Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, đường nào?
Trong tình thế xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đi theo đường bộ gặp khó do hoạt động thông quan tại các cửa khẩu đóng mở thất thường, thì vận chuyển trái cây đi đường biển là hướng đi được đặt ra. Dự tính trong quý 1/2022, tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có nhu cầu xuất khẩu khoảng 100.000 tấn thanh long qua đường biển và cần khoảng 5.000 vỏ container…
Tại cuộc họp giữa hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Giao thông vận tải về “Thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển” chiều 12/1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết Trung Quốc đã khôi phục nhập khẩu thanh long qua cửa khẩu ở Lào Cai từ 12/01.
HÀNG XUẤT ĐƯỜNG BỘ VẪN ĐẢM BẢO QUY CHUẨN CHẤT LƯỢNG
Theo ông Trần Thanh Nam, cửa khẩu Móng Cái đã thông quan trở lại cách đây 2 ngày, tuy nhiên hôm nay Trung Quốc phát hiện 1 lô hàng dính virus Sars-Cov-2 trên bao bì nên phía bạn tạm dừng để khử khuẩn. Dự kiến tại cửa khẩu này, sau khi phía Trung Quốc làm xong các thủ tục về phòng chống Covid-19, phun khử khuẩn trong vòng 7 ngày, thì hàng hóa, nông sản của Việt Nam sẽ được thông quan bình thường.
Đối với cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Bằng Tường (Trung Quốc) cũng đang đề nghị tỉnh Quảng Tây cho phép thông quan trở lại. Tuy nhiên phía bạn vẫn đề nghị vấn đề số 1 là làm sao kiểm soát chặt dịch Covid-19, không để nhiễm virus vào bao bì, nhãn mác.
"Tuy phía bạn đã mở lại một số cửa khẩu nhưng có thể đóng cửa bất cứ lúc nào nếu phát hiện nhiễm virus Sars-Cov-2. Hơn nữa sắp đến Tết Nguyên đán, có cửa khẩu nghỉ 1 tuần, có cửa khẩu nghỉ 14 ngày, các doanh nghiệp cần cân nhắc, nếu dồn hàng hóa lên các cửa khẩu thì sẽ rất khó khăn", ông Nam nói.
Ông Nam cũng nhấn mạnh vừa qua, có một số doanh nghiệp, một số ngành hiểu sai về vấn đề xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc khi nói "nông sản xuất khẩu theo đường tiểu ngạch do không đảm bảo chất lượng".
"Bộ khẳng định thông tin này không đúng. Hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch hay chính ngạch đều phải chịu sự kiểm dịch, đảm bảo chất lượng, nhãn mác, bao bì, có truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng…. đầy đủ theo đúng quy định của Trung Quốc. Xuất khẩu tiểu ngạch hay chính ngạch chỉ là hình thức xuất nhập khẩu qua biên giới. Còn nếu nói hàng tiểu ngạch là hàng kém chất lượng là hoàn toàn sai”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.
Đối với thị trường Trung Quốc hiện đã cấp gần 2.000 mã số vùng trồng, riêng thanh long 247 mã số (chiếm 85% diện tích vùng trồng), xoài và mít khoảng 50% vùng trồng. Như vậy không thể nào nói thanh long, trái cây không đảm bảo chất lượng khi xuất sang Trung Quốc.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Nói rõ hơn về việc phải tạm dừng thông quan ở Móng Cái, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết một xe container chở xoài thông quan qua lối cầu phao tạm Km3+4 thuộc cửa khẩu Móng Cái đã bị phía Trung Quốc phát hiện nghi nhiễm Covid-19 nên hàng hóa thông quan qua lối cầu phao tạm này bị dừng hoạt động từ đầu giờ chiều ngày 11/01.
Phương tiện bị nghi nhiễm là một container chở xoài. Ngay khi bị phát hiện nghi nhiễm, lực lượng chức năng của nước bạn đã thực hiện biện pháp tạm ngừng thông quan để tiến hành phun khử khuẩn và làm xét nghiệm Covd-19 đối với trường hợp này.
Phía Trung Quốc chỉ tạm dừng thông quan tại điểm cầu phao tạm Km3+4 chứ không phải toàn bộ cửa khẩu Móng Cái như một số thông tin trước đó. Hiện nay, các cửa khẩu khác vẫn đang hoạt động bình thường. Trung bình 5 đến 10 phút sẽ có một xe được thông quan.
