Vụ rơi máy bay đẩy Boeing vào thế khó ở Trung Quốc
Vụ rơi máy bay 737-800 của hãng hàng không China Eastern mới đây xảy ra đúng thời điểm nhạy cảm đối với Boeing tại Trung Quốc, khi hãng sản xuất máy bay của Mỹ đang nỗ lực phục hồi vị thế tại thị trường quan trọng này sau nhiều năm khủng hoảng vì hai vụ tai nạn thảm khốc liên quan tới máy bay 737 MAX...
Ngày 21/3, chiếc 737-800 của China Eastern chở theo 132 người đột ngột rơi xuống vùng núi tại tỉnh Quảng Tây thuộc phía Tây Nam của Trung Quốc. Đến nay, nhà chức trách chưa tìm thấy người nào sống sót trong vụ việc. Hãng hàng không Trung Quốc sau đó lập tức dừng khai thác toàn bộ 224 máy bay 737-800 của mình, theo hãng tư vấn hàng không Cirium.
KHÓ CHỒNG KHÓ
Theo Wall Street Journal, đối với Boeing, vụ tai nạn xảy ra khi hãng đang chốt các bước cuối cùng để đưa dòng máy bay 737 Max trở lại bầu trời tại Trung Quốc. Boeing 737 Max là máy bay trong hai vụ tai nạn của Lion Air (Indonesia) vào tháng 10/2018 và Ethiopian Airlines (Ethiopia) vào tháng 3/2019, khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng. Đây cũng là nguyên nhân khiến 737 Max bị đình bay trong một thời gian dài từ tháng 3/2019.
Dù đã được bay lại ở một số nơi, 737 Max vẫn chưa được “bật đèn xanh” ở Trung Quốc. Tháng 1 năm nay, Boeing cho biết các sửa đổi đối với 737 Max đã được các nhà chức trách Trung Quốc chấp thuận và hãng đang chuẩn bị khôi phục việc giao 737 Max cho các hãng hàng không nước này trong quý 1.
Trung Quốc đang ngày càng trở thành thị trường quan trọng với nhà sản xuất máy bay Mỹ với ngành công nghiệp hàng không phát triển bùng nổ trong ba thập kỷ qua. Theo dữ liệu của Boeing, hãng này đã giao 1.736 máy bay cho Trung Quốc và khoảng 143 chiếc khác đang được đặt sản xuất. Hãng này dự báo trong vòng 2 thập kỷ tới, các hãng hàng không Trung Quốc sẽ mua thêm 8.700 máy bay mới, từ tất cả các nhà sản xuất nhưng chủ yếu là Boeing và Airbus. Con số này chiếm gần 20% dự báo về nhu cầu máy bay mới trên toàn cầu trong 20 năm tới.
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội tiềm năng đó, điều quan trọng là Boeing phải khôi phục được niềm tin đối với các dòng máy bay của mình.
Vụ tai nạn đầu tuần này đã khiến Boeing phải hủy một cuộc họp của các lãnh đạo cấp cao dự kiến diễn ra trong tuần này ở Miami, Florida (Mỹ). Trong khi đó, các đại diện của công ty này sẽ đóng vai trò là cố vấn kỹ thuật cho cuộc điều tra vụ tai nạn do Cơ quan Hàng không Dân dụng Trung Quốc dẫn đầu.
Theo các chuyên gia, những cuộc điều tra như thế này thường mất hàng tháng hoặc hơn để xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Và nguyên nhân này có thể đóng vai trò quyết định việc China Eastern sẽ dừng khai thác 737-800 đến khi nào và thời điểm 737 Max được bay trở lại ở Trung Quốc.
Năm ngoái, CEO David Calhoun cho biết Boeing cần có đơn hàng mới từ các hãng bay Trung Quốc – khách hàng lớn nhất thế giới của công ty – để cạnh tranh trong bối cảnh hoạt động đi lại đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Suốt 4 năm qua, nhà sản xuất máy bay Mỹ không nhận được đơn đặt hàng mới nào từ Trung Quốc.
Trong thông điệp phát đi vào tối ngày 21/3 ngay sau vụ tai nạn, ông Calhoun cho biết Boeing đang trao đổi sát sao với China Eastern và các nhà chức trách Trung Quốc về vụ việc.
“Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để hỗ trợ khách hàng của mình và cuộc điều tra vụ tai nạn trong thời điểm khó khăn này”, CEO của Boeing nói.
BẾ TẮC Ở TRUNG QUỐC
Phản ứng nhanh chóng của China Eastern với vụ rơi máy bay hôm thứ Hai gợi nhớ tới phản ứng tương tự của nhà chức trách Trung Quốc khi xảy ra thảm kịch của hãng hãng hàng không Ethiopian Airlines vào tháng 3/2019.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới đình bay mẫu Boeing 737 Max (phiên bản mới hơn của 737-800), trong khi các nhà chức trách châu Âu lúc đó nói rằng Bắc Kinh phản ứng quá sớm dù chưa có bằng chứng đầy đủ. Không lâu sau đó, 737 Max bị đình bay gần như trên toàn cầu.
Hoạt động kinh doanh của Boeing tại Trung Quốc những năm gần đây rơi vào cảnh bế tắc do vụ đình bay 737 Max, căng thẳng Mỹ - Trung cũng như đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi dự báo việc khôi phục bay 737 Max tại Trung Quốc sẽ tiếp tục bị trì hoãn khi vụ tai nạn ngày 21/3 được điều tra, ít nhất cho đến khi nguyên nhân vụ tai nạn được xác định”, nhà phân tích Robert Spingarn tại hãng nghiên cứu Melius Research nhận định và nói thêm rằng các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao xem liệu nguyên nhân vụ việc là do sự cố máy bay, lỗi của phi công, vấn đề bảo dưỡng hay các yếu tố bên ngoài nào khác.
Tuy nhiên, việc dừng khai thác máy bay của Boeing cũng có thể khiến các hãng hàng không Trung Quốc chịu tổn thất nặng nề bởi phần lớn đội bay của các hãng này là sản phẩm của Boeing.
Tầm quan trọng của nhà sản xuất máy bay Mỹ được thấy rõ ở phản ứng của Bắc Kinh năm 2018, khi Washington tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc. Là nhà xuất khẩu lớn nhất của Mỹ, Boeing rõ ràng là một mục tiêu của các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ áp thuế 5% đối với các máy bay cỡ nhỏ sản xuất tại Mỹ - động thái không gây nhiều tổn hại đối với các dòng máy bay cỡ lớn của Boeing. Theo các nhà phân tích, quyết định này cho thấy Bắc Kinh không muốn gây xáo trộn nguồn cung máy bay Boeing để bảo vệ ngành hàng không nội địa.
Trung Quốc cũng là một khách hàng lớn của Airbus – đối thủ của Boeing. Tuy nhiên, với lượng hàng tồn đọng lớn hiện tại của Airbus, Bắc Kinh khó có thể chuyển các đơn hàng của Boeing sang nhà sản xuất máy bay châu Âu.
Nhiều kỳ vọng đang hướng tới máy bay C919 của tập đoàn quốc doanh Commercial Aircraft Corp. of China (Comac) của Trung Quốc. Được dự báo sẽ trở thành đối thủ của Boeing 737, C919 dự kiến được đưa vào khai thác trong năm nay, sau nhiều năm trì hoãn. China Eastern sẽ là khách hàng đầu tiên của mẫu máy bay này.
Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh có thể buộc China Eastern cùng nhiều hãng hàng không nhà nước khác mua C919 – điều có thể đe dọa các đơn hàng mới của Boeing. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, máy bay nội địa của Trung Quốc được dự báo sẽ chưa thể đe dọa vị thế của Airbus và Boeing tại thị trường đông dân nhất thế giới.
Boeing mở cơ sở sản xuất đầu tiên bên ngoài nước Mỹ vào năm 2018, gần Thượng Hải, Trung Quốc. Tuy nhiên, đây chỉ là trung tâm hoàn thiện đơn hàng, phụ trách các khâu cuối cùng như sơn máy bay 737 được sản xuất tại các nhà máy ở Renton, Washington (Mỹ). Không giống đối thủ Airbus – công ty đang sản xuất máy bay ở Thiên Tân, Boeing cho biết không có ý định sản xuất máy bay ở Trung Quốc hay bất kỳ nơi nào ngoài nước Mỹ.