WHO cảnh báo u ám về Covid-19 ở châu Âu và Trung Á trong mùa đông này
Theo dự báo của WHO, từ nay đến hết quý 1/2022, khu vực này sẽ có thêm khoảng 700.000 ca tử vong nữa do virus Sars-CoV2 gây ra...
Đến tháng 3 sang năm, số người tử vong vì Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu ở châu Âu và Trung Á có thể lên tới 2,2 triệu. Cảnh báo này được văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đương đầu một làn sóng dịch mới do biến chủng Delta.
Đến nay, châu Âu và Trung Á – khu vực bao gồm 53 quốc gia – đã ghi nhận 1,5 triệu ca tử vong do Covid. Như vậy, theo dự báo của WHO, từ nay đến hết quý 1/2022, khu vực này sẽ có thêm khoảng 700.000 ca tử vong nữa do virus Sars-CoV2 gây ra. WHO cho biết, châu Âu và Trung Á hiện có gần 4.200 ca tử vong do Covid mỗi ngày, nhiều gấp đôi so với con số ghi nhận ở thời điểm cuối tháng 9.
Văn phòng khu vực của WHO đặt tại thủ đô Copenhagen của Đan Mạch phụ trách toàn bộ châu Âu, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, và các quốc gia Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgýztan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.
“Để chung sống với virus này và tiếp tục cuộc sống hàng ngày, chúng ta cần thực hiện phương pháp “vaccine +’”, tiến sỹ Hans Henri Kluge, trưởng văn phòng WHO châu Âu và Trung Á, nói trong một tuyên bố. “Điều đó có nghĩa là tiêm đủ vaccine, tiêm nhắc lại nếu được tiêm, và áp dụng thêm các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm trong các hoạt động hàng ngày”.
Ngoài biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, WHO cho rằng còn có một nguyên nhân khác dẫn tới làn sóng lây nhiễm hiện nay ở châu Âu và Trung Á. Đó là một bộ phận dân số không tiêm vaccine và quyết định của nhiều quốc gia rút lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Trước đây, WHO đã cảnh báo rằng mùa đông năm nay có thể chứng kiến sự bùng dịch mạnh mẽ ở châu Âu khi có nhiều cuộc tụ tập trong không gian thông khí kém – điều kiện thuận lợi cho sự lây truyền của virus.
Đối mặt với một “mùa đông đầy thách thức”, ông Kluge kêu gọi công chúng chung tay tránh để xảy ra tình trạng phải phong toả và gián đoạn nền kinh tế, bằng cách thực thi các biện pháp phòng ngừa bao gồm đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, xét nghiệm và truy dấu ca nhiễm. Tuyên bố của WHO cũng kêu gọi các quốc gia xem xét tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế và người trên 60 tuổi để chống lại sự suy giảm tác dụng theo thời gian của các vaccine hiện có sau khi tiêm.
WHO dự báo 49 trong tổng số 53 quốc gia ở châu Âu và Trung Á có thể phải đương đầu với sức ép lớn hoặc rất lớn đối với bộ phận chăm sóc đặc biệt (ICU) tại các bệnh viện trong thời gian từ nay đến tháng 3/2022. Áp lực cao hoặc rất cao về giường bệnh cũng được dự báo xuất hiện tại khoảng 25 quốc gia.
Làn sóng lây nhiễm bắt đầu nổi lên ở khu vực này từ trung tuần tháng 9, thời điểm các nhà nghiên cứu của WHO xác định được khu vực có bình quân khoảng 1,1 triệu ca nhiễm mới mỗi ngày trong vòng 1 tuần. Hiện nay, WHO xác định được bình quân mỗi ngày khu vực có 2,4 triệu ca nhiễm mới trong tuần kết thúc vào ngày 21/11. Con số này chiếm xấp xỉ 67% tổng số ca nhiễm mới trên toàn cầu trong kỳ báo cáo – theo cập nhật của WHO.
Hôm thứ Hai tuần này, Đức lập kỷ lục về số ca nhiễm mới bình quân mỗi ngày trong 7 ngày gần nhất, với 51.000 ca. Tại Nga, số ca tử vong do Covid bình quân mỗi ngày trong 7 ngày gần nhất cũng lên cao chưa từng thấy, với 1.218 ca – theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Lây nhiễm tăng mạnh buộc Thủ tướng Áo Alexander Schanllenberg áp lệnh phong toả toàn quốc lần thứ tư kể từ khi đại dịch bắt đầu, bắt đầu từ ngày thứ Hai tuần này và dự kiến kéo dài không quá 20 ngày. Cùng với đó, Áo cũng đưa ra quy định bắt buộc tiêm vaccine đối với toàn dân.
Hà Lan áp lệnh phong toả một phần kể từ hôm thứ Bảy, theo đó yêu cầu đóng cửa sớm một số hoạt động kinh doanh và không cho phép khán giả tới xem trực tiếp các trận đấu thể thao trong vòng 3 tuần.
Thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Angela Merkel kêu gọi siết chặt các biện pháp kiểm soát chống Covid tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Giới chức Đức cũng để ngỏ khả năng áp lệnh phong toả nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.