Xây dựng “tam giác vàng” cáp biển, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây
Hạ tầng số quốc gia đang trở thành một yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo tự chủ công nghệ. Đối với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 thông qua Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 9/10/2024...

Chiến lược này đã xác định hạ tầng số là “xương sống” của nền kinh tế số, với các thành phần chính là hạ tầng viễn thông và Internet bao gồm cáp quang, mạng 5G/6G, cáp biển, vệ tinh; hạ tầng dữ liệu với các trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây; hạ tầng vật lý - số tích hợp công nghệ số vào hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị; hạ tầng tiện ích số và công nghệ số gồm các nền tảng IoT, AI, blockchain, dữ liệu lớn.
Trong năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu phổ cập cáp quang đến mọi hộ gia đình, cơ quan và doanh nghiệp. Mạng 5G sẽ phủ sóng 100% các tỉnh, thành phố, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cảng biển, sân bay, trường đại học, khu du lịch và các khu vực trọng điểm.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phát triển trung tâm dữ liệu siêu lớn (Hyperscale Data Center) và trung tâm dữ liệu hỗ trợ AI. Các trung tâm này cần đạt chuẩn quốc tế, hướng đến xanh hóa và phát triển bền vững.
Đến năm 2030, tổng số tuyến cáp biển hoạt động sẽ nâng lên mức đủ đáp ứng nhu cầu kết nối quốc tế. Việt Nam cũng sẽ phát triển trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub), sẵn sàng cạnh tranh quốc tế. Năm 2050, hạ tầng số Việt Nam trở thành nền tảng cho kinh tế số chiếm ít nhất 50% GDP. Việt Nam nằm trong top 30 quốc gia dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số khu vực.
XỬ LÝ “NGƯỠNG KẸT” CỦA CÁP QUANG BIỂN
Theo bà Trần Thị Tuyết, Quản lý Chương trình, Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển truyền thông (IPS), trong 5 năm qua Việt Nam đã duy trì số lượng từ 5-7 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế vận hành đồng thời (ngoài ra kết nối đi quốc tế còn có các tuyến cáp quang đất liền kết nối với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc, tuy nhiên dung lượng các tuyến này thấp). Đây là một “ngưỡng kẹt” gây ra những hạn chế đối với năng lực kết nối quốc tế của quốc gia, đặc biệt khi các tuyến cáp hiện tại thường xuyên gặp sự cố hoặc quá tải, cản trở khả năng mở rộng băng thông nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối tăng vọt bởi làn sóng dữ liệu từ AI, IoT và các dịch vụ số.
"Việc phát triển các trung tâm dữ liệu quy mô lớn không chỉ là điều kiện thiết yếu để cung cấp các dịch vụ số mà còn đóng vai trò như một lực hút quan trọng đối với các nhà đầu tư hạ tầng kết nối. Ngược lại, năng lực kết nối mạnh mẽ sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam nâng cao vị thế và trở thành điểm đến chiến lược trong chuỗi giá trị hạ tầng số toàn cầu".
Bà Trần Thị Tuyết, Quản lý Chương trình, Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển truyền thông (IPS).
Theo Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Việt Nam sẽ triển khai và đưa vào hoạt động tối thiểu 15 tuyến cáp quang biển (tăng thêm 10 tuyến so với 5 tuyến hiện có) vào năm 2030, với tổng dung lượng thiết kế đạt tối thiểu 350 Tbps. Trong đó, có ít nhất 2 tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ, kết nối trực tiếp tới các trung tâm dữ liệu khu vực (Digital Hub) như Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản và triển khai thêm tối thiểu 2 tuyến cáp quang đất liền quốc tế, đảm bảo dung lượng đạt ít nhất 15% dung lượng sử dụng thực tế của hệ thống cáp biển.
Bà Trần Thị Tuyết cho rằng việc nâng tổng số tuyến cáp lên tối thiểu 15 tuyến và tổng băng thông quốc tế đạt 350 Tbps vào năm 2030 không thể chỉ là “con số về mặt mục tiêu, mà phải đi cùng một chiến lược triển khai thực chất”, có lộ trình rõ ràng và tính toán dung lượng khả dụng theo nhu cầu thực tế và xu hướng phát triển của các dịch vụ đòi hỏi băng thông cao.
Bên cạnh đó, chuyên gia cho rằng để thúc đẩy phát triển hạ tầng cáp quang biển, Việt Nam cần hoàn thiện khung chính sách nhằm thu hút đầu tư chiến lược và đa dạng hóa các đối tác tham gia. Song song, cần chủ động mở rộng hợp tác với các tập đoàn công nghệ toàn cầu, các liên doanh cáp biển quốc tế (consortium) và các doanh nghiệp nội dung số có nhu cầu băng thông lớn. Cách tiếp cận này giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào một số ít nhà mạng viễn thông truyền thống, đồng thời tạo động lực tăng trưởng mới cho hạ tầng số quốc gia.
ĐỒNG BỘ QUY HOẠCH TUYẾN CÁP BIỂN VỚI CÁC THÀNH TỐ KHÁC
Đáng chú ý, theo chuyên gia của IPS, điều quan trọng là cần đồng bộ quy hoạch tuyến cáp biển với các thành tố khác trong hệ sinh thái hạ tầng số. Bởi vì, hạ tầng cáp quang biển chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi được tích hợp trong một hệ sinh thái số đồng bộ và hoàn chỉnh cùng các thành tố khác như cáp đất liền, trung tâm dữ liệu… Quy hoạch phát triển cáp biển cần phải gắn liền với chiến lược phát triển hạ tầng số quốc gia cùng các mục tiêu chính sách dài hạn, cũng như các chính sách liên quan đến điện năng, đất đai và tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế.
