14:01 11/09/2024

Tòa án châu Âu giáng đòn phạt hàng tỷ USD tới Apple và Google

Sơn Trần

Apple chính thức thua cuộc trong vụ kiện về thuế trị giá 14,4 tỷ USD sau phán quyết của Tòa án hàng đầu châu Âu. Kết quả được xem là đòn giáng mạnh mẽ vào công ty giá trị nhất thế giới chỉ một ngày sau sự kiện ra mắt loạt sản phẩm mới…

Giám đốc Điều hành Apple Tim Cook bên trái, CEO của Google và Alphabet Inc Sundar Pichai bên phải.
Giám đốc Điều hành Apple Tim Cook bên trái, CEO của Google và Alphabet Inc Sundar Pichai bên phải.

Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) cũng giữ nguyên mức phạt đối với cáo buộc chống độc quyền, khoảng 2,6 tỷ USD, dành cho Google.

Theo CNN Business, cả hai phán quyết của ECJ đều là phán quyết cuối cùng, đồng nghĩa là các công ty không thể kháng cáo.

Quyết định nêu bật lập trường cứng rắn của Liên minh châu Âu đối với Big Tech, trong những năm gần đây đã mở rộng nỗ lực ban hành quy định toàn diện nhằm hạn chế quyền lực của các gã khổng lồ công nghệ.

VỤ KIỆN VỚI APPLE VỀ ƯU ĐÃI THUẾ BẤT HỢP PHÁP 

Trong phán quyết chống lại Apple, ECJ đã giữ nguyên quyết định vào năm 2016 của Ủy ban châu Âu, phát hiện rằng Ireland đã cấp cho Apple khoản viện trợ nhà nước, được nhận định là "khoản trợ cấp thuế bất hợp pháp", trị giá 13 tỷ euro (14,4 tỷ USD).

Theo ông Alex Haffner, đối tác chiến lược tại công ty luật Fladgate có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), Apple sẽ phải từ bỏ số tiền khổng lồ được giữ trong tài khoản ký quỹ sau khi nhận kết quả vụ kiện.

Ông Haffner nói thêm: “Có lẽ điều quan trọng nhất lúc này là, một lần nữa, các nhà chức trách và Tòa án EU đã sẵn sàng thể hiện sức mạnh nhằm hạn chế quyền lực của Big Tech khi cần thiết”.

Vụ kiện thuế chống lại Apple là một phần trong chiến dịch trấn áp của người đứng đầu Cơ quan Chống độc quyền EU, bà Margrethe Vestager, đối với loạt thỏa thuận giữa một số công ty đa quốc gia và các nước EU mà cơ quan quản lý coi là viện trợ nhà nước không công bằng.

Vào thời điểm đó, Ủy ban cho biết Apple được hưởng lợi rất nhiều từ phán quyết thuế của Ireland trong hơn hai thập kỷ, giúp công ty giảm gánh nặng thuế xuống mức thấp nhất là 0,005% vào năm 2014.

Apple từng khiếu nại phán quyết và Tòa sơ thẩm châu Âu, tòa án trực thuộc ECJ,  đã duy trì khiếu nại đến năm 2020, cho rằng cơ quan quản lý đã không đáp ứng tiêu chuẩn pháp lý để chứng minh Apple được hưởng lợi thế không công bằng.

Nhưng vào ngày 10/9/2024, Tòa án Công lý châu Âu đã bác bỏ phán quyết của Tòa sơ thẩm và đứng về phía Ủy ban.

“Đây là chiến thắng to lớn dành cho công dân châu Âu và công lý thuế”, bà Vestager nhấn mạnh trong tuyên bố sau phán quyết. “Ủy ban sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy lùi cạnh tranh thuế tiêu cực và lập kế hoạch định hướng về thuế”.

Giám đốc chống độc quyền Liên minh châu Âu Margrethe Vestager tổ chức họp báo tại Brussels ngày 10/9/2024.
Giám đốc chống độc quyền Liên minh châu Âu Margrethe Vestager tổ chức họp báo tại Brussels ngày 10/9/2024.

Trong khi đó, Apple bày tỏ nỗi "thất vọng" với quyết định trên. "Chúng tôi luôn đóng thuế đầy đủ ở tất cả cơ sở hoạt động và chưa bao giờ có một thỏa thuận đặc biệt nào", phát ngôn viên của công ty cho biết.

Apple tiết lộ đã trả hơn 20 tỷ USD tiền thuế tại Hoa Kỳ đối với cùng mức lợi nhuận mà Ủy ban EU cho rằng công ty phải chịu thuế tại Ireland.

Trong tuyên bố về phán quyết, Chính phủ Ireland khẳng định: “Lập trường của Ireland luôn là không dành ưu đãi thuế cho bất kỳ công ty hay cá nhân nào”.

GOOGLE BỊ PHẠT 2,6 TỶ USD DO VI PHẠM CHỐNG ĐỘC QUYỀN

ECJ đã bác bỏ đơn kháng cáo của Google và công ty mẹ Alphabet về khoản tiền phạt 2,4 tỷ euro (2,6 tỷ USD) mà Ủy ban EU đưa ra vào năm 2017.

Google bị phạt vì lạm dụng vị thế thống lĩnh trong thị trường tìm kiếm trực tuyến bằng cách ưu tiên dịch vụ so sánh giá mua sắm của hãng hơn so với đa số đối thủ cạnh tranh đến từ gần 10 quốc gia châu Âu.

Vào thời điểm đó, bà Vestager nhận xét hành vi của Google "đã từ chối quyền lựa chọn dịch vụ thực sự của người tiêu dùng châu Âu và bỏ qua toàn bộ nỗ lực đổi mới" từ các đối thủ nhỏ hơn.

Quyết định của Ủy ban được Tòa án sơ thẩm duy trì nhưng các công ty sau đó đã kháng cáo quyết liệt. Kháng cáo này chính thức bị bác bỏ vào ngày 10/9 vừa qua. Google cũng được yêu cầu trả phí luật sư cho Ủy ban. 

"Chúng tôi thất vọng với quyết định của Tòa án", phát ngôn viên của Google chia sẻ, đồng thời chỉ ra những thay đổi mà công ty đã thực hiện đối với dịch vụ quảng cáo mua sắm tại châu Âu vào năm 2017 nhằm tuân thủ quyết định của Ủy ban EU. Đại diện phát ngôn nói thêm, cách tiếp cận mới đã tạo ra "hàng tỷ lượt nhấp chuột cho hơn 800 dịch vụ so sánh mua sắm".

Trong tuyên bố mới đây, bà Vestager nhận định vụ kiện chống lại Google là “chất xúc tác cho sự thay đổi”, thách thức quan niệm cho rằng “các công ty kỹ thuật số nên được tự do hoạt động”.

Nhà lãnh đạo Cơ quan Chống độc quyền EU kết luận: “Điều này chứng minh rằng ngay cả những công ty công nghệ mạnh nhất cũng cần phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình”.