Vốn ngoại đảo chiều, VCB, VNM không thể giúp “đổi màu” VN-Index
Nỗ lực phục hồi và tăng cao hơn của một số cổ phiếu lớn nhất thị trường trong nửa đầu phiên chiều nay có lúc đẩy VN-Index hồi lại vượt tham chiếu hơn 2 điểm. Tuy nhiên 15 phút còn lại và đợt ATC, sức ép lại tăng khiến những trụ như VCB, VNM không thể giữ nhịp được dù cầu ngoại vào đẩy rất rõ rệt. Đáng chú ý là đa số cổ phiếu không hồi lại theo VN-Index cho thấy nhịp nảy lên thuần túy là kéo trụ...
Nỗ lực phục hồi và tăng cao hơn của một số cổ phiếu lớn nhất thị trường trong nửa đầu phiên chiều nay có lúc đẩy VN-Index hồi lại vượt tham chiếu hơn 2 điểm. Tuy nhiên 15 phút còn lại và đợt ATC, sức ép lại tăng khiến những trụ như VCB, VNM không thể giữ nhịp được dù cầu ngoại vào đẩy rất rõ rệt. Đáng chú ý là đa số cổ phiếu không hồi lại theo VN-Index cho thấy nhịp nảy lên thuần túy là kéo trụ.
Chỉ số đại diện sàn HoSE kết phiên giảm 3,22 điểm tương đương -0,25% so với tham chiếu. Mức giảm này rất nhẹ, nhưng cổ phiếu thì không, thiệt hại là khá lớn. Đầu tiên là độ rộng, VN-Index đóng cửa với 110 mã tăng/379 mã giảm. Thứ hai là biên độ, tới 147 mã đóng cửa giảm quá 1%. Thứ ba là thanh khoản ở nhóm giảm mạnh nhất này chiếm 49% tổng giá trị khớp lệnh ở HoSE.
Những thống kê nói trên cho thấy cổ phiếu đang bị tác động mạnh hơn nhiều so với chỉ số. Nhờ vài mã lớn giữ nhịp, VN-Index có thể lình xình đi xuống biên độ hẹp, nhưng ở các cổ phiếu cụ thể, nhà đầu tư sẽ hành xử khác. Chiều nay VCB tăng thêm 0,95% so với giá chốt buổi sáng và đóng cửa tăng tổng cộng 2,35%. VNM cũng tăng thêm 0,44%, chốt tăng 2,25%. Hai mã này đã đỡ tới gần 4 điểm cho VN-Index.
Hai mã này tăng cũng là động lực chính của nhịp hồi lên ở chỉ số nửa đầu phiên chiều nay. Cũng có một số cổ phiếu hồi lên theo, độ rộng lúc 2h15 ở HoSE ghi nhận 138 mã tăng/344 mã giảm, tốt hơn đáng kể so với thời điểm chốt phiên sáng (84 mã tăng/376 mã giảm). Dù vậy độ rộng này vẫn cho thấy yếu tố kéo trụ là chính.
Về cuối phiên sức ép bán ra lại tăng. Độ rộng cuối ngày chỉ còn 110 mã tăng/379 mã giảm. Tới 147 mã giảm quá 1%, trong đó nhiều cổ phiếu thanh khoản rất cao. MBB khớp 666,7 tỷ đồng, giá giảm 1,65%; VIX khớp 621,4 tỷ, giá giảm 1,95%; TCB khớp 497,8 tỷ, giá giảm 1,71%; KBC khớp 395 tỷ, giá giảm 1,89%; VTP khớp 293,3 tỷ, giá giảm 3,84%... là các mã đáng chú ý. Toàn sàn HoSE có 55 cổ phiếu thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì 38 mã đỏ, trong đó 25 mã giảm quá 1%.
Điểm sáng chiều nay là nhà đầu tư nước ngoài đã bất ngờ mua vào khá nhiều. Tổng giá trị giải ngân trên HoSE phiên chiều đạt 1.375,1 tỷ đồng, tăng 70% so với phiên sáng. Bán khoảng 940,3 tỷ đồng, như vậy riêng chiều mức mua ròng đạt 434,8 tỷ. Buổi sáng khối này mới mua ròng nhẹ 46,6 tỷ đồng.
Các cổ phiếu được mua nổi bật là VNM +135,8 tỷ, MWG +109,6 tỷ, VCB +84,2 tỷ, TCH +77,7 tỷ, PDR +72,8 tỷ, DBC +66,2 tỷ, STB +48,6 tỷ, DXG +46,8 tỷ, NLG +43,8 tỷ. Lực cầu từ khối ngoại cũng hỗ trợ giá nhất định. VNM và VCB là hai mã mạnh nhất nhóm blue-chips, trong đó VNM được cầu ngoại mua 49% tổng thanh khoản, VCB được mua 63%. MWG cũng rất khá, được khối ngoại mua xấp xỉ 30% thanh khoản và giá tăng 1%. TCH được mua hơn 24% thanh khoản, giá tăng 4,78%. PDR được mua 21%, giá tăng 0,78%...
Phiên mua ròng hôm nay cũng là dấu hiệu đảo chiều đầu tiên của dòng vốn này sau 17 phiên bán ròng liên tiếp. Dù vậy lúc này nhà đầu tư trong nước lại là bên bán chính. Giá trị mua của khối ngoại trên HoSE chiếm khoảng 10,7% tổng giá trị sàn này trong khi bán ra chiếm 8,4%.
Trong 110 mã đi ngược dòng hôm nay, hai mã bất động sản gây ấn tượng mạnh là DIG với thanh khoản cao nhất thị trường 1.031,2 tỷ đồng, giá tăng 1,26%. NVL cũng tăng 1,74% với 833,6 tỷ đồng. Nhóm DBC, MWG, TCH, DPG cũng tăng tốt với thanh khoản cả trăm tỷ đồng.
Thanh khoản chiều nay không tăng được, khiến giao dịch cả ngày giảm tới 11% so với hôm qua. Dù vậy ngưỡng trên 24.800 tỷ đồng khớp lệnh hai sàn vẫn là con số cao, cho thấy dòng tiền vẫn đang sẵn sàng bắt đáy.