Vinamilk sắp chi 3.135 tỷ đồng trả cổ tức đợt 1/2021
Ngày 8/9 tới đây, VNM sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 15% (1 cổ phiếu được nhận về 1.500 đồng). Ngày thanh toán là ngày 30/9/2021...
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (mã VNM-HOSE) thông báo chốt ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2021 bằng tiền.
Theo đó, ngày 8/9 tới đây, VNM sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền cho cổ đông với tỷ lệ 15% (1 cổ phiếu được nhận về 1.500 đồng). Ngày thanh toán là ngày 30/9/2021.
Như vậy, với 2.089.955.445 cổ phiếu đang lưu hành, Vinamilk sẽ chi khoảng 3.135 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông.
Được biết, Vinamilk đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu đạt 28.906 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cùng kỳ (29.648 tỷ đồng); lợi nhuận sau thuế đạt 5.459 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ (5.861 tỷ đồng ) - trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 5.411 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2021, Vinamilk còn 6.631 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối; 3.844 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển, 202 tỷ đồng vốn khác của chủ sở hữu và phát sinh 34 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần.
Mới đây, VCSC đã tham dự cuộc họp nhà đầu tư trực tuyến của VNM. Theo đó, Ban lãnh đạo đã chia sẻ về kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 7/2021 - cho thấy sự cải thiện so với 6 tháng đầu năm 2021 - và triển vọng kinh doanh cho nửa cuối năm 2021.
Theo ban lãnh đạo, nếu dịch Covid-19 có thể được kiểm soát vào cuối tháng 8, VNM có thể hoàn thành mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2021 là 11,24 nghìn tỷ đồng (đi ngang YoY) phù hợp với dự báo hiện tại của VCSC. Những ghi nhận chính từ cuộc họp nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.
Tuy nhiên, VCSC cho rằng có khả năng điều chỉnh giảm dự báo của chúng tôi do tình hình dịch COVID-19 khó lường hiện tại ở Việt Nam có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng.
Vào tháng 7/2021, tổng doanh thu tăng 6% YoY - chủ yếu nhờ doanh số trong nước - so với mức tăng trưởng gần như không đổi so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2021. VCSC cho rằng sự cải thiện trong tháng 7 một phần nhờ người tiêu dùng tích trữ các sản phẩm sữa trong bối cảnh Việt Nam tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội. Doanh thu từ kênh hiện đại tăng khoảng 50% YoY và đóng góp khoảng 22% vào doanh thu từ sữa trong nước của VNM vào tháng 7/2021, không bao gồm GTN, do dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động của các hình thức thương mại truyền thống như chợ và cửa hàng tạp hoá. Trong khi đó, khi phần lớn doanh thu của VNM đến từ khu vực thành thị, công ty đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh hơn ở các khu vực nông thôn trong bối cảnh dịch COVID-19 dẫn đến sự gián đoạn đáng kể hơn đối với khu vực thành thị.
Về xuất khẩu, ban lãnh đạo tin tưởng rằng doanh thu xuất khẩu sẽ tăng hơn 10% YoY trong 6 tháng cuối năm 2021 (6 tháng đầu năm 2021: +13% YoY), chủ yếu đến từ thị trường Trung Đông.
Đối với các mảng kinh doanh ở nước ngoài, doanh thu của Angkor Milk (công ty con của VNM tại Campuchia) đã tăng hơn 10% YoY vào tháng 7/2021, cao hơn mức tăng trưởng 3% YoY trong quý 2/2021 khi bị ảnh hưởng do số ca nhiễm COVID-19 gia tăng tại Campuchia. Mặt khác, doanh thu của Driftwood (công ty con của VNM tại Mỹ) tăng 2% YoY vào tháng 7/2021, tiếp tục cải thiện so với mức cơ sở thấp trong năm 2020 sau khi doanh thu tăng 20% YoY trong quý 2/2021 khi Mỹ dần mở cửa trở lại các trường học, vốn là kênh bán hàng chính của Driftwood.
Theo ban lãnh đạo, thị phần sản lượng chung của VNM vẫn ổn định ở mức khoảng 60% trong nửa đầu năm 2021. Công ty duy trì vị thế thống trị trên thị trường sữa chua và sữa đặc, được hỗ trợ bởi 8 sản phẩm được tung/tái tung thuộc các ngành hàng này. Tuy nhiên, VNM đã mất một phần thị phần ở thị trường sữa bột trẻ em trong 6 tháng đầu năm 2021; do đó, công ty đang thực hiện một số điều chỉnh chiến lược để giành lại thị phần trong ngành hàng này trong 6 tháng cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, VNM kỳ vọng biên lợi nhuận gộp cao hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 so với nửa đầu năm khi công ty đã chốt giá bột sữa cho sản xuất đến hết năm 2021 với cơ sở chi phí ước tính của nửa cuối năm thấp hơn nửa đầu năm. Trong khi đó, sau khi tăng giá bán trung bình (ASP) thêm gần 2% vào tháng 5/2021, VNM không có kế hoạch tăng giá nữa trong năm nay trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang đối mặt.
Mặt khác, thuế suất thực tế của VNM cho cả năm 2021 dự kiến sẽ trong khoảng 18%-18,5%, cao hơn mức 17% vào năm 2020 do lợi ích về thuế tại các nhà máy đang dần hết hiệu lực. Để cải thiện lợi nhuận, VNM đang tập trung vào việc kiểm soát chi phí marketing và quản lý doanh nghiệp.
Về các sáng kiến kinh doanh mới đã được công bố trước đây, liên doanh của VNM tại Philippines dự kiến ra mắt sản phẩm vào tháng 8/2021 trong khi liên doanh với CTCP Tập đoàn KIDO (mã KDC-HOSE) sẽ ra mắt sản phẩm vào tháng 3/2022. VNM dự kiến đóng góp không đáng kể từ các liên doanh này trong ngắn hạn.
Trên thị trường, giá cổ phiếu VNM sáng nay (11/8), tăng hơn 2% đạt mức 91.200 đồng/cổ phiếu và VCSC hiện có khuyến nghị mua cho VNM với giá mục tiêu 104.600 đồng/cp.