Xuất khẩu trên đà tăng trưởng, cả năm 2024 có thể lập kỷ lục mới 380 tỷ USD
Với những kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng năm 2024, Tổng cục Hải quan dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2024 của Việt Nam sẽ thiết lập mốc kỷ lục mới 380 tỷ USD, thậm chí có thể cao hơn...
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 24,74 tỷ USD) so cùng kỳ năm 2023.
Tổng cục Hải quan đã đưa ra các con số so sánh trong hai năm gần đây là 2022 và 2023. Cụ thể, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục 371,3 tỷ USD; tỷ lệ này chia đều cho hai nửa 6 tháng đầu năm và 6 tháng cuối năm. Bước qua năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 354,67 tỷ USD, trong khi kim ngạch 6 tháng đầu năm chỉ đạt 164,68 tỷ USD, thấp hơn 25,32 tỷ USD so với 6 tháng cuối năm. Hai năm dịch Covid-19 là 2020 và 2021 có kim ngạch xuất khẩu đạt thấp nhất trong 5 năm gần đây, lần lượt là 282,65 tỷ USD và 336,31 tỷ USD.
Qua các số liệu phân tích trên, Tổng cục Hải quan nhận định, 6 tháng cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt và có thể vượt mức kim ngạch của 6 tháng đầu năm; tức khả năng sẽ lập kỷ lục mới 380 tỷ USD cho cả năm 2024.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2024 đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu duy trì được kết quả này, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm của ngành hải quan là khả thi, thậm chí vượt.
Trong tỷ lệ và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu nói trên, có đến 5 nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng trên 1 tỷ USD, dẫn đầu là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,07 tỷ USD. Kế đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 3,42 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 2,7 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,41 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 1,36 tỷ USD. Như vậy, tính riêng kim ngạch tăng thêm của 5 nhóm hàng này là 16,96 tỷ USD, bằng 68,5% mức tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
6 thị trường xuất khẩu dẫn đầu và chiếm kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm có: Hoa Kỳ tăng 10,7 tỷ USD; EU tăng 3,3 tỷ USD; Trung Quốc tăng 1,6 tỷ USD; khối ASEAN tăng 2 tỷ USD; Hong Kong tăng 1,8 tỷ USD; Hàn Quốc tăng 1,1 tỷ USD. Mặc dù thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đa dạng, nhưng theo ghi nhận của Tổng cục Hải quan thì các thị trường chủ lực vẫn là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực ASEAN.
Từ nay đến cuối năm, thị trường xuất khẩu được cho là khá sôi động do nhu cầu phục hồi từ những thị trường này; trong đó 2 nhóm ngành dệt may và gỗ, các sản phẩm gỗ đang có tín hiệu rất tốt về đơn hàng.
Cụ thể, đối với ngành dệt may, số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho thấy, trong 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 16,52 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một trong số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng trong “top” đầu cả nước. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp có đơn hàng đến tháng 9, tháng 10 và triển khai giai đoạn tiếp theo.
Tương tự, đối với ngành gỗ và sản phẩm gỗ, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 23,1% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt gần 5,1 tỷ USD, tăng 22,2% so cùng kỳ.
Nguyên nhân có được tốc độ tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024 của nhóm hàng này là do nhu cầu phục hồi từ các thị trường xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhiều nhất Hoa Kỳ với 4,1 tỷ USD, tăng 24,5% so cùng kỳ; kế đến là thị trường Trung Quốc đạt 1,05 tỷ USD, tăng 49,3%; một vài thị trường giảm như Nhật Bản đạt 796,8 triệu USD, giảm 2,2% , Hàn Quốc đạt 389,2 triệu USD, giảm 1,4%,...
Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Xuất khẩu, Bộ Công Thương, 6 tháng cuối năm là giai đoạn doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải tiếp tục đối diện với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật về môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, Net Zero; đặc biệt là các thị trường Bắc Mỹ, EU và Bắc Âu. Vì vậy, cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường cùng các thay đổi chính sách của đối tác nhằm đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống, cũng như thị trường mới.