Xuất khẩu gạo đang thuận, Việt Nam vượt Thái Lan giành vị trí thứ 2 thế giới

Chương Phượng
Chia sẻ

Dù lượng gạo xuất khẩu sụt giảm trong những tháng đầu năm nay, cùng với việc giá gạo xuất khẩu giảm mạnh trong tháng 4/2021, nhưng các nhà phân tích cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ thuận lợi trong quý 2 và nửa cuối năm...

Xuất khẩu gạo tháng 4/2021 đạt 700 nghìn tấn, đem về 362 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 1,9 triệu tấn với giá trị 1,01 tỷ USD, giảm 10,8% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 36,3% thị phần, nhưng giảm 30,7% về khối lượng và giảm 14,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu gạo giảm nhiều ở các thị trường: Mozambique giảm 53,5%, Malaysia giảm 54,7%, Singapore giảm 37,7%, Hàn Quốc giảm 34,9%, Papua New Guinea giảm 66,9%, Ghana cũng giảm 11,7%.

TĂNG MẠNH VÀO TRUNG QUỐC, GIẢM Ở PHILIPPINES

Sau Philippines, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam. Khác với nhiều thị trường khác, so với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc trong tháng 4/2021 đã tăng mạnh 58,3% về lượng và 49,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Cùng tăng như Trung Quốc, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Bờ Biển Ngà tăng 121,1%; Cuba tăng 127,5%; Ảrập Xêút tăng 112%; Australia tăng 66%. Đặc biệt, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Campuchia tăng tới 2.429%, đạt 14,53 nghìn tấn.

Trong năm 2020, Việt Nam đã mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua các hiệp định như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu âu (EVFTA), EEC, UKFTA. Năm 2021, với mức thuế ưu đãi trong các hiệp định trên, gạo Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh và cơ hội tăng trưởng tại EU, Anh và các nước thuộc Liên minh Á–Âu.

Xuất khẩu gạo đang thuận, Việt Nam vượt Thái Lan giành vị trí thứ 2 thế giới - Ảnh 1

Cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với đó, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết kế hoạch sản xuất lúa của nước ta năm 2021 là gieo trồng 7,257 triệu ha, sản lượng thu hoạch khoảng 43,3-43,5 triệu tấn thóc, tương đương 26 triệu tấn gạo. Dự tính nhu cầu tiêu thụ trong nước gần 30 triệu tấn thóc, còn lại 13 triệu tấn thóc - tương đương 6,5 triệu tấn gạo cần xuất khẩu trong năm nay.

NHẬN DIỆN SỨC ĐUA CỦA CÁC ĐỐI THỦ

Giá gạo xuất khẩu bình quân ba tháng đầu năm 2021 đạt 547,8 USD/tấn, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, trong tháng 4/2021, giá gạo Việt Nam đạt 508 USD/tấn vào đầu tháng và đã giảm xuống còn 488 USD/tấn vào cuối tháng. Giá gạo 5% của Ấn Độ đạt 396 USD/tấn vào đầu tháng nhưng đã giảm xuống 377 USD/tấn vào cuối tháng.

Giá gạo đồ 5% tấm Ấn Độ liên tiếp tục giảm, riêng cuối tháng 4/2021 đã giảm từ 386 - 390 USD/tấn xuống còn 374 - 379 USD/tấn, chạm mức thấp nhất trong 5 tháng. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Thái Lan đạt mức 494 USD/tấn vào đầu tháng 4/2021 và giảm xuống 485 USD/tấn vào cuối tháng 4/2021.

Cho dù giá gạo xuất khẩu giảm mạnh trong thời gian gần đây, nhưng các nhà phân tích cho rằng xuất khẩu gạo của nước ta sẽ thuận lợi trong quý 2 và nửa cuối năm.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang nhận được nhiều thuận lợi kép. Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trên thế giới, làm nhu cầu lương thực, thực phẩm tại nhiều quốc gia tăng cao.

Nhu cầu dự trữ gạo tại các nước sẽ tăng lên, nhất là nhu cầu mua lúa gạo của các thị trường lớn như Phillippines, Malaysia, Trung Quốc, Ghana, Papua New Guinea... Kể cả Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới, song đang nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn sau khi những đợt mưa lũ lớn liên tiếp gây tổn thất mùa màng, đồng thời đang chịu làn sóng lây nhiễm mới, phải kéo dài thời gian phong tỏa.

Trung Quốc, nước có dân số đông và tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, hiện đã và đang khống chế được dịch Covid-19, hoạt động giao thương đưa gạo sang Trung Quốc hiện vẫn sôi động.

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo với Việt Nam hiện đang lâm vào tình thế khó. Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang gặp phải khó khăn về xuất khẩu gạo do đồng Rupee yếu đi và làn sóng dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh trở lại và gây ra khủng hoảng rộng trong xã hội, tác động lên logistics, từ xay xát tới vận chuyển gạo ra cảng.

