Vốn FDI và thặng dư thương mại "gia cố" VND trong sóng gió thương chiến Mỹ-Trung
VND là đồng tiền hiếm hoi khi giữ giá ổn định suốt từ đầu năm đến nay
Bỏ mặc những yếu tố bất định làm gia tăng rủi ro của thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu, tỷ giá USD/VND vẫn ổn định trong thời gian qua.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã có một tháng lắng dịu. Tuy vậy, triển vọng về một thỏa thuận là không cao vì những vấn đề mấu chốt khó có thể giải quyết và phía Mỹ thì tuyên bố không chấp nhận thỏa thuận một phần. Triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu do đó không có nhiều thay đổi, làn sóng nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế tiếp tục lan rộng.
Cụ thể, chính sách điều hành của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) bị đảo ngược với lần hạ lãi suất thứ 2 trong năm, xuống mức 1,75%-2%/năm và kỳ vọng vào một lần hạ lãi suất nữa trong năm nay.
Tương tự, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng hạ tỷ lệ dữ trữ bắt buộc lần thứ 4 trong năm và giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm từ 4,25% xuống 4,2%/năm; Nhật Bản và Đài Loan quyết định duy trì lãi suất âm 0,1%/năm. Tính chung trong tháng 9, có tổng cộng 25 Ngân hàng Trung ương đã cắt giảm lãi suất điều hành.
Đáng chú ý, dù FED đã chuyển hướng chính sách nhưng có vẻ như tốc độ nới lỏng tiền tệ vẫn không thể theo kịp các nước khác. Chỉ số DXY dao động nhưng vẫn lệch về phía tăng.
Khi các đồng tiền chủ chốt đều biến động mạnh, có những đồng tiền mất giá tới 8-11% (như KWR, SEK) nhưng cũng có những đồng tiền lên giá 5-7% (như RUB, THB) so với USD, VND trở thành một trong những đồng tiền hiếm hoi có tỷ giá ổn định so với USD.
Quan sát trên thị trường tiền tệ từ đầu năm đến nay có thể thấy, VND mới chỉ có một lần tạo sóng từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5 do ảnh hưởng bởi thương chiến Mỹ-Trung, sau đó nhanh chóng hạ nhiệt. So với thời điểm cuối năm 2018, tỷ giá giao dịch USD/VND đã giảm 0,11% trên ngân hàng và khi giảm tới 0,39% trên thị trường tự do.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, hai yếu tố chính góp phần tạo nên sự ổn định của tỷ giá USD/VND gồm nguồn cung ngoại tệ dồi dào và chênh lệch lãi suất VND–USD duy trì thực dương quanh mốc 0,5%-1,5%/năm (kỳ hạn 1 tuần).
Trong đó, nguồn cung ngoại tệ dồi dào là yếu tố then chốt với vốn FDI giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2019 14,2 tỷ USD; vốn FDI đăng ký cũng tăng mạnh lên mức 26,2 tỷ USD. Ngoài ra, cán cân thương mại hàng hóa trong 9 tháng 2019 thặng dư cao nhất từ trước đến nay, tới 7,1 tỷ USD. Hơn nữa, dòng vốn đầu tư gián tiếp và kiều hối cũng khá tích.
Còn theo ông Phạm Hồng Hải, Thành viên Hội đồng thành viên của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, Việt Nam sẽ không muốn bị coi là sử dụng chính sách tỷ giá hay can thiệp tiền tệ để hỗ trợ xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu vào Mỹ đang tăng nhanh.
Tuy nhiên, trên thực tế, áp lực của đồng nhân dân tệ (CNY) vẫn còn hiện hữu lên VND. Với nguồn ngoại tệ dồi dào và duy trì mức mua vào tại 23.200 đồng, nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục gia cố thêm cho VND bằng dự trữ ngoại hối.
Tại buổi thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý 3 năm 2019, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh tỷ giá trên thị trường ngoại tệ hiện tương đối ổn định, diễn biến linh hoạt phù hợp với sự thay đổi của điều kiện thị trường. Đặc biệt dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã lên con số kỷ lục, khoảng 70 tỷ USD.