Zalo không muốn trở thành một siêu ứng dụng
Mặc dù có 71 triệu người dùng tại Việt Nam, nhưng Zalo không có kế hoạch trở thành một siêu ứng dụng…
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với trang Tech in Asia, Giám đốc kinh doanh Zalo Nguyễn Công Chính cho biết công ty ưu tiên chức năng nhắn tin của Zalo, chứ không ưu tiên tích hợp các tính năng bổ sung khác vào Zalo.
Được thành lập vào năm 2014, Zalo có công ty mẹ là VNG, kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam. Hiện Zalo đang vượt qua các đối thủ toàn cầu như Facebook Messenger và WhatsApp về cả lượt tải xuống và người dùng hoạt động hàng tháng tại Việt Nam.
Vào năm 2020, Tech in Asia đã phân tích lý do tại sao Zalo có thể tích hợp tốt hơn với các sản phẩm trong hệ sinh thái của VNG, đặc biệt là ứng dụng thanh toán ZaloPay. Tuy nhiên, ông Chính đã khẳng định kế hoạch tích hợp các sản phẩm như vậy không phải là ưu tiên hàng đầu của công ty.
Ông nói thêm rằng Zalo đã "có lãi" và doanh thu quảng cáo đã "tăng trưởng đáng kể" trong hai năm qua, và không cần giải thích thêm. Ứng dụng trò chuyện hiện đang xử lý khoảng 2 tỷ tin nhắn mỗi ngày, gần đây đã triển khai mã hóa đầu cuối để cạnh tranh với WhatsApp và Telegram.
Giống như WeChat ở Trung Quốc, Kakao ở Hàn Quốc và Line ở Nhật Bản, thành công của Zalo liên quan nhiều đến sự hiểu biết về văn hóa địa phương. Nhưng trong khi WeChat và Kakao đã thành công trong việc xây dựng một hệ sinh thái toàn diện cho các nền tảng tương ứng của họ, thì điều đó đã không xảy ra với Zalo.
Ứng dụng nhắn tin của Việt Nam hiện có khoảng ba chục tính năng trên nền tảng của mình, cho phép người dùng mua sắm, thanh toán hóa đơn hoặc tìm kiếm người bán hàng địa phương. Tuy nhiên, không có tính năng nào trong số này trở nên phổ biến như chức năng trò chuyện cốt lõi của Zalo.
Bắt đầu từ ngày 1/8, nền tảng này sẽ tính phí đăng ký với các tài khoản doanh nghiệp và giới hạn các tính năng miễn phí cho người dùng cá nhân.
Việc chuyển sang mô hình tính phí đăng ký đã khiến một số người trong ngành đặt câu hỏi liệu điều này có làm giảm khả năng cạnh tranh của Zalo khi người dùng có thể đổ xô sang các lựa chọn thay thế miễn phí khác hay không.
Tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tháng trước, VNG cho biết dự kiến sẽ lỗ khoảng 993 tỷ đồng (42,5 triệu USD) trong năm nay. Bloomberg đưa tin vào tháng 8/2021, gã khổng lồ công nghệ Việt Nam đang tìm hiểu để niêm yết cổ phiếu tại Mỹ.
Trong khi đó, VNG vẫn đang mạnh tay đầu tư vào các công ty khởi nghiệp. Hồi tháng 2, họ đã công bố khoản đầu tư 22,5 triệu USD vào Funding Societies, nền tảng tài chính số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hàng đầu Đông Nam Á. Cả hai đều có kế hoạch tận dụng “khả năng kết hợp của Zalo Messenger và ZaloPay” trong việc tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.