Xuất khẩu điều tăng mạnh vào cuối năm
Theo các nhà nhập khẩu điều nhân thế giới, do năm nay giá xuất khẩu điều nhân thấp nên dự kiến lượng tiêu thụ sẽ tăng cao
Tại hội nghị "Tổng kết công tác thu mua niên vụ 2019; sơ kết hoạt động ngành điều 8 tháng đầu năm 2019", Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, tháng 7/2019, cả nước đã xuất khẩu 44 ngàn tấn điều nhân, với 302 triệu USD; cộng dồn 7 tháng đạt 244.862 tấn, tăng gần 10,86% về lượng, giảm 14,15% về giá trị so với cùng kỳ.
Như vậy, bình quân, xuất khẩu đạt trên dưới 34.000 tấn điều nhân/tháng, với mức xuất khẩu bình quân này, ước tính năm 2019, lượng điều nhân xuất khẩu đạt khoảng 400.000 tấn; tuy nhiên, do nhu cầu nhập khẩu điều trên thế giới dự báo sẽ còn tăng hơn những tháng cuối năm nên lượng điều nhân xuất khẩu đang hướng tới mục tiêu 450 ngàn tấn.
Quý 4/2019, dự báo lượng điều xuất khẩu tăng cao
Theo các nhà nhập khẩu điều nhân thế giới, do năm nay giá xuất khẩu điều nhân thấp nên dự kiến lượng tiêu thụ sẽ tăng cao, ước con số tăng sẽ không dừng lại ở mức 10% như mục tiêu ban đầu mà có thể sẽ còn cao hơn, vì 7 tháng đầu năm đã đạt được mức tăng này.
Vấn đề được các doanh nghiệp quan tâm lớn nhất đó là từ nay đến cuối năm giá điều nhân xuất khẩu sẽ diễn biến như thế nào, lên hay xuống? Nhiều người tin rằng, nhu cầu tăng thì giá xuất khẩu sẽ tăng, nhưng tăng bao nhiêu đó là câu hỏi rất khó giải đáp ngay lúc này, nhất là hiện nay vòng xoáy của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang gây áp lực lên toàn cầu.
Nhưng hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điều đều có chung nhận xét, quý 4/2019 nhu cầu điều nhân toàn cầu có thể sẽ tốt hơn 3 quý đầu năm. Và theo Vinacas, giá điều nhân có thể tăng lên nhưng tăng bao nhiêu thì các doanh nghiệp cần căn cứ vào nhu cầu thị trường để có sự tính toán cụ thể.
Theo ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Vinacas, Trưởng ban Xúc tiến thương mại, giám đốc Công ty Mỹ An, giá điều nhân trong tương lai sẽ bị tác động bởi nhiều yếu tố, nhất là giá điều thô sẽ quyết định lớn đến giá điều nhân. Từ năm 2018 đến nay, chúng ta thấy giá điều thô bị tác động không chỉ thuần túy vấn đề thương mại mà còn bởi yếu tố chính trị nên rất khó dự đoán.
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý chất lượng cũng cần được quan tâm hơn. Cũng có thông tin, sắp tới Mỹ và EU sẽ áp thêm một số tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP). EU đã làm rồi giờ lại càng chặt chẽ hơn nữa và Mỹ cũng rục rịch tiếp bước EU để làm chặt hơn vấn đề này, nhất là về dư lượng và các hóa chất cấm.
Ổn định thị trường điều thô
Với tình hình khả quan như hiện nay, các doanh nghiệp cố gắng phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu 450.000 tấn điều nhân trong năm nay.
Năm 2019, giá điều thô nhập khẩu bình quân 1.360 USD/tấn, đây là con số dễ chịu đối với tình hình hiện nay cũng như sắp tới. Nếu giá điều thô nằm ở mức trên dưới 1.450 USD/tấn là hợp lý và trong vùng an toàn.
Theo nhận định chung, sản xuất, kinh doanh điều nhân có thể sẽ càng ngày càng khó khăn hơn vì những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của thị trường nhập khẩu; vì vậy, Vinacas khuyến cáo, các doanh nghiệp điều cần tăng cường sản xuất, chế biến sâu, chế biến đóng gói cung cấp hàng cho siêu thị để có thị trường ổn định và giá cả tốt hơn.
Lâu nay, vấn đề khối lượng và chất lượng điều thô nhập khẩu là bài toán nan giải của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh điều, nhưng mới đây có một số tập đoàn lớn của Việt Nam đã mạnh dạn tham gia vào thị trường điều thế giới.
Điều này đã gây tác động lớn và tạo tiếng vang không chỉ lĩnh vực kinh doanh điều thô toàn cầu và giới chế biến điều nhân ở Việt Nam, mà còn tác động đến ngành chế biến điều nhân châu Phi, Ấn Độ và thị trường điều nhân của thế giới.
"Với việc Tân Long Group mua về, dự trữ, cung ứng nguyên liệu cho Việt Nam sẽ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp chế biến đang phải lo tìm nguồn nguyên liệu, bị ép với những điều kiện hợp đồng bất lợi, rủi ro cao. Việc làm này còn có ý nghĩa lớn hơn là có nguồn nguyên liệu ổn định, điều tiết được lượng nhân điều bán ra, từ đó giá nhân được tăng lên", ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas nhấn mạnh.
Ngoài ra trong năm 2019, ghi nhận sự đầu tư mạnh mẽ của một số doanh nghiệp FDI vào ngành điều Việt Nam. Như vậy, sẽ có sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất điều trong nước và những nhà đầu tư mới đến từ nước ngoài.