Vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam giảm hơn 60%
Có 75 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 147,3 triệu USD trong 8 tháng ...
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng đầu năm, có 75 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 147,3 triệu USD, giảm 64,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 14 lĩnh vực, trong đó lĩnh vực khai khoáng dẫn đầu với 58,6 triệu USD, chiếm 39,8% tổng vốn đầu tư của Việt Nam tại nước ngoài. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng thứ hai với 29,1 triệu USD, chiếm 19,7%.
Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng số vốn 24,7 triệu USD, chiếm 16,8% tổng số vốn đầu tư. Hoạt động chuyên môn khoa học, công nghệ đạt 20 triệu USD, chiếm 13,6%. Tiếp theo là các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất phân phối điện, khí đốt,...
Về lãnh thổ đầu tư, Việt Nam đã đầu tư vào 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 8 tháng qua. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng đầu tư sang các thị trường mới như Mỹ, Hà Lan, và châu Âu. Trong đó, Hà Lan dẫn đầu với 54,6 triệu USD, chiếm 37,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Lào với 37,8 triệu USD (chiếm 25,7%); Vương quốc Anh 19,8 triệu USD (chiếm 13,4%), Hoa Kỳ với 18,6 triệu USD (chiếm 12,7%), ...
Vốn đầu tư ra nước ngoài trong 8 tháng đầu năm được đánh giá là đang có dấu hiệu chững lại do những khó khăn chung của kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong thời gian vừa qua, khiến hoạt động đầu tư quốc tế của doanh nghiệp Việt suy giảm.
Trong 8 tháng vừa rồi, một số hoạt động mở rộng đầu tư nổi bật của các doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài có thể kể đến như: Tập đoàn TH đã khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trị giá 5.200 tỷ đồng tại Liên Bang Nga vào cuối tháng 5; Tập đoàn FPT mua 100% vốn một công ty dịch vụ công nghệ Next Advanced Communications (NAC) của Nhật Bản, đây cũng là thương vụ M&A đầu tiên của FPT tại thị trường Nhật,...
Lũy kế đến tháng 8/2024, Việt Nam đã có 1.757 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 22,26 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực khai khoáng với 7,02 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng số vốn đầu tư; nông, lâm nghiệp, thủy sản với 3,46 tỷ USD (chiếm 15,5%); thông tin và truyền thông với 2,83 tỷ USD (chiếm 12,75%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào với 5,50 tỷ USD (chiếm 24,7%), Campuchia với 2,92 tỷ USD (chiếm 13,1%).