Giá dầu “bay” 6% vì phong toả chống Covid-19 ở Trung Quốc
“Phong toả chống Covid ở Trung Quốc đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường năng lượng. Dầu thô đang bị bán tháo cùng với cổ phiếu”...
Giá dầu thế giới giảm hơn 6% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (9/5) vì những lo ngại liên quan đến phong toả chống Covid-19 ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Phong toả kéo dài ở nước này khiến các nhà giao dịch càng thêm lo về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong bối cảnh kinh tế giảm tốc.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London sụt 6,45 USD/thùng, tương đương giảm 5,7%, còn 105,94 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York mất 6,68 USD/thùng, tương đương giảm 6,1%, còn 103,09 USD/thùng.
Dù giảm mạnh phiên này, giá cả hai loại dầu đều đã tăng khoảng 35% từ dầu năm đến nay.
Thị trường tài chính toàn cầu đang trải qua những phiên bán tháo và biến động mạnh vì lãi suất tăng và nỗi lo suy thoái kinh tế. Tâm lý bi quan bị đẩy lên một ngưỡng cao hơn khi các cuộc phong toả chống bùng dịch Covid ở Trung Quốc tiếp tục kéo dài và mở rộng, khiến tăng trưởng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sụt giảm trong tháng 4.
“Phong toả chống Covid ở Trung Quốc đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với thị trường năng lượng. Dầu thô đang bị bán tháo cùng với cổ phiếu”, Chủ tịch Andrew Lipow của Lipow Oil Asset Associated nhận định.
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức nhập khẩu của tháng 4 tăng gần 7%. Trong đó, nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Iran trong tháng 4 đã giảm khỏi mức đỉnh thiết lập vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 do nhu cầu của các nhà máy lọc dầu tư nhân yếu đi khi Covid-19 bùng phát. Nhưng mặt khác, trong tháng 4, Trung Quốc đã tăng cường mua dầu giá rẻ của Nga.
Ngoài áp lực giảm từ Trung Quốc, giá dầu còn đương đầu với sức ép từ sự mạnh lên của đồng USD. Đồng bạc xanh đang có mức tỷ giá cao nhất 2 thập kỷ so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt. Do dầu được định giá bằng USD nên khi USD tăng giá, dầu thường chịu áp lực mất giá, và ngược lại.
Trong một diễn biến khác, Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới - giảm giá bán dầu tháng 6 cho khách châu Á và châu Âu.
Tại Nga, sản lượng dầu tăng lên trong những ngày đầu của tháng 5, và hoạt động khai thác đã ổn định – Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết. Trước đó, sản lượng dầu của Nga giảm trong tháng 4 do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga nhằm đáp trả cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Tuần trước, Uỷ ban châu Âu (EC) đề xuất một kế hoạch cắt giảm dần nhập khẩu dầu Nga, tiến tới cấm vận dầu Nga vào cuối năm nay. Sau khi kế hoạch này được công bố, giá dầu Brent và WTI đã có tuần tăng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, kế hoạch cần nhận được phiếu thuận từ 100% nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong tuần này để thông qua.
Nguồn tin EU nói với hãng tin Reuters rằng EC đang cân nhắc hỗ trợ tiền để các nước phía Đông EU nâng cấp cơ sở hạ tầng dầu khí, nhằm thuyết phục các nước này nhất trí với kế hoạch trên.
“Lệnh cấm vận dầu Nga của EU sẽ mở đường cho một cuộc dịch chuyển lớn trên thị trường dầu ở châu Âu và toàn cầu. Chúng tôi dự báo đến tháng 12/2022, khối này sẽ giảm tới 3 triệu thùng dầu nhập khẩu từ Nga mỗi ngày, từ đó chấm dứt hoàn toàn việc nhập dầu Nga”, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu lửa của Rystad Energy, ông Bjornar Tonhaugen, phát biểu.
Nguồn thạo tin cũng tiết lộ với Reuters rằng Đức đang âm thầm chuẩn bị cho tình huống bị Nga đột ngột cắt cung cấp khí đốt. Gói tình huống khẩn cấp của Đức bao gồm khả năng giành quyền kiểm soát những công ty quan trọng – theo nguồn tin.
Nhật Bản, nước nằm trong top 5 quốc gia nhập khẩu dầu nhiều nhất thế giới, sẽ cấm nhập khẩu dầu Nga “về mặt nguyên tắc” - Thủ tướng Nhật Fumio Kishida nói, và cho biết thêm việc này cần có thời gian.