16:31 12/08/2024

Top những công ty khởi nghiệp đáng học hỏi nhất Malaysia

Sơn Trần

Malaysia đặt mục tiêu trở thành một trong 20 quốc gia đứng đầu về hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu vào năm 2030…

Malaysia quyết tâm nhanh chóng trở thành một trong 20 quốc gia đứng đầu về hệ sinh thái khởi nghiệp.
Malaysia quyết tâm nhanh chóng trở thành một trong 20 quốc gia đứng đầu về hệ sinh thái khởi nghiệp.

Bất chấp những khó khăn sau đại dịch Covid-19, hệ sinh thái khởi nghiệp của Malaysia đang phát triển nhanh chóng. Với sự hỗ trợ quyết liệt thông qua một số sáng kiến như MDEC và MaGIC, chính phủ nước này thúc đẩy quá trình đào tạo, phát triển nguồn lực và thu hút nguồn tài trợ dồi dào cho startup Malaysia, theo Tech Collective.

Hơn nữa, vị trí chiến lược cũng đóng vai trò then chốt, giúp Malaysia tiến sâu vào thị trường 600 triệu dân ở Đông Nam Á, tạo điều kiện mở rộng thị trường cho nhiều startup nội địa.

Các nhà đầu tư quốc tế ngày càng bị thu hút bởi sự sôi động tại Malaysia, thực tế cho thấy cửa hàng Apple Store đầu tiên trong khu vực vừa được khai trương tại sàn giao dịch TRX và Tesla tuyên bố kế hoạch đầu tư tại Malaysia. 

Mặc dù có những thách thức trong việc tiếp cận nguồn vốn giai đoạn đầu, là rào cản chung với nhiều startup, nhưng sự hiện diện ngày càng tăng của tổ chức đầu tư mạo hiểm cùng cơ chế chính sách tốt đã tạo nên môi trường thuận lợi cho các dự án mới nổi.

RESPOND.IO

Respond.io là phần mềm AI hỗ trợ quản lý trò chuyện với khách hàng, cho phép nhóm (mọi quy mô) trả lời tin nhắn từ bất kỳ nền tảng nào thông qua bảng điều khiển chung duy nhất. Kể từ khi thành lập vào năm 2017 bởi ba nhà đồng sáng lập Gerardo Salandra, Hassan Ahmed và Iaroslav Kudritskiy, công ty luôn ưu tiên lấy sản phẩm làm gốc, phát triển sản phẩm từ phản hồi của khách hàng.

Công ty chiếm trọn niềm tin của hơn 10.000 thương hiệu trên 86 quốc gia, có thể kể đến một số thương hiệu lớn như Toyota, British Airways, Decathlon và Klook. Năm 2022, Respond.io thành công huy động 7 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A, do Headline Asia dẫn đầu cùng sự tham gia của AltaIR Capital, Smart Partnership Capital, Sterling Oak Group và Calendula Ventures. Đây là đòn bẩy quan trọng giúp công ty mở rộng phạm vi hoạt động ra cả châu Á, châu Âu, Trung Đông và Mỹ Latinh.

CARSOME

Carsome là nền tảng thương mại điện tử ô tô tích hợp lớn nhất Đông Nam Á, cách mạng hóa ngành công nghiệp ô tô với các dịch vụ toàn diện. Kể từ khi thành lập, công ty trở thành biểu tượng đáng tin cậy trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính và bảo hiểm xe hơi. Carsome cung cấp nền tảng mua, bán xe hơi uy tín, tận dụng công nghệ tiên tiến và khả năng phân tích dữ liệu.

Ông Eric Cheng, đồng sáng lập kiêm CEO Carsome, tuyên bố công ty đã sẵn sàng cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Ông Cheng cho biết Carsome đang mở cửa, tìm kiếm nguồn tài trợ mới từ nhà đầu tư tiềm năng để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động.

