11:56 14/08/2024

Thị trường smarthome Việt Nam tăng trưởng nóng nhưng chưa được chuẩn hoá và “xanh” 

Bảo Bình

Chuyên gia cho rằng nhà thông minh ở Việt Nam hiện vẫn chủ yếu tập trung vào thiết bị, chưa vượt qua được giới hạn để cải thiện chất lượng sống …

Các chuyên gia tại sự kiện The Wise Talk với chủ đề “Công nghệ nhà thông minh nâng tầm sống xanh”
Các chuyên gia tại sự kiện The Wise Talk với chủ đề “Công nghệ nhà thông minh nâng tầm sống xanh”

Theo Statista, đơn vị nghiên cứu thị trường và dữ liệu người dùng hàng đầu trên thế giới, trong năm 2023, thị trường smarthome Việt Nam đã đạt 275 triệu USD. Dự kiến đến năm 2028, con số này đạt hơn 500 triệu USD, tốc độ phát triển của toàn thị trường này được đánh giá ở mức nhanh với khoảng 12,3 %/năm.

Điều này thể hiện rõ qua sự gia tăng nhanh chóng các công ty tham gia vào lĩnh vực này. Chia sẻ tại sự kiện The Wise Talk với chủ đề “Công nghệ nhà thông minh nâng tầm sống xanh” của TechConnect/VnEconomy, ông Nguyễn Hoàng Kiên, Giám đốc Xưởng LED điện tử & Thiết bị Chiếu sáng, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, cho biết trước năm 2018-2019, chỉ có khoảng hai đến ba chục công ty hoạt động trong lĩnh vực nhà thông minh. Tuy nhiên, hiện nay, con số này đã tăng lên đến 600-700 công ty, bao gồm cả các công ty lớn và các công ty khởi nghiệp”.

Theo ông Nguyễn Đỗ Dũng, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty tư vấn quốc tế enCity, cá nhân hóa là một xu hướng nổi bật hiện nay, không chỉ trong lĩnh vực nhà thông minh mà còn trong nhiều lĩnh vực khác. Xu hướng cá nhân hóa cũng chính là cơ hội để nhà thông minh mở rộng thị trường và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. 

“Từ việc mỗi người có một chiếc tivi riêng, đến việc tivi đó lại có nhiều chương trình khác nhau phù hợp với từng đối tượng, thời điểm khác nhau, hay thậm chí là nước hoa cũng được cá thể hóa. Việc này cũng áp dụng được cho nhà ở và thành phố, nơi công nghệ có thể tạo ra sự đột phá, cho phép các công trình không còn cứng nhắc mà có thể tùy biến linh hoạt”, ông Nguyễn Đỗ Dũng, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty tư vấn quốc tế enCity, nói.

SỞ HỮU NHÀ THÔNG MINH KHÔNG CHỈ LÀ SỞ HỮU CÁC THIẾT BỊ THÔNG MINH 

Nói về nhà thông minh, mọi người thường nghĩ đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Chẳng hạn, các thiết bị trong ngôi nhà thông minh giúp sử dụng điện một cách hợp lý hơn, điều chỉnh hệ thống ánh sáng tự động hay nhiệt độ của điều hòa để vừa tiết kiệm điện vừa đảm bảo sức khỏe. 

Bên cạnh đó là các hệ thống giám sát năng lượng hiện đại, như aptomat thông minh, có thể đo đếm điện năng tiêu thụ và đưa ra cảnh báo, giúp người dùng phát hiện các vấn đề và điều chỉnh kịp thời, chẳng hạn như tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng. Nhờ những giải pháp này, việc quản lý năng lượng trở nên hiệu quả hơn, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong lĩnh vực nhà thông minh, điều quan trọng không chỉ là sở hữu các thiết bị thông minh mà là khả năng tích hợp chúng với nhau và với toàn bộ công trình. Chẳng hạn, các thiết bị thông minh phải hoạt động hài hòa với vật liệu xây dựng, từ các tấm tường có thể di chuyển cho đến các hệ thống tiết kiệm năng lượng.

Ông Nguyễn Đỗ Dũng chia sẻ câu chuyện ở Nhật Bản, vì không gian chật hẹp, doanh nghiệp đã triển khai các công nghệ cho phép thay đổi cấu trúc không gian trong nhà một cách linh hoạt. Điều này mở ra tương lai mới của những ngôi nhà thông minh, nơi mà không gian có thể thay đổi tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng. 

Bên cạnh đó, hiện nay số lượng công ty tham gia vào thị trường ngày càng tăng, nên người dùng gặp khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm, trong đó có vấn đề tính tương thích giữa các sản phẩm.

“Nếu người dùng mua sản phẩm từ một công ty nhưng sau đó muốn nâng cấp, liệu các thiết bị có kết nối được với nhau? Hay tình huống trong một căn nhà có tới 5-6 hệ thống điều khiển khác nhau, gây ra sự bất tiện”, ông Nguyễn Hoàng Kiên đặt vấn đề.

Chính vì vậy, một trong những thách thức lớn, không chỉ trong lĩnh vực nhà thông minh mà trong nhiều lĩnh vực khác, là thiếu sự chuẩn hóa và tương thích giữa các thiết bị với công trình.

THỊ TRƯỜNG TĂNG NÓNG NHƯNG CHƯA TÍCH HỢP, KẾT NỐI VÀ CHUẨN HÓA

“Đây là một thị trường rất mới nên việc này gặp nhiều khó khăn hơn. Ở Việt Nam, việc mua nhà, xây nhà thực sự rất mất công vì phải theo sát để giải quyết các vấn đề về lắp đặt và kết nối không khớp. Điều này cho thấy công nghiệp hóa và chuẩn hóa của ngành xây dựng nói chung và ngành nhà thông minh nói riêng vẫn còn yếu, gây phiền hà cho người tiêu dùng”, ông Dũng nói.

