Xuất khẩu rau quả tăng trên 30%, ngành sầu riêng tiếp tục phá kỷ lục

Chu Khôi
Chia sẻ

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, sầu riêng tiếp tục phá kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu khi đạt tới 1,82 tỷ USD, tăng 45%...

Sầu riêng hứa hẹn sẽ đạt kim ngạch kỷ lục 3,5 tỷ USD năm 2024.
Sầu riêng hứa hẹn sẽ đạt kim ngạch kỷ lục 3,5 tỷ USD năm 2024.

Trong khi đó, số liệu do Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố cho thấy kết quả xuất khẩu rau quả thấp hơn một chút so với số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể, trong tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong những tháng có giá trị xuất khẩu rau quả cao nhất năm do rơi vào giai đoạn cao điểm thu hoạch sầu riêng tại Tây Nguyên. Lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỷ USD , tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

ĐÔNG BẮC Á LÀ THỊ TRƯỜNG “CHIẾN LƯỢC" CỦA TRÁI CÂY

Trong 8 tháng qua, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành hàng trái cây Việt Nam, với kim ngạch 2,93 tỷ USD, chiếm tới 64% trong tổng thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tiếp đến là Hoa Kỳ, Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 223,5 triệu USD và 223 triệu USD, tăng 31% và 51% so với cùng kỳ năm trước, chiếm lần lượt 4,88% và 4,87% về thị phần.

Đáng chú ý, Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 4 trong danh sách các thị trường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 141 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

"Dự báo xuất khẩu sầu riêng trong những tháng cuối năm 2024 sẽ tăng cao hơn, cả năm có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD. Với đà tăng trưởng như hiện nay, rau quả Việt Nam có thể sẽ vươn tới kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm nay".

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết thời gian qua Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng của nước ta, trong đó có sầu riêng đông lạnh. Điều này thúc đẩy giá trị xuất khẩu qua thị trường này tăng. Một số lô hàng sầu riêng của Việt Nam được Thái Lan nhập khẩu sẽ được dùng để xuất khẩu ngược sang Trung Quốc.

Cũng theo ông Nguyên, bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả Việt Nam ngày càng được mở rộng ở khu vực Đông Bắc Á. Theo đó, tại khu vực thị trường này, riêng Trung Quốc và Hàn Quốc đã chiếm 69% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sau 8 tháng. Có thể nói, Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam, bởi các doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan, mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics so với các thị trường như EU, Hoa Kỳ…

Đề cập về chủng loại trái cây, ông Nguyên cho hay sầu riêng vẫn đang đứng “đầu bảng” về xuất khẩu. Trong 8 tháng, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam và Việt Nam đang là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự báo nhu cầu sầu riêng của Trung Quốc còn tiếp tục tăng để phục vụ lễ hội Trung thu sắp tới. Đáng chú ý, ngày 19/8 mới đây, Việt Nam đã ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mở ra bước ngoặt mới, thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng mạnh mẽ, vững chắc hơn.

"Việc mở thêm xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sẽ hỗ trợ qua lại những lúc sầu riêng rộ mùa không tiêu thụ kịp, có thể đưa qua chế biến. Điều này sẽ làm tăng giá trị cho sầu riêng và nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp. Nghị định thư này cũng đặt nền móng trong tương lai cho ngành sầu riêng phát triển theo hướng chế biến, phù hợp với xu hướng thế giới và Trung Quốc có thể chuyển sang sầu riêng đông lạnh nhiều để tiết kiệm vận chuyển, tiện lợi hơn", ông Nguyên nhận định.

THÊM NHIỀU LOẠI TRÁI CÂY TIẾP CẬN CÁC THỊ TRƯỜNG LỚN

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết tổng diện tích trồng cây ăn quả của Việt Nam tính đến 30/7/2024 đạt khoảng 1,29 triệu ha, tăng khoảng 20.000 ha so với năm 2023. Thời điểm này, nhiều loại trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào chính vụ như sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải... sẽ tạo ra lượng hàng hóa lớn cho cả xuất khẩu tươi và chế biến sâu.

Tổng sản lượng trái cây thu hoạch hàng năm tại Việt Nem lên đến 12-14 triệu tấn. Chất lượng cũng như đặc tính của các loại trái cây nhiệt đới ở Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng, đánh giá cao.

 

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kỳ vọng Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc sắp tới sẽ mang trái cây Việt tới các đô thị trung tâm của Trung Quốc. Hương vị bốn mùa độc đáo của trái cây Việt Nam sẽ được lan tỏa rộng rãi tại các trung tâm đô thị lớn của Trung Quốc".

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

“Đến nay, các thị trường chính, quan trọng như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, châu Âu đều có sự hiện diện của trái cây Việt Nam, đặc biệt là những loại có diện tích và sản lượng lớn. Một minh chứng nữa về sự thành công của xuất khẩu trái cây đó là giá trị năm sau cao hơn năm trước, với khối lượng ngày càng lớn. Điều đó cho thấy chất lượng trái cây của chúng ta đã đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng của các thị trường lớn”, Thứ trưởng Hoàng Trung chia sẻ.

Theo ông Hoàng Trung, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rất nỗ lực trong việc phối hợp với các Bộ, ngành khác cũng như chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đàm phán, xử lý các rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ ngày 27/8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã hoàn tất quá trình đàm phán kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép nhập khẩu chanh leo Việt Nam.

Sau khi đồng ý về mặt kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ thực hiện các thủ tục lấy ý kiến cơ quan chức năng trong 60 ngày, sau đó sẽ công bố chính thức chanh leo Việt Nam được xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Như vậy, chanh leo sẽ là loại trái cây tươi thứ 9 được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ cùng với thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã khởi động quy trình xem xét đối với một số trái cây mới của Việt Nam như: Chanh không hạt, ổi, mít.

Tại thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang xúc tiến mở rộng thêm các sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường này. Dự kiến, Lễ hội trái cây Việt Nam tại Trung Quốc sẽ được tổ chức nhân dịp kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh vào ngày 29-30/9/2024.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con