300 nghìn tấn thanh long “tắc” đầu ra, gỡ thế nào?
Trong khi phần lớn các cửa khẩu với Trung Quốc đã tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu, thì một lượng hàng hóa nông sản rau quả chuẩn bị cho thị trường Tết và phục vụ xuất khẩu đang vào mùa vụ thu hoạch. Đặc biệt, trong quý 1/2022 có khoảng 300.000 tấn thanh long được thu hoạch đang rất khó khăn về đầu ra…
Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” về tiêu thụ trái cây nói chung, thanh long nói riêng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chủ trì Diễn đàn "Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long" vào ngày 6/01/2022.
300 NGHÌN TẤN THANH LONG CẦN TIÊU THỤ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện các cửa khẩu, đường mòn lối mở của các tỉnh phía Bắc buộc phải đóng cửa bởi chính sách "Zero Covid" từ Trung Quốc khiến hàng nghìn xe nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau quả vẫn ùn ứ ở cửa khẩu, cùng hàng nghìn lượt xe khác đang phải quay đầu về tìm cách tiêu thụ nội địa.
Đáng chú ý, ngày 05/01, các địa phương có cửa khẩu lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn đều có công văn khẩn thông báo việc tạm dừng hoạt động xuất nhập cảnh và xuất nhập khẩu, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp tạm dừng đưa hàng hóa lên cửa khẩu.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, xuất khẩu mặt hàng rau, hoa quả năm 2021 đạt giá trị 3,52 tỷ USD. Riêng xuất khẩu thanh long đạt hơn 998 triệu USD trong năm vừa qua, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc.
Trong năm 2021, xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đạt hơn 1,7 triệu tấn, riêng đường biển tại cảng TP.HCM đạt gần 520.000 tấn, chiếm 30,3%; còn lại là đi theo đường bộ.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho hay sản lượng thanh long của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm được thu hoạch quanh năm. Cụ thể, Quý 1 khoảng 300.000 tấn, Quý 2 khoảng 150.000 tấn, Quý 3 khoảng 400.000 tấn, và Quý 4 khoảng 500.000 tấn.
Thanh long được trồng chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Thuận (khoảng 34.000 ha), Long An (khoảng 12.000 ha) và Tiền Giang (khoảng 10.000 ha). Sản lượng của 3 tỉnh này chiếm hơn 80% tổng sản lượng thanh long cả nước. Như vậy, từ nay đến hết Tết Nguyên Đán, có 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt.
Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho hay, quý 1/2022, tỉnh có hơn 100.000 tấn thanh long cần tiêu thụ.
“Trên địa bàn tỉnh, hiện các thương lái đang thu mua rất chậm, thậm chí một số nơi ngừng thu mua thanh long. Sau khi việc thông quan ở các cửa khẩu phía Bắc bị đình trệ, giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000-4.000 đ/kg”, ông Tấn phản ánh.
Theo ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit, bên phía Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo Việt Nam về việc nên xuất khẩu thanh long theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam không nghe theo khuyến cáo và chỉ xuất đi đường bộ chứ không xuất theo đường biển. Từ đó dẫn tới việc khó khăn trong xuất khẩu thanh long hiện nay.
Ông Nguyễn Khắc Huy khuyến cáo các doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề thiếu vỏ container để chuyển qua hình thức xuất khẩu qua đường biển. Bên cạnh đó, các đơn vị cần khắc phục vấn đề có virus SARS-CoV-2 trên quả thanh long và các thùng hàng.
“Trung Quốc là đất nước có kinh tế phát triển top đầu và dân số lớn nhất thế giới. Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc với số lượng vô cùng lớn. Người dân và doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng được yêu cầu phía bạn đặt ra chứ mình không thể yêu cầu ngược lại phía bạn”, ông Nguyễn Khắc Huy nêu thực tế.
NÊN MỞ HƯỚNG SANG CÁC THỊ TRƯỜNG MỚI
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết thị trường Ấn Độ được đánh giá rất tiềm năng đối với mặt hàng thanh long. Ấn Độ là thị trường 1,4 tỷ dân, tỷ lệ người ăn chay và thói quen sử dụng hoa quả rất nhiều, do đó nhu cầu hàng năm về mặt hàng này rất lớn.