“Tôi nghĩ vai trò của các hiệp hội, các nhà phát triển cùng với nhà nước là cần tìm cách giải quyết vấn đề này. Làm sao để chuẩn hóa được nhiều thứ như giắc cắm, ổ cắm, điểm kết nối internet,… là điều đầu tiên nên làm. Nếu không, khi số lượng người dùng tăng lên, vấn đề sẽ càng lớn hơn”.

Chia sẻ về thị trường nhà thông minh ở Singapore, ông Nguyễn Đỗ Dũng, nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty tư vấn quốc tế enCity, cho biết nhà thông minh ở Singapore thiên về vấn đề kết nối nhiều hơn. Cụ thể, nhờ vào sự chuẩn hóa và giải quyết triệt để các vấn đề về hạ tầng, hệ thống nhà thông minh ở Singapore tập trung vào sự tích hợp và kết nối giữa các thiết bị. 

Chuyên gia Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng nhà thông minh ở Việt Nam hiện vẫn chủ yếu tập trung vào thiết bị, chưa vượt qua được giới hạn để cải thiện chất lượng sống. Theo đó, để thực sự nâng cao sức khỏe và chất lượng sống của người dân, cần phải xem xét cả vật liệu xây dựng và các yếu tố khác của công trình.

“Việc chỉ tập trung vào việc bật/tắt thiết bị điện không giải quyết được vấn đề lớn hơn về chất lượng sống. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tiên phong mở rộng tầm nhìn, không chỉ dừng lại ở thiết bị điện mà còn chú trọng đến vật liệu và các phương pháp khác để cải thiện môi trường sống”, ông Dũng nói.

Vấn đề lớn nhất là tính tích hợp và chuẩn hóa, và việc chỉ tập trung vào thiết bị là một hạn chế cần vượt qua. Những vấn đề như thu nhập và thói quen tiêu dùng là tạm thời và sẽ được giải quyết theo thời gian, nhưng để phát triển bền vững trong lĩnh vực nhà thông minh, chúng ta cần chú trọng vào hai yếu tố chính: tích hợp và chuẩn hóa.

 
Ông Nguyễn Hoàng Kiên, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.
Ông Nguyễn Hoàng Kiên, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

“Thị trường nhà thông minh được nhận định vẫn rất tiềm năng. Xu hướng cá thể hóa trong ngôi nhà và các thiết bị đi kèm, đặc biệt là hệ thống chiếu sáng, đang ngày càng phổ biến.

Công nghệ hiện đã có thể đáp ứng nhu cầu, nhưng vấn đề nằm ở việc tổ chức sản xuất và định giá sao cho phù hợp. Nếu giải quyết được những vấn đề này, thị trường nhà thông minh sẽ có cơ hội phát triển rất lớn”.

Nhà thông minh, mặc dù không phải là một khái niệm mới, nhưng tốc độ phát triển vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Trên toàn cầu, sự tăng trưởng chỉ đạt khoảng 10-12%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Một lý do chính là thiếu chuẩn mực chung cho các thiết bị nhà thông minh, dẫn đến việc các hãng phát triển hệ thống kết nối riêng biệt. Ví dụ, thiết bị của một hãng có thể không tương thích với thiết bị của hãng khác. 

Sự phát triển quá nhanh và nóng của thị trường khiến nhiều công ty nhảy vào nhưng lại không thiết lập được tiêu chuẩn và chất lượng đồng nhất. Kết quả là, sự phức tạp và sự trục trặc của các thiết bị khiến người tiêu dùng cảm thấy thất vọng. Vì vậy, theo các chuyên gia, rất cần có sự can thiệp từ phía nhà nước để thiết lập quy chuẩn và tiêu chuẩn cho nhà thông minh.

Ngoài ra, dịch vụ tư vấn, lắp đặt và bảo trì cũng là một vấn đề quan trọng. Nhiều đơn vị chưa cung cấp đủ dịch vụ hỗ trợ, từ tư vấn cá nhân hóa đến bảo trì kịp thời, làm giảm sự hài lòng của khách hàng.

Cuối cùng, một cản trở nữa của nhà thông minh là nhận thức của người tiêu dùng về các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống vẫn còn hạn chế. Ví dụ, nhiều người vẫn chưa nhận ra sự quan trọng của ánh sáng phù hợp trong việc cải thiện sức khỏe và phục hồi. Do đó, nâng cao nhận thức và giáo dục người dân về lợi ích của công nghệ nhà thông minh là cần thiết.

Nghiên cứu các chuẩn kết nối, thói quen sử dụng của người tiêu dùng, phát triển các giải pháp  thân thiện, dễ sử dụng, đồng thời, đảm bảo giá cả hợp lý để phù hợp với thu nhập của đa số người dân, những yếu tố này sẽ giúp giải quyết các vấn đề hiện tại và thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhà thông minh ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, thị trường nhà thông minh được nhận định vẫn rất tiềm năng. Xu hướng cá thể hóa trong ngôi nhà và các thiết bị đi kèm, đặc biệt là hệ thống chiếu sáng, đang ngày càng phổ biến. “Công nghệ hiện đã có thể đáp ứng nhu cầu này, nhưng vấn đề nằm ở việc tổ chức sản xuất và định giá sao cho phù hợp. Nếu giải quyết được những vấn đề này, thị trường nhà thông minh sẽ có cơ hội phát triển rất lớn”, đại diện công ty Rạng Đông nói.