Vịnh Hạ Long bắt đầu đón du khách trở lại
Tháng 9, tháng 10 hàng năm là thời điểm đẹp để du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ, do không khí trong trẻo, giúp tầm nhìn tại vịnh sâu hơn. Đây cũng là đầu mùa cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam...
Cơn bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng lớn, tác động mọi mặt đến đời sống xã hội, trong đó có ngành dịch vụ - du lịch. Theo báo cáo, hầu hết các cơ sở lưu trú trên bờ đều bị thiệt hại liên quan đến vỡ kính, vỡ ngói, hỏng, đổ cây xanh, cột đèn trong khuôn viên; hệ thống điện, điều hòa, nước của nhiều cơ sở bị thiệt hại nặng, tập trung nhiều ở địa bàn Hạ Long, Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô…
Để sớm khôi phục hoạt động dịch vụ - du lịch, ngay sau bão, các đơn vị đã bắt tay vào khắc phục, mục tiêu sớm nhất là đảm bảo các điều kiện để đón khách. Theo đó, ngay sau khi cơn bão số 3 qua đi, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cùng các đơn vị, doanh nghiệp đã khẩn trương dọn dẹp, trang sắm các thiết bị, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo an toàn cho du khách.
Hiện tại, có 359 tàu đang neo trú tại hai cảng: Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu. Trong đó, có 315 tàu sẵn sàng hoạt động. Nhờ vậy, lượng khách đến Vịnh Hạ Long đã tăng cao trở lại. Tính từ ngày 10/9 đến nay, Vịnh Hạ Long đã đón hơn 6.000 lượt khách đến tham quan, lưu trú, trong đó có nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài.
Từ ngày 13/9, ba tuyến tham quan trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã được mở lại phục vụ khách du lịch. Theo thông tin từ Ban quản lý vịnh Hạ Long, các tuyến được tổ chức đón tiếp du khách bao gồm: tuyến 1 (điểm tham quan Thiên Cung - Đầu Gỗ); tuyến 2 (điểm tham quan Sửng Sốt, Hang Luồn, Ti Tốp); tuyến 5 (trừ Ba Hang). Bên cạnh đó, các điểm lưu trú nghỉ đêm cũng đã đủ điều kiện để đón khách là: Hòn 587 - nhà Lát - hang Luồn; điểm trung chuyển xuồng cao tốc Hòn Cát Lán.
Đến chiều ngày 13/9, đã có khoảng 50 tàu du lịch đưa 1.000 lượt khách tham quan Vịnh Hạ Long. Dù vậy, cảng tàu vẫn ngổn ngang, nhiều tàu chưa được trục vớt và lượng khách còn nhỏ giọt. Ông Bùi Văn Toàn, chủ tàu Fuji QN 8755 sức chứa 48 khách, cho biết đón được 40 khách trong ngày vịnh mở cửa. Tuy nhiên, đây là khách do ba tàu gộp lại để tối ưu chi phí, trong tuần không có thêm khách đoàn. Tương tự, ông Nguyễn Huân, chủ tàu Bài Thơ, cũng cho biết lượng khách "còn nhỏ giọt", tới 16/9 mới có đoàn khách đầu tiên.
Cũng trong ngày 13/9, nhằm phục hồi ngành du lịch nhanh chóng sau bão, tại cuộc họp với các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định tất cả những khó khăn của doanh nghiệp du lịch, tỉnh sẽ chỉ đạo tháo gỡ ngay. Sẽ tổ chức chiến dịch 3 ngày làm sạch vịnh Hạ Long để đón khách du lịch trở lại.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, hỗ trợ công tác khắc phục sau bão; tiếp tục tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch, rà soát đưa thêm một số điểm tham quan mới vào khai thác nhằm giảm tải cho các khu vực truyền thống. Bên cạnh đó, tiến hành trục vớt ngay các tàu chìm đắm nhằm đảm bảo hoạt động vận tải ổn định, an toàn; có các chính sách giãn, hoãn các khoản nợ từ ngân hàng, chậm nộp bảo hiểm xã hội…
Trước đó, ông Nguyễn Lâm Nguyên, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, cho biết bão Yagi đã gây ra những thiệt hại về cơ sở vật chất phục vụ du khách. Sau bão Yagi, Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn bị hư hỏng nặng, 15 nhà bè bảo tồn tại làng chài Cửa Vạn bị chìm hoàn toàn. Tài sản của người dân, doanh nghiệp tại các điểm dịch vụ (chèo đò, kayak) của các đơn vị dịch vụ trên vịnh Hạ Long (Ba Hang, Cống Đỏ, Cửa Vạn, Hang Luồn, Vung Viêng) bị phá hủy hoàn toàn.
Chi hội tàu Hạ Long cũng thông tin có 27 tàu du lịch đắm sau bão Yagi, trong đó 25 tàu tham quan và hai tàu lưu trú. Các chủ tàu phải chi trả tiền trục vớt, sửa chữa, ước tính chi phí cho tàu tham quan gần một tỷ đồng; tàu lưu trú hai tỷ đồng. Việc trục vớt sẽ được tiến hành trong tuần tới để hoạt động du lịch được thông suốt lại. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu hầu như không đủ tiền để trục vớt, sửa chữa và trả nợ ngân hàng.
Ông Đức Minh, chủ nhà hàng Phương Giang, sở hữu một tàu tham quan trên vịnh Hạ Long, vẫn suy sụp sau khi cơn bão đi qua. Khoảng 70% nhà hàng bị hư hại, không thể phục vụ khách trong ít nhất một tháng, chi phí sửa chữa vào 1,5 tỷ đồng. Với con tàu đắm, chi phí trục vớt khoảng 50 triệu đồng, cộng thêm 500 triệu đồng tiền sửa chữa.
"Cạn kiệt, tôi chỉ còn cách vay người thân để làm lại", ông nói, nhấn mạnh thiệt hại của mình còn nhỏ hơn rất nhiều so với các chủ tàu khác. Theo ghi nhận, các tàu tham quan có chi phí đóng mới khoảng 3 - 5 tỷ đồng, các tàu ngủ đêm lên tới hàng chục tỷ đồng.