Đầu năm 2022, Carsome hoàn thành vòng gọi vốn Series E với trị giá 290 triệu USD, nâng mức định giá công ty lên khoảng 1,7 tỷ USD. Vòng tài trợ mới được đồng dẫn dắt bởi 65 Equity Partners, Qatar Investment Authority, Seatown Private Capital Master Fund và sự tham gia của một số nhà đầu tư như Sunway, Mediatek, Gokongwei Group, YTL Group, Taiwan Mobile. Công ty dự định sử dụng số tiền này để đẩy nhanh quá trình mở rộng thị trường của thương hiệu bán lẻ Carsome Certified.

MYMY PAYMENTS MALAYSIA

Mới đây, nhà cung cấp fintech và ví điện tử nội địa MyMy công bố quan hệ đối tác chính thức với Mastercard. Sự hợp tác này giúp MyMy bổ sung thẻ vật lý và thẻ visa trả trước vào dịch vụ, giúp công ty trở thành startup duy nhất được Mastercard chấp thuận. Đây là một cột mốc quan trọng bậc nhất đối với công ty.

Một số tính năng mới nổi trội của MyMy là thẻ trả trước không số khi giao dịch thanh toán vật lý và xác thực sinh trắc học khi giao dịch trực tuyến, nhằm tăng cường bảo mật và quản lý rủi ro.

Công ty cũng huy động thêm 851 nghìn USD từ một nguồn không được tiết lộ, nâng tổng số tiền tài trợ của công ty lên 4,8 triệu USD. Vòng tài trợ mới nhất này tiếp tục giúp MyMy củng cố vị thế như một ông lớn trong mảng fintech và ví điện tử.

NALURI

Naluri, nhà cung cấp dịch vụ y tế kỹ thuật số, mong muốn cách mạng hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thông qua các giải pháp AI. Được thành lập vào năm 2017 bởi hai nhà đồng sáng lập Azran Osman-Rani và Jeremy Ting, Naluri giải quyết tình trạng thiếu chuyên gia y tế trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Công ty vận hành thông qua nền tảng AI độc quyền và một số chương trình hỗ trợ sức khỏe hành vi cá nhân hóa ở quy mô lớn.

Năm 2022, Naluri kêu gọi 7 triệu USD trong vòng gọi vốn trước series B, được dẫn dắt bởi nhà phát triển bất động sản Pruksa Group có trụ sở tại Thái Lan, cùng sự tham gia của Bertelsmann Investments, M Venture Partners, Striders Corporation, Palm Drive Capital và INP Capital. Sau vòng gọi vốn, công ty nhanh chóng thâm nhập vào thị trường Thái Lan và mở rộng hoạt động tại Malaysia, Singapore và Indonesia.

Tinh thần khởi nghiệp không sợ thất bại là chìa khoá tạo ra nhiều kỳ lân tầm cỡ khu vực và thế giới.
Tinh thần khởi nghiệp không sợ thất bại là chìa khoá tạo ra nhiều kỳ lân tầm cỡ khu vực và thế giới.

Nhìn chung, cơ chế chính sách và khuôn khổ pháp lý hỗ trợ rất nhiều cho các công ty khởi nghiệp ở Malaysia. Đa số startup đều mong muốn được ưu tiên hỗ trợ, tránh thủ tục phức tạp, xuất phát từ nhiều cơ quan quản lý với trách nhiệm chồng chéo. 

Để thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, điều quan trọng là chính phủ các nước phải hợp lý hóa, thay đổi dữ liệu, chính sách ngày càng minh bạch và linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, thái độ văn hóa cũng ảnh hưởng đến nguồn nhân lực. Nhiều người trẻ tại Malaysia do dự khi bắt đầu kinh doanh vì sợ thất bại hay sinh viên lo lắng về những đánh giá của xã hội nếu họ thua lỗ. 

Giải quyết rào cản văn hóa và truyền động lực khởi nghiệp là rất quan trọng để phát triển một xã hội mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với thử thách, dám nghĩ dám làm để thành công. Đây là cách Malaysia đã làm để thúc đẩy hệ sinh thái năng động, đổi mới và sáng tạo.