Theo ông Lê Bá Tân, Giám đốc Viettel IDC, quy mô thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam đang ở giai đoạn tăng trưởng tương đối cao, dự báo đạt 630 triệu USD trong năm 2025 và sẽ chạm mốc 1,1 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Một trong những lợi thế của Việt Nam là chi phí xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực, do đó giá thuê dịch vụ cũng thấp hơn. Đây chính là cơ hội lớn cho Việt Nam trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch dữ liệu và hạ tầng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ từ các nền kinh tế phát triển sang Đông Nam Á.
Dự báo, quy mô trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đến năm 2030 đạt 1.266 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8%. Tuy vậy, thị trường cũng có nhiều thách thức cần giải quyết.
Thách thức lớn nhất là nhu cầu điện năng cực lớn, đặc biệt với các trung tâm dữ liệu phục vụ AI. Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới tiêu thụ khoảng 340 TWh điện, cao hơn tổng mức tiêu thụ điện của cả Việt Nam. IDC dự báo con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2028.
CEO Viettel IDC cho biết một máy chủ AI tiêu thụ điện gấp nhiều lần máy chủ thông thường, buộc các trung tâm dữ liệu phải thay đổi toàn diện về thiết kế, làm mát và hạ tầng năng lượng. Hơn nữa, tại Việt Nam, việc đảm bảo nguồn điện ổn định vẫn là bài toán lớn. Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối quốc tế còn yếu, gây độ trễ cao.
Luật Dữ liệu tại Việt Nam sẽ có hiệu lực từ 1/7/2025. Cùng các mục tiêu như đạt 80% thanh toán số, Luật Dữ liệu đang tạo lực đẩy mạnh mẽ cho hệ sinh thái số nội địa. Đây cũng chính là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp Việt khai phá không gian tăng trưởng mới.
NỀN TẢNG VẬN HÀNH VÀ LƯU TRỮ CỦA TƯƠNG LAI
Nếu cáp biển là huyết mạch kết nối và trung tâm dữ liệu là bộ não xử lý, thì điện toán đám mây (cloud computing) chính là hạ tầng vận hành trung tâm cho mọi dịch vụ số trong nền kinh tế số hiện đại. Khả năng lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu quy mô lớn của cloud là điều kiện tiên quyết để phát triển các dịch vụ AI, Fintech, thương mại điện tử, giáo dục số và chính phủ số.
Báo cáo từ Research and Markets cho biết thị trường dịch vụ đám mây tại Việt Nam đạt 196 triệu USD vào năm 2020 và dự kiến tăng trưởng với CAGR 18,8% đến năm 2026, đưa quy mô thị trường vào khoảng 400-500 triệu USD vào khoảng năm 2024-2025. Statista cho biết thị trường đám mây công cộng tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng với CAGR 22,88% từ năm 2024 đến năm 2029.
Xu hướng hiện nay cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang dần chuyển dịch từ hạ tầng tại chỗ (on-premise) sang sử dụng dịch vụ cloud, và đây là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của Chính phủ Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ đám mây, với các chiến dịch như “Make in Vietnam” để phát triển các nền tảng đám mây nội địa. Điều này thúc đẩy xu hướng chuyển dịch sang đám mây, đặc biệt trong các lĩnh vực như chính phủ điện tử và thành phố thông minh.
Hiện thị trường có khoảng 40 đơn vị cung cấp dịch vụ cloud, từ các công ty nhỏ lẻ đến những tên tuổi lớn như FPT, CMC, Viettel IDC, và VNPT. Theo ước tính, các nhà cung cấp trong nước hiện chiếm khoảng 25% thị phần và đang có xu hướng tăng trưởng. Trong khi đó, các nhà cung cấp quốc tế cũng đang rất tích cực thâm nhập thị trường Việt Nam. Những cái tên lớn nhất bao gồm Amazon, Microsoft, Google, Oracle và một số đơn vị khác đang tìm cách gia nhập thị trường.
Theo ông Lê Trung Thành, Giám đốc Chuyển đổi số, IDG Việt Nam, Việt Nam đang chứng kiến một xu hướng tích cực khi các nhà cung cấp trong nước dần lấy lại thị phần trên chính thị trường Việt Nam. Điều này đến từ việc tận dụng các chiến lược như tăng cường đầu tư vào hạ tầng, khai thác lợi thế về băng thông, giảm độ trễ, áp dụng chính sách giá cạnh tranh, và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khách hàng phù hợp.
Tuy nhiên, so với các nhà cung cấp quốc tế, các nhà cung cấp trong nước vẫn còn hạn chế về độ đa dạng của sản phẩm và dịch vụ. Ví dụ, Amazon hiện có hệ sinh thái với khoảng 150 sản phẩm và dịch vụ cloud, trong khi các nhà cung cấp trong nước chỉ cung cấp từ 30 đến 50 sản phẩm. Dù vậy, các doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực phát triển thêm các dịch vụ mới để tăng cường khả năng cạnh tranh...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2025, phát hành ngày 12/05/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1384
