“Xanh vỏ đỏ lòng”, cổ phiếu tiếp tục điều chỉnh trên diện rộng
Chiều nay VIC mạnh thêm, MSN đột biến, thậm chí cả SAB cũng đảo chiều rực rỡ, nhưng chừng đó chỉ đủ giúp VN-Index cầm cự trên tham chiếu. Độ rộng co lại đáng kể trong khi thanh khoản lại đi xuống, cho thấy cầu có biểu hiện suy yếu...
Chiều nay VIC mạnh thêm, MSN đột biến, thậm chí cả SAB cũng đảo chiều rực rỡ, nhưng chừng đó chỉ đủ giúp VN-Index cầm cự trên tham chiếu. Độ rộng co lại đáng kể trong khi thanh khoản lại đi xuống, cho thấy cầu có biểu hiện suy yếu.
VN-Index kết phiên hôm nay chỉ tăng được 0,59 điểm, nhưng vẫn là tăng. Công lớn là nhờ một số mã trụ duy trì sức mạnh đủ tốt để đỡ điểm số.
VIC tăng 2,12% so với tham chiếu vẫn là cổ phiếu mạnh nhất của VN-Index. Tuy nhiên “công” của VIC chiều nay không lớn, vì thực ra cổ phiếu này chỉ lên cao thêm được 0,3% so với phiên sáng mà thôi. Nói cách khác, mức tăng buổi chiều là quá nhẹ để có thể đẩy chỉ số.
Hai mã biến động mạnh theo hướng tích cực là MSN và SAB. MSN chốt phiên sáng mới tăng 0,18%, chiều nay tăng thêm 1,92% nữa, nâng tổng mức tăng lúc đóng cửa lên 2,11% so với tham chiếu. MSN không có vốn hóa quá lớn trong chỉ số, nhưng biên độ tăng đủ mạnh để bù lại. Cổ phiếu này chỉ đứng sau VIC về ảnh hưởng, khi đem lại hơn 0,8 điểm. SAB cũng khá đặc biệt khi tăng mạnh buổi chiều tới 2,22% so với giá phiên sáng, đóng cửa trên tham chiếu 0,27%. Điều này nghĩa là SAB đảo chiều thành công từ giảm sang tăng trong phiên. Do đó nếu tính riêng buổi chiều thì SAB có tác động mạnh, dù mức tăng chung cuộc không đáng kể.
VN30 chiều nay ghi nhận 16 cổ phiếu tụt giá so với phiên sáng, chỉ 9 mã tăng lên cao hơn. Độ rộng cuối phiên là 13 mã tăng/15 mã giảm, trong khi cuối phiên sáng là 17 mã tăng/11 mã giảm. Như vậy số lớn cổ phiếu trong rổ đã hạ độ cao, dù chưa đến mức giảm qua tham chiếu. 7 cổ phiếu giảm trên 1% trong nhóm VN30 là MWG, PLX, BVH, BID, POW, HPG, GVR.
Việc chỉ số VN-Index được một số cổ phiếu nâng đỡ vẫn có màu xanh là một tín hiệu khá nhiễu, vì cổ phiếu thật ra đã yếu đi nhiều trong buổi chiều. Đầu tiên là độ rộng, VN-Index kết phiên sáng có 197 mã tăng/213 mã giảm, đóng cửa có 189 mã tăng/247 mã giảm. Độ rộng co hẹp lại chứng tỏ số mã giảm đến mức rơi qua tham chiếu đã nhiều lên. Thứ hai là biên độ giảm, cuối phiên sáng mới có 69 mã giảm trên 1%, kết phiên là 132 mã.
Giảm mạnh nhất dĩ nhiên là nhóm cổ phiếu FLC, khi nguy cơ hủy niêm yết đang ngày càng rõ. AMD, HAI, FLC giảm sàn, thêm PDN là 4 mã duy nhất ở HoSE đóng cửa kịch biên độ. Tuy nhiên cũng có hàng tá cổ phiếu khác thanh khoản rất cao và giá rơi sâu. Có thể kể tới MIG giảm 4,14% giao dịch 74,8 tỷ đồng; BAF giảm 3,7% giao dịch 159,5 tỷ đồng; NBB giảm 3,72% giao dịch 62,4 tỷ; HAG giảm 3,25% giao dịch 333,7 tỷ đồng; KBC giảm 3,01% giao dịch 473,9 tỷ; HSG giảm 2,76% giao dịch 307,3 tỷ... Thống kê cho thấy thanh khoản tập trung tại nhóm cổ phiếu rớt giá từ 2% trở lên chiếm tới 15,1% tổng giá trị khớp của sàn HoSE hôm nay. Đây là một tỷ trọng cao, thường là tín hiệu của đợt xả dứt khoát.
Khi thị trường phân hóa trở lại và không có nhóm ngành cụ thể nổi bật nào, thì cổ phiếu đơn lẻ thường tăng riêng và rất khó để lướt sóng theo nhóm ngành. Bất động sản hôm nay có nhiều mã mạnh mẽ và hút dòng tiền tốt như VIC, DXG, PDR, NVL, HDC, nhưng cũng có hàng chục mã khác giảm. Cổ phiếu chứng khoán cũng vậy, có cả mã tăng kịch trần nhưng cũng có mã rớt trên 3%, thậm chí số lượng mã giảm trong nhóm còn nhiều hơn số tăng.
Tổng thanh khoản khớp lệnh của HoSE và HNX chiều nay giảm 19% so với phiên sáng, đạt 7.726 tỷ đồng. Riên HoSE giao dịch giảm 18%, đạt hơn 6.973 tỷ đồng. Thanh khoản giảm và giá cổ phiếu yếu đi trên diện rộng là tín hiệu cầu suy yếu. Do người mua giảm áp lực chặn giá, nên bên bán mới đẩy được giá lùi xuống mà không cần khối lượng lớn.
Dù chiều nay thanh khoản kém, nhưng tính chung cả ngày giao dịch hai sàn vẫn ở mức cao 17.236 tỷ đồng khớp lệnh, tăng 15,8% so với hôm qua và lên mức cao nhất 4 phiên. Căn cứ vào các cổ phiếu thanh khoản nhất thị trường mà giá lại giảm hôm nay như SSI, KBC, DIG, VND, CII, HAG... thì có thể nhà đầu tư đang có xu hướng xả mạnh ở các mã đã tăng nóng.