Năm 2020, xuất khẩu thanh long từ Việt Nam sang Ấn Độ tăng gần 100% so với năm trước, ở mức hơn 11.000 tấn, kim ngạch 9,86 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 25% so với năm trước do tác động của dịch Covid-19.
Phân tích về thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ, Nhật Bản đã cho phép nhập khẩu sản phẩm thanh long cả ruốt trắng và ruột đỏ của Việt Nam. Thời gian qua, các đơn vị, công ty của Nhật Bản rất mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm trái cây tươi cũng như sản phẩm chế biến.
“Để đẩy mạnh việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Nhật Bản, chúng tôi mong muốn được phối hợp với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trái cây của Việt Nam trên các sàn giao dịch thương mại điện tử Nhật Bản trong thời gian tới”, ông Minh bày tỏ.
Ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC - Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, thanh long đang dần trở thành một mặt hàng ưa chuộng tại Hà Lan. Mua thanh long ở Hà Lan không dễ, nhất là với người bản địa tại châu Âu. Giá thanh long ở siêu thị vào khoảng 260.000 đồng với quả 400g.
Các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương phía Nam kết nối với đơn vị vận tải logistics tại cảng Cát Lái tháo gỡ vấn đề thiếu container để xuất khẩu nông sản qua đường biển. Các đơn vị cần đồng hành, phối hợp cùng tháo gỡ, không đổ thừa trách nhiệm.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam
Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu. Để đưa được thanh long vào Hà Lan, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và vượt qua khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Nguyễn cho rằng, cần quảng bá, xúc tiến thương mại hình ảnh thanh long hơn nữa, bởi nhiều người châu Âu chưa biết mua tại đâu. Nhằm nâng cao sức tiêu thụ thanh long, nên có một số cách chế biến thanh long như sấy khô, chế biến thành tinh bột, hoặc cấp đông hoàn toàn.
Ông Mai Xuân Thìn, Giám đốc Công ty Rồng Đỏ khuyến cáo, muốn hóa giải mối nguy sinh học Covid-1, cần sớm kích hoạt gấp thực hiện “Thực hành kiểm soát mối nguy sinh học, thực hiện 5K, bao tay, test nhanh lực lượng lao động trong chuỗi giá trị, test nhanh thành phẩm, bán thành phẩm với mục tiêu là không phát hiện virus trên thành phẩm hay vỏ thùng hàng". Đối với vấn đề thiếu container để vận chuyển đường biển, nên mời gọi đội tàu charter lạnh/đông lạnh để bảo quản sản phẩm.
"Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải… cùng UBND các tỉnh quan tâm đến tàu riêng lạnh/đông lạnh/lạnh có kiểm soát không khí phục vụ phát triển bềnh vững cho nông sản Việt Nam đi thị trường tất cả các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng", ông Mai Xuân Thìn kiến nghị.
Kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhắc lại, thị trường Trung Quốc là thị trường lớn, quy định cao. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần xác định nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn là vấn đề quan trọng số 1 hiện nay. Đồng thời, chúng ta cần thay đổi tư duy “phụ thuộc vào một thị trường” sang tư duy “đa dạng thị trường”.
Thứ trưởng đề nghị ngành nông nghiệp 3 tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang cũng cần chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh có những phương án, giải pháp phối hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn ngay tại địa phương cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp các vùng, địa phương khác cũng đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho người nông dân.
Các sản phẩm trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu, mít… đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ qua đường bộ. Đường thủy lại vướng mắc việc thiếu vỏ container.
“Các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương phía Nam kết nối với đơn vị vận tải logistics tại cảng Cát Lái tháo gỡ vấn đề thiếu container để xuất khẩu nông sản qua đường biển. Các đơn vị cần đồng hành, phối hợp cùng tháo gỡ, không đổ thừa trách nhiệm. Tất cả đều phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt”, Thứ trưởng Nam đề nghị.