Xuất siêu ngành rau quả giảm mạnh do xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng quá mạnh

Chu Khôi
Chia sẻ

Trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm 4,9%, nhưng nhập khẩu lại tăng chóng mặt, tới 38,9% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là sự gia tăng giá trị và sản lượng nhập khẩu rau quả từ thị trường Trung Quốc…

Xuất khẩu rau quả vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Xuất khẩu rau quả vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả tháng 11/2022 đem về 340 triệu USD. Lũy kế 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,09 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021.

THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU CHÍNH VẪN LÀ TRUNG QUỐC

Trong 11 tháng đầu năm 2022, hàng rau quả xuất khẩu sang nhiều thị trường tăng trưởng tốt như: Hoa Kỳ đạt 240 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021; sang thị trường Thái Lan đạt 169 triệu USD, tăng 26%; sang Nhật Bản đạt 155 triệu USD, tăng 6%...

 

"Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đã giảm tới 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam, chiếm 43,9% thị phần, giá trị xuất khẩu đạt 1,35 tỷ USD trong 11 tháng".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc suy giảm mạnh trong nửa đầu năm 2022 do ảnh hưởng của chính sách zero Covid của Trung Quốc đã bít các đường mòn lối mở ở biên giới không cho hàng hóa đi qua. Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại từ tháng 9/2022 tới nay, với kim ngạch trong 3 tháng qua liên tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng xuất khẩu hàng rau quả tới thị trường Trung Quốc đang có nhiều tín hiệu tích cực đối với một số loại quả như với trái sầu riêng đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 9/2022. 

Sau sầu riêng, cơ hội xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Trung Quốc đang mở ra khi Nghị định thư về xuất khẩu chuối tươi được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hàng năm, Trung Quốc nhập khẩu hơn 15 tỷ USD mặt hàng rau quả. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, với việc mở cửa cho hàng loạt trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu chủng loại quả vào năm 2023.

Hiệp hội rau quả Việt Nam nhận định, về thị trường Trung Quốc cho tiêu thụ rau quả thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ tăng cao. Hằng năm, kim ngạch xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc chiếm 50%. Văn hóa Trung Quốc khá tương đồng với văn hóa của Việt Nam nên nhu cầu cần rau quả phục vụ dịp Tết sẽ cao để phục vụ văn hóa tâm linh.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cuối năm đối với trái cây khá lớn.

Hiện nay, việc xuất khẩu phải gắn với vùng trồng, gắn với cơ sở đóng gói; mỗi vùng trồng đều gắn với sản lượng và diện tích, nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu. Cùng với đó, việc chuyển dịch mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan.

NHẬP KHẨU TĂNG GẦN 39%

Trái ngược với tình hình không mấy sáng sủa của xuất khẩu rau quả, thì giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 11/2022 ước đạt 200 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 11 tháng năm 2022 lên 1,87 tỷ USD, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2021.

 

"Xét về nguồn cung rau quả nhập khẩu: Trung Quốc chiếm tỷ trọng 39,7%, Hoa Kỳ chiếm 16,7% và Australia chiếm 8,4%. Đây là 3 thị trường cung cấp rau quả nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam".

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn nhất của Việt Nam ở cả hai chiều nhập và xuất mặt hàng rau quả. Trong 11 tháng, nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc lên tới 742 triệu USD, tăng mạnh tới 83,3% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần rau quả của Trung Quốc cũng tăng từ 29% của năm trước lên tới 39,7% trong năm nay.

Thị trường Hoa Kỳ đứng thứ hai với 254 triệu USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước và thị phần giảm từ 21% của năm trước xuống còn 16,7% trong năm nay. Australia đứng thứ 3 với giá trị 157 triệu USD trong 11 tháng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 tháng, Việt Nam cũng đã chi 122 triệu USD nhập khẩu rau quả từ New Zealand; 101 triệu USD nhập rau quả từ Myanmar; 62 triệu USD nhập khẩu rau quả từ Nam Phi và 45 triệu USD nhập khẩu rau quả từ Thái Lan… Hai nước có kim ngạch xuất khẩu rau quả vào Việt Nam tăng mạnh là Nam Phi với mức tăng gần 70% và New Zealand tăng đến gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng nhập khẩu rau quả tăng quá mạnh, trong khi xuất khẩu giảm đã khiến thặng dư thương mại của ngành hàng này bị kéo tụt giảm xuống chỉ còn 1,22 tỷ USD. Trong khi xuất khẩu rau quả năm 2021 đạt 3,52 tỷ USD, nhập khẩu rau quả là 1,45 tỷ USD, xuất siêu hơn 2 tỷ USD.

Việc tăng nhập khẩu, trong khi xuất khẩu khó khăn, đã gây sức ép khiến nhiều mặt hàng rau quả trong nước phải giảm giá bán, khiến lợi nhuận của bà con nông dân trồng trái cây không còn cao như những năm trước đây.

Thị trường trái cây và rau quả chế biến thế giới dự báo đạt khoảng 392 tỷ USD vào năm 2025. Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyện được đi xa do không thể bảo quản được lâu.

Do đó, Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn đề nghị doanh nghiệp cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần kiên trì để duy trì thị trường và luôn luôn phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vì đây là yếu tố sống còn để chúng ta giữ được thị trường.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con