Diễn biến cho thấy, hoạt động thương mại gạo tại Thái Lan diễn ra khá chậm chạp. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothammatas, sản lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan trong quý 1/2021 giảm 23% xuống còn 1,13 triệu tấn, với tổng giá trị đạt 21,8 tỷ Baht (khoảng 700 triệu USD), giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Các yếu tố dẫn đến giá thành gạo của Thái Lan cao hơn các nước khác là do đồng Baht mạnh, chi phí vận chuyển hàng hóa cao hơn và nguồn cung nội địa thấp hơn do hạn hán kéo dài trong hai năm liên tiếp. Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu được 6 triệu tấn gạo trong năm 2021.

 
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 6,15 triệu tấn gạo, mang về 3,07 tỷ USD. Kết quả này đưa Việt Nam vào vị trí thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, bỏ xa đối thủ Thái Lan, khi nước này chỉ xuất khẩu được 5,27 triệu tấn.

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu 6,4 triệu tấn gạo, tăng 233 ngàn tấn so với năm 2020. USDA cũng dự báo Thái Lan sẽ xuất khẩu được 6,1 triệu tấn gạo trong năm 2021 (tăng gần 400 ngàn tấn so với năm 2020) và lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong năm nay đạt 15,5 triệu tấn (tăng 940 ngàn tấn so với năm 2020). Với dự báo trên, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo. Nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo tiếp tục là Ấn Độ, còn Thái Lan đứng thứ 3.

CHIẾN LƯỢC NÀO CHO NGÀNH LÚA GẠO

Phân tích của USDA cho biết, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực năm nay vẫn được kỳ vọng ở mức cao. Theo tính toán, trong năm 2021, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu ước đạt 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Trong đó, các quốc gia được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines (tăng 13%), Bờ Biển Ngà (tăng 9,1%), Ghana (tăng 5,6%) và EU (tăng 2,1%). Trung Quốc sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo nhiều nhất trong năm 2021 với 2,9 triệu tấn, đứng thứ 2 EU với 2,45 triệu tấn và thứ 3 là Philippines với 2,2 triệu tấn. Đây đều là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam.

Nhìn lại những tháng đầu năm ngoái, là thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu lây lan nhanh ở nhiều nước trên thế giới, giá gạo xuất khẩu và giá gạo trong nước đột ngột tăng cao. Vào cuối tháng 3/2020, lệnh tạm ngừng xuất khẩu gạo đã khiến dấy lên sự chỉ trích của các doanh nghiệp và các chuyên gia phân tích thị trường. Thời điểm ấy, trong khi Việt Nam đóng cửa xuất khẩu gạo, thì Thái Lan không có bất cứ một động thái nào cấm hay ngừng xuất khẩu, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Thái Lan đã tranh thủ thời cơ “một mình một chợ” để tăng lượng xuất khẩu với giá cao.

Năm nay, hiện dịch bệnh Covid-19 cũng tái bùng phát và lây lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nhưng diễn biến thị trường lúa gạo lại khác, ấy là giá gạo xuất khẩu không tăng, thậm chí suy giảm. Nhưng một số nhà phân tích vẫn tin rằng giá gạo xuất khẩu sẽ tăng mạnh trở lại trong thời gian tới, khi các nước xuất khẩu gạo ngừng trệ vận chuyển gạo ra thị trường.

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, nếu như trong thời gian tới, giá gạo tăng cao, điều hành tiêu thụ gạo cũng không cần can thiệp bằng các lệnh hạn chế xuất khẩu. Bởi vì, lúa gạo liên tục thu hoạch, Việt Nam có thể chủ động nguồn cung trong những chu trình 3-4 tháng. Ngành lúa gạo nên bình tĩnh, chủ động với đợt sóng tăng giá và xuất khẩu gạo theo làn sóng đó để thu lợi nhuận. Thời điểm này, cần tranh thủ xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc, bởi giao thương qua cửa khẩu đang thuận lợi.

Đối sách với ngành lúa gạo trong thời điểm hiện nay là cần tập trung và khắc phục những yếu kém cố hữu để tranh sức cạnh tranh. Những hạn chế trong sản xuất lúa gạo phải khắc phục là: sản xuất lúa còn thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nông hộ nhỏ, cơ giới hóa còn chậm, tổn thất sau thu hoạch lớn.

Số lượng doanh nghiệp tham gia vào các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ít về số lượng, quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, do đó các hợp đồng liên kết hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng. Cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ bảo quản, chế biến nông sản thiếu, làm tăng tổn thất và giảm chất lượng trong quá trình bảo quản. Công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ gạo chưa phát triển đồng đều, nhất là các sản phẩm phụ chưa được chế biến để nâng cao giá trị gia tăng.

Tất thảy những vấn đề này cần phải được khắc phục để Việt Nam tiếp tục vượt trên Thái Lan, để đứng vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo.

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con