Xăng tăng giá liên tục, tài xế taxi công nghệ tìm "chiêu mới" hành nghề
Mức giá xăng tăng cao nhất trong lịch sử đã tác động mạnh đến giá cả các mặt hàng, trong đó đặc biệt là chi phí vận tải. Là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, các tài xế taxi công nghệ rủ nhau tắt app, tìm chiêu mới để hành nghề.
Sau đợt điều chỉnh giá ngày 1/6 vừa qua, giá xăng dầu trong nước đã thiết lập một đỉnh mới, cụ thể xăng E5RON92 ở mức 30.239 đồng/lít, xăng RON95-III ở mức 31.573 đồng/lít, dầu diesel là 26.390 đồng/lít, dầu hỏa là 25.340 đồng/lít.
Trước mức tăng chóng mặt của xăng dầu, theo tài xế Nguyễn Cường (Hà Nội), khi làm việc với các ứng dụng taxi công nghệ, ngoài việc không có thời gian nghỉ ngơi, thu nhập bị giảm mỗi đợt xăng dầu tăng giá.
Trước đây, trung bình một ngày anh có thể kiếm được 2 triệu mỗi ngày nếu chạy đều. Tuy nhiên, từ lúc giá xăng chạm mốc 30 nghìn đồng/lít, thu nhập của anh Cường đã giảm một nửa, dao động 800 nghìn – 1 triệu đồng/ngày.
Anh Cường chia sẻ: ”Nếu chạy bằng App, đối với các chuyến được chỉ định, tài xế không được phép bỏ, nếu không sẽ bị đánh giá thiếu tích cực và số lượng các chuyến chỉ định hôm sau sẽ giảm đi. Thậm chí có ngày chờ mãi không được cuốc xe nào. Có lúc tôi phải đi 3 km để đón khách trong khi cuốc xe đó chỉ có 27 nghìn đồng".
Được sự giới thiệu của bạn bè, anh Cường đã tìm được "giải pháp" đó là đã tham gia vào hội nhóm chia sẻ đơn, ghép đơn.
Theo đó, khi khách có nhu cầu di chuyển hoặc giao hàng, thay vì mở ứng dụng, họ sẽ đăng lên các hội nhóm (group) trên facebook. Các tài xế có thể lựa chọn các cuốc xe gần với lộ trình đang di chuyển để thương lượng với khách về giá tiền. Thông thường giá của một cuốc xe sẽ tính theo số kilomet của chuyến đi. Như vậy tài xế có thể ghép nhiều đơn hàng cùng lúc và nhận trọn vẹn chi phí của chuyến đi.
Trước tình hình biến động của dịch bệnh và giá xăng, từ đầu tháng 3 đến nay, các hãng xe công nghệ như Grab, Be, Baemin đã thông báo điều chỉnh tăng giá cước dịch vụ tại nhiều tỉnh, thành phố để bù đắp chi phí vận hành trước áp lực của việc tăng giá xăng dầu và tăng thu nhập cho tài xế. Trước việc điều chỉnh này, nhiều khách hàng đã chọn phương án “quay lưng” với xe công nghệ, khiến lượt khách giảm mạnh thời gian qua dẫn đến các tài xế xe công nghệ khó khăn chồng khó khăn.
Việc cánh tài xế công nghệ bỏ dùng App, tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội để chia sẻ các cuốc xe, không ít người dùng dịch vụ băn khoăn về những vấn đề phát sinh có thể xảy ra giữa khách hàng với tài xế về thái độ phục vụ, cách tính tiền…
Lý giải về điều này, anh Phạm Tuấn (Hà Nội), một tài xế xe công nghệ khác, cho hay: ”Có rất nhiều hội nhóm chia sẻ đơn và liên kết với nhóm chat trên ứng dụng zalo (gọi là các zoom). Mỗi zoom sẽ có cá nhân quản lý và điều phối đơn. Tài xế muốn tham gia các zoom này sẽ phải nộp hình ảnh các giấy tờ tuỳ thân (Căn cước công dân, Giấy phép lái xe, Đăng ký xe…) và đảm bảo các quy tắc ứng xử chung.
Nếu tài xế nào bị khách hàng phàn nàn hoặc gian lận sẽ có các hình thức xử phạt tương ứng. Trong "trường hợp xấu nhất", tài xế sẽ bị cấm mọi hoạt động. Quản lý của các zoom đều có liên kết với nhau, do đó nếu bị cấm khỏi 1 zoom thì cũng bị đuổi khỏi tất cả các zoom khác".
Ngoài việc nhận hoặc chia sẻ cuốc xe, các tài xế trong zoom cũng tự nguyện đóng góp một quỹ chung để giúp đỡ, thăm hỏi khi ai đó trong nhóm gặp sự cố.
Trong khi đó, anh Cường cho biết: ”Chạy kiểu này thì ai cũng xác định là nếu có va quệt hoặc sự cố sẽ không được hỗ trợ từ công ty như khi chạy với app, nên mọi người trong zoom đều có tinh thần hỗ trợ lẫn nhau. Không chỉ đóng quỹ để giúp đỡ, nếu ai gặp sự cố trên đường sẽ có nhiều tài xế khác đến hỗ trợ”.
“Với kiểu “tự làm tự ăn” như thế này, tôi vừa có thể đảm bảo được sức khoẻ vừa đảm bảo được thu nhập. Chứ làm bằng App đã không có thời gian nghỉ, mỗi cuốc xe còn phải chia lại 33% phí cho công ty thì không biết đến bao giờ mới trả góp xong cho cái xe này”, Anh Tuấn nói.
Thực tế, chưa thể “gượng dậy” sau 2 năm dịch bệnh, tài xế công nghệ giờ đây lại gặp những khó khăn khác: vắng khách, xăng tăng giá… Nhiều tài xế quyết định chuyển nghề để mưu sinh.
Trước dịch, tài xế công nghệ được cho là có mức thu nhập tương đối cao so với mặt bằng thu nhập của người lao động. Trong những tháng cao điểm, thu nhập của các tài xế công nghệ có thể cao gấp ba, gấp bốn lần, ước tính có thể thu về từ 10 triệu đến 30 triệu một tháng.
Tuy nhiên, điều này đã thay đổi từ khi dịch bệnh. Vào những đợt giãn cách xã hội, tài xế công nghệ hầu như không được hoạt động. Còn hiện nay, khi được mở cửa hoàn toàn thì lại gặp cảnh đìu hiu, vắng khách do giá xăng tăng, cước dịch vụ tăng theo, khiến nhiều khách hàng không còn ưa chuộng các dịch vụ xe công nghệ.
Thâm chí đã có hiện tượng trên một số hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều tài xế xe công nghệ tại Hà Nội và TP. HCM đã đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng lái xe đồng loạt tắt ứng dụng, ngừng đón khách để gây áp lực với ứng dụng nhằm giảm mức chiết khấu mà tài xế phải đóng.