Xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản
Đến 25/10/2022, đã có 7 quốc gia, vùng lãnh thổ chấp nhận và cho phép nhập khẩu thịt gà chế biến của Việt Nam. Đặc biệt, lô hàng thịt gà chế biến đầu tiên của Công ty CPV Food xuất khẩu sang Nhật Bản đã đánh dấu bước tiến quan trọng về xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam…
Ngày 25/10/2022 tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước, Công ty TNHH CPV Food phối hợp với Cục Thú y tổ chức “Lễ xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản”.
Đây là lô hàng thịt gà chế biến dành riêng cho thị trường Nhật Bản, đồng phát triển với tập đoàn ITOCHU là đối tác mua và phân phối hàng tại Nhật Bản.
Nhân sự kiện này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức “Hội nghị xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu thịt”.
VƯỢT QUA HÀNG RÀO KHE KHẮT CỦA NHẬT BẢN
Tham dự “Lễ xuất khẩu lô thịt gà chế biến đầu tiên sang Nhật Bản” có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương; Ông Nikorndej Balankura - Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam; Ông Nobuhiro Watanabe -Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh; Bà Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.
Ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc C.P Việt Nam cho biết Công ty TNHH CPV Food là một công ty con trực thuộc C.P Việt Nam. Tại đây là một tổ hợp nhà máy chăn nuôi, chế biến thịt gà xuất khẩu chế biến hiện đại và lớn nhất Việt Nam, tọa lạc tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước, xã Minh Thành, thị trấn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
"Nhà máy Giết mổ và chế biến thịt gà của CPV Food tại Bình Phước có công suất giai đoạn 1 là 50 triệu con/năm; sang giai đoạn 2, công suất sẽ được nâng 100 triệu con/năm. Công ty CPV Food sẽ xuất khẩu khoảng 4.500 tấn thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản trong năm 2023".
Ông Montri Suwanposri, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam.
Theo ông Montri Suwanposri, Nhật Bản là một trong những thị trường tiềm năng và là “đích đến” của nhiều doanh nghiệp trong việc xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm chất lượng cao.
Để xuất khẩu sang Nhật Bản, CPV Food thiết lập quy trình chăn nuôi chế biến vô cùng khắt khe truy xuất nguồn gốc 100% toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đến chế biến sản phẩm, thực hiện các tiêu chuẩn thực hành tốt nhất theo đẳng cấp thế giới như môi trường và phúc lợi động vật… đáp ứng tất cả các tiêu chí khắt khe của Nhật Bản và các nước nhập khẩu khác.
Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) đã cử một đoàn kiểm tra thú y đến CPV Food tại Bình Phước để đánh giá chuỗi sản xuất gà chế biến xuất khẩu, trong thời gian từ ngày 31/5/2022 đến ngày 3/6/2022.
Ngày 30/8/2022, kết luận của đoàn kiểm tra thú y Nhật Bản (MAFF) khẳng định: Công ty TNHH CPV Food đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y của MAFF để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Lô hàng gà chế biến đầu tiên với số lượng 33,6 tấn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào ngày 25/10/2022.
“Với thế mạnh và kinh nghiệm thành công của Tập đoàn C.P. trong việc xuất khẩu sản phẩm thịt gia cầm hơn 20 năm, CPV Food đặt ra mục tiêu và từng bước hiện thực hóa sứ mệnh “Nâng cao chất lượng thực phẩm Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam lên bản đồ xuất khẩu thịt gia cầm có thương hiệu ra thế giới”. Công ty CPV Food sẽ xuất khẩu khoảng 4.500 tấn thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản trong năm 2023”, ông Montri Suwanposri chia sẻ.
Bà Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư phát triển các cơ sở chăn nuôi hiện đại hướng tới xuất khẩu các sản phẩm thịt gà, thịt heo. Tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1,9 triệu con được chăn nuôi ở 349 trang trại. Tại Bình Phước đã hình thành 1 chuỗi sản xuất thịt heo an toàn để xuất khẩu của Công ty Japfa và 1 chuỗi sản xuất thịt gà an toàn để xuất khẩu của Công ty TNHH CPV Food.
“Trong thời gian tới, Bình Phước sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty chăn nuôi đầu tư xây dựng, phát triển các trang trại chăn nuôi heo, gà quy mô lớn để phục vụ xuất khẩu”, bà Hiền nhấn mạnh.
XÂY DỰNG VÙNG CHĂN NUÔI AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỂ PHỤC VỤ XUẤT KHẨU
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thực tế đến năm 2022, tổng đàn gia cầm của Việt Nam đã đạt hơn 520 triệu con; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi đạt hơn 1 tỷ USD.
Từ năm 2016 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động đàm phán liên tục với cơ quan thú y có thẩm quyền của các nước để xuất khẩu gia cầm, các sản phẩm gia cầm.
Kết quả đến 25/10/2022, tổng cộng đã có 7 quốc gia, vùng lãnh thổ (bao gồm: Nhật Bản, Hồng Kông, Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) chấp nhận và cho phép nhập khẩu thịt gà chế biến của Việt Nam.
Ngày 5/3/2020, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm thịt gà chế biến từ Công ty CP (Nhà máy thực phẩm Hà Nội).
Ngày 18/6/2021, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga tiếp tục cấp phép cho Công ty CPV Food được xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Liên bang Nga và các nước trong Liên minh kinh tế Á -Âu (bao gồm: Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan).
“Hiện Việt Nam còn ít cơ sở giết mổ, chế biến ở mức trung bình đến tiên tiến, phân phối hầu hết vẫn thị trường trong nước. Vì vậy, việc ra đời thêm nhà máy chế biến thịt gà, mở rộng được thị trường quốc tế sẽ khắc phục được tất cả những bất cập để ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam phát triển”.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngày 2/10/2019, Cục Thú y Hồng Kông đã chấp thuận nhập khẩu thịt gà chế biến của Việt Nam. Ngày 30/8/2022, Cơ quan Thú y Nhật Bản đã có thư chấp thuận nhập khẩu thịt gà chế biến của Công ty CPV Food.
“Nhật Bản là một trong những thị trường có yêu cầu khắt khe nhất thế giới. Để xuất khẩu được thịt gà chế biến vào thị trường khó tính này, Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt gà theo chuỗi, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Ông Tiến cho biết Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thịt gà lớn thứ ba trên thế giới (sau Trung Quốc và Liên bang Nga). Mỗi năm, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn thịt gà. Vì vậy việc Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu thịt gà của Công ty CP Việt Nam đã mang tới cơ hội kinh doanh rất lớn cho Công ty CP Việt Nam nói riêng và ngành chăn nuôi gia cầm của cả nước Việt Nam nói chung.
Nhấn mạnh rằng để tổ chức xây dựng thành công các cơ sở, chuỗi chăn nuôi khép kín các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu thì vai trò của doanh nghiệp, người chăn nuôi là quan trọng nhất, Thứ trưởng đề nghị các địa phương trong cả nước rà soát, chọn khu vực có tính khả thi để xây dựng và mở rộng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh chăn nuôi. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để có sản phẩm tốt nhất phục vụ xuất khẩu.