“Đến nay Trung Quốc chỉ phát hiện virus Sars-CoV-2 tại bao bì ngoài của các lô hàng, chứ không phát hiện virus ở trong trái cây. Điều này có nghĩa, có thể virus dính vào đó từ trong khâu vận chuyển, chứ không phải từ nơi sản xuất”, ông Tiệp khẳng định.
Ông Nguyễn Như Tiệp khuyến cáo các doanh nghiệp cần lưu ý về vấn đề "Zero Covid" mà Trung Quốc đặt ra, cần chú ý tuân thủ tuyệt đối quy định 5K để đảm bảo an toàn, sạch bệnh đối với các bao bì bao gói bên ngoài sản phẩm cũng như toàn bộ phương tiện vận chuyển hàng hóa.
ĐI ĐƯỜNG BIỂN CŨNG KHÓ
Theo Cục Bảo vệ thực vật, trước đây gần như không có hoạt động xuất khẩu quả tươi sang Trung Quốc qua các cảng biển. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 12/2021 đến ngày 5/1/2022, tại cảng Hải Phòng và TP.HCM đã xuất khẩu sang Trung Quốc được hơn 100.000 tấn quả tươi (chuối, mít, thanh long, xoài…) theo đường biển.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho hay trong quý 1/2022, tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang có nhu cầu xuất khẩu khoảng 100.000 tấn thanh long qua đường biển và cần khoảng 5.000 vỏ container.
Theo ông Tùng, việc xuất khẩu thanh long qua đường biển sang Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn do chí phí vận chuyển hiện tăng gấp 3 lần so với trước. Thiếu container lạnh và tàu để xuất khẩu qua đường biển, thời gian vận chuyển dài có thể ảnh hưởng đến chất lượng. Mặt khác, phía Trung Quốc kiểm soát Covid-19 chặt có thể làm chậm quá trình bốc dỡ hàng tại cảng biển.
Tổng cục Hàng hải Việt Nam thông tin, Bộ Nông nghiệp nói rằng tắc nghẽn cửa khẩu đường bộ thì nên xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc theo đường biển. Tuy nhiên, phía Trung Quốc kiểm dịch Covid-19 rất chặt chẽ, kể cả đường biển nên việc thông quan chậm. Hiện nay tại nhiều cảng biển ở Trung Quốc cũng đang tồn ứ nhiều container hàng hóa đã bốc lên cảng nhưng chưa thể thông quan được.
Bổ sung thêm về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết theo thông tin từ các đối tác của các doanh nghiệp tại Trung Quốc cho biết mỗi ngày cảng Thượng Hải chỉ thông quan 5 container. Do đó, đối tác cũng khuyên doanh nghiệp chúng ta hạn chế vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Ngoài ra, theo ông Nguyên, do đi đường biển là xuất theo chính ngạch, bắt buộc hàng phải đủ hợp đồng, giấy tờ liên quan... nên các doanh nghiệp cần lưu ý, tránh việc hàng không đủ thủ tục sẽ bị gián đoạn thông quan.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Gám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, cho biết việc thuê vỏ container hiện nay rất khó khăn, giá cước tăng từ 60-70 triệu đồng lên 200 triệu đồng. "Khi có đơn hàng xuất khẩu, chúng tôi đặt thuê trước 1 tháng, họ hứa có vỏ container nhưng đến khi lấy thì họ nói không có. Chúng tôi phải chi 1-2 triệu đồng thì người ta mới nhả vỏ container cho" - ông Huy nói.
Tại cuộc họp, lãnh đạo 3 Bộ gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Công Thương đã thống nhất sẽ thiết lập Tổ làm việc chuyên ngành để hợp tác tháo gỡ những khó khăn trong xuất khẩu nông sản, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa nông sản theo đường biển.
Đồng thời, đề xuất Hiệp hội vận tải hàng hóa đường biển thành lập Chi hội tàu biển vận tải nông sản. Chi hội này sẽ tập hợp những đối tác làm dịch vụ vận tải biển, tạo ra đội tàu phù hợp và chuyên dụng cho vận chuyển hàng nông sản; tàu chuyên chở congtainer lạnh, tập trung congtainer lạnh để ưu tiên cho vận chuyển hàng nông sản, đặc biệt là trái cây.
Chi hội tàu biển này sẽ hợp tác chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Rau quả và các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, nống sản để cung ứng dịch vụ phục vụ cho xuất khẩu của ngành nông nghiệp.