không thay đổi nhiều so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Nói cách khác, dòng tiền được kỳ vọng tiếp tục tăng mạnh chính là từ xu hướng tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhiều hơn là dòng tiền từ doanh nghiệp".
SỐ LƯỢNG TÀI KHOẢN CÓ THỂ ĐẠT ĐỈNH 10 TRIỆU VÀO NĂM 2022
"Trong bối cảnh hiện tại, sự tham gia của nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư cá nhân được ví như một thanh niên 17 tuổi, rất khoẻ. Tôi cho rằng, quy mô nhà đầu tư tham gia vào thị trường Việt Nam vào năm 2022 có thể đạt đỉnh khoảng 10 triệu tài khoản. Với sự tham gia đông đảo như thế, với sự chuyển tiếp từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản chứng khoán thì chúng ta sẽ chứng kiến những phiên giao dịch tôi nghĩ phải lên tới 3 tỷ USD.
Còn về điểm số thì tôi không dự báo. Nhưng tin chắc rằng, quý 1/2022 sẽ chứng kiến đỉnh lịch sử của thị trường Việt Nam, và sẽ có nhiều thời điểm vượt giá trị lịch sử của mình từ khi niêm yết. Dưới góc độ của công ty chứng khoán, tôi nghĩ quan trọng nhất các nhà đầu tư đều mong muốn mình sẽ là người thắng lợi. Sự thắng lợi đó sẽ không đến ngay và luôn được, mà sẽ vượt qua và đánh đổi từ sự trải nghiệm. Sự trải nghiệm đó có thể là thua lỗ tạm thời, nhưng cuối cùng cuộc chơi sẽ tiếp diễn, có người thắng kẻ thua, có người mới và có người cũ ra đi là chuyện rất bình thường.
Với thanh khoản thị trường như này thì nhà đầu tư cũng mong muốn rằng nền tảng công nghệ thông tin của thị trường sẽ được đáp ứng và nâng cao hơn nữa. Còn chúng tôi mong muốn được đón nhận sự lớn mạnh của các nhà quản lý thị trường để tránh hàng loạt các hiện tượng như thao túng, thiếu minh bạch và phải bảo vệ được nhà đầu tư nhỏ lẻ".