VietinBank đẩy bao phủ nợ xấu lên 190%, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,2%
Trong năm 2022, kết quả thu hồi nợ gốc lãi xử lý rủi ro của VietinBank tăng hơn 60% so với số thu năm 2021...
Ngày 8/1/2023, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank - mã chứng khoán CTG) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Số liệu được công bố tại hội nghị cho biết, tính đến thời điểm cuối năm 2022, VietinBank có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, khoảng 1,2% (cuối năm 2021 là khoảng 1,6%). Trong khi đó, ngân hàng tiếp tục đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức 190%.
Ngoài ra, thu hồi nợ xử lý rủi ro rất tích cực với kết quả thu hồi nợ gốc lãi tăng hơn 60% so với số thu năm 2021. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20.500 tỷ đồng, đạt mục tiêu kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đề ra.
Theo ông Trần Minh Bình, Chủ tịch VietinBank, kết quả trên có được chủ yếu nhờ kinh tế vĩ mô có nhiều điểm sáng, đồng thời ngân hàng cũng đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp kinh doanh.
Cụ thể, VietinBank thực hiện tăng trưởng tín dụng chọn lọc gắn liền với tăng trưởng theo ngành nghề, địa bàn có tiềm năng; chuyển dịch cơ cấu tín dụng tích cực, hiệu quả, đẩy mạnh phát triển phân khúc bán lẻ và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguồn vốn và CASA tăng trưởng tích cực so với thị trường.
Cùng với đó, VietinBank đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu thu nhập thông qua các giải pháp tài chính toàn diện, trọn gói, cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Các mảng thu nhập phi tín dụng đóng góp tích cực hơn vào tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng.
Hơn thế, trong quý 4/2022, VietinBank đã được phê duyệt giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2021 để tăng vốn, tạo điều kiện để nâng cao nguồn lực tài chính để phát triển hoạt động kinh doanh bền vững. Quản trị chi phí hoạt động theo hướng tập trung dành nguồn lực phục vụ hoạt động kinh doanh trực tiếp, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tỷ lệ CIR được kiểm soát ở mức dưới 30%.
"Thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, trải nghiệm của khách hàng tại VietinBank liên tục được nâng cao. Với việc bám sát các mục tiêu trong kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, hiện đã có 63% nghiệp vụ được ngân hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số", ông Trần Minh Bình chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, năm 2022 là một năm thành công với VietinBank. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngân hàng vẫn còn nhiều vấn đề trọng yếu cần khắc phục. Chẳng hạn, về CASA, mặc dù đã có cải thiện nhưng vấn cần đẩy mạnh hơn nữa, để giảm áp lực chi phí vốn trong bối cảnh thị trường nhiều biến động hiện nay. Ngoài ra, về khai thác hệ sinh thái, sự liên kết giữa ngân hàng và các công ty con chưa được hiệu quả.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhìn nhận, khi nền kinh tế năm 2023 tiếp tục phục hồi, bộ đệm dự phòng được tăng cường tốt của VietinBank dự kiến sẽ “gặt quả”.
VDSC cũng nhận định, chuyển đổi số và dịch chuyển sang phân khúc bán lẻ dự kiến sẽ giúp VietinBank nâng cao hiệu quả sinh lời hơn nữa bằng cách thúc đẩy thu nhập ngoài lãi bao gồm bancassurance và giảm chi phí huy động vốn thông qua mở rộng CASA, nhờ vào cơ sở khách hàng rộng lớn và quan hệ đối tác doanh nghiệp mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, khả năng áp dụng Dự thảo sửa đổi Thông tư 22 sẽ tạo thêm dư địa cho việc tận dụng bảng cân đối hiệu quả nhằm thúc đẩy thu nhập và khả năng sinh lời lên mức cao hơn.
"Mặc dù lộ trình tăng vốn của VietinBank dường như chậm hơn so với dự báo của chúng tôi do thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều bất ổn khó lường, dẫn đến việc chậm thực hiện các đợt chào bán trái phiếu ngân hàng thứ cấp để cải thiện vốn cấp 2. Tuy nhiên, chất xúc tác tăng vốn vẫn thuận lợi vì việc đa dạng hóa theo định hướng bán lẻ sẽ giúp kiểm soát hệ số rủi ro bình quân và cải thiện hiệu quả hoạt động sẽ hỗ trợ tăng vốn cấp 1", nhóm nghiên cứu tại VDSC đánh giá.