15:44 29/10/2024

Từng là startup ô tô bay trị giá tỷ USD, Lilium đứng trước bờ vực phá sản

Sơn Trần

Lilium vừa tham gia đàm phán về khoản tài trợ vốn khẩn cấp với quan chức chính phủ Đức, nhưng khó cứu vãn tình hình…

Lilium có nguy cơ mất khả năng thanh toán nếu không huy động được nguồn tài trợ khẩn cấp.
Lilium có nguy cơ mất khả năng thanh toán nếu không huy động được nguồn tài trợ khẩn cấp.

Công ty khởi nghiệp đến từ Đức, Lilium, có nguy cơ mất khả năng thanh toán nếu không huy động được nguồn tài trợ khẩn cấp từ chính quyền Bavaria (tiểu bang thuộc phía Đông Nam của Cộng hoà Liên bang Đức).

CNBC nhận định, tuyên bố phá sản sẽ đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn đối với startup từng được coi là kỳ lân tiềm năng nhất châu Âu trong nỗ lực chế tạo ra loại “ô tô” có thể bay được ở thế kỷ 21.

Lilium là một trong số ít công ty tham gia vào công cuộc chế tạo “eVTOL”, được hiểu là phương tiện cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, chạy hoàn toàn bằng điện.

Biết đến rộng rãi với tên gọi ô tô bay hoặc taxi hàng không, loại phương tiện này đang được nhiều công ty khởi nghiệp ở Hoa Kỳ, châu Âu và thậm chí cả châu Á tập trung nghiên cứu phát triển.

Bất chấp thị trường mang tới một số dấu hiệu khởi sắc, Lilium vẫn phải đối mặt với vô vàn rắc rối. Công ty đang nỗ lực hết sức nhằm huy động nguồn tài trợ từ chính phủ Đức. Và cho đến nay, kế hoạch dường như đã thất bại.

TÌNH TRẠNG ĐÁNG BÁO ĐỘNG

Lilium vừa tiến hành đàm phán về khoản vốn đầu tư khẩn cấp với cả chính phủ Liên bang Đức và chính quyền tiểu bang Bavaria.

Công ty đề xuất khoản vay 50 triệu euro (54 triệu USD) từ chính phủ liên bang. Tuy nhiên, yêu cầu ngay lập tức bị các nhà lập pháp từ chối.

Trong hồ sơ quản lý được công bố cuối tuần trước, Lilium cho biết đã “nhận được thông báo rằng ủy ban ngân sách của Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức sẽ không chấp thuận khoản bảo lãnh 50 triệu euro (54 triệu USD) cho khoản vay chuyển đổi dự kiến ​​trị giá 100 triệu euro (108 triệu USD)”.

Khoản viện trợ nhà nước thường được cấp bởi Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).

Lilium tuyên bố công ty đang “tiếp tục thảo luận với chính quyền tiểu bang Bavaria về việc bảo lãnh ít nhất 50 triệu euro (54 triệu USD)”.

Đại diện phát ngôn chia sẻ với CNBC rằng công ty không bình luận thêm ngoài thông tin được nêu trong hồ sơ chính thức.

Trả lời phỏng vấn liên quan tới quyết định từ chối viện trợ nhà nước cho Lilium của chính phủ Liên bang Đức, ông Hubert Aiwanger, Bộ trưởng Kinh tế Bavaria, lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích động thái này và nhấn mạnh thật “đáng tiếc” khi chính phủ liên bang không hỗ trợ công ty.

Ông Danijel Višević, đồng sáng lập quỹ đầu tư về công nghệ khí hậu World Fund có trụ sở tại Berlin (Đức), nhận định mặc dù “có thể hiểu được” việc các nhà lập pháp từ chối hỗ trợ Lilium chủ yếu là do lo ngại khối doanh nghiệp có suy nghĩ thiên vị, chỉ hỗ trợ công ty này hơn công ty khác, nhưng một phần lý do cũng đến từ hầu hết chính trị gia nước này đều mang nặng quan niệm sai lầm rằng ô tô bay chỉ là “món đồ chơi dành cho triệu phú”. Ông Višević cho rằng định kiến trên “quá thiển cận”.

Vị chuyên gia cho rằng thật không công bằng khi nhà sản xuất ô tô điện Tesla đã “đốt” hàng tỷ USD trước khi có lãi và nhận được khoản vay từ chính phủ Hoa Kỳ, nhưng Lilium thì không có cơ hội như thế.

HÀNH TRÌNH NỖ LỰC CỦA LILIUM 

Lilium mong muốn đưa khách hàng từ thành phố này đến thành phố khác một cách nhanh chóng.
Lilium mong muốn đưa khách hàng từ thành phố này đến thành phố khác một cách nhanh chóng.

“Ô tô bay” có lẽ không phải thuật ngữ chính thống. Nhưng mục đích cuối cùng của Lilium là mang đến cho thế giới một phương tiện bay có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, đưa khách hàng từ thành phố này đến thành phố khác một cách nhanh chóng, đồng thời giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông đường bộ.

Ban đầu, công ty mong muốn triển khai dịch vụ “gọi xe” kỹ thuật số riêng, cho phép người dùng đặt chuyến đi bằng ô tô bay từ một số khu vực chỉ định, đảm bảo không gian để phương tiện có thể cất cánh và hạ cánh.

Tuy nhiên sau đó, công ty quyết định thay đổi mô hình kinh doanh.

Thay vì tự mình phát triển toàn bộ dịch vụ, công ty chọn hợp tác với các hãng hàng không và đơn vị điều hành sân bay nhằm xây dựng sản phẩm cũng như cơ sở hạ tầng cần thiết, tạo tiền đề thúc đẩy tầm nhìn đầy tham vọng. 

Ô tô bay phản lực của Lilium có giá lên tới 9 triệu USD. Công ty cũng đang phát triển phiên bản sáu chỗ ngồi, với giá khoảng 7 triệu USD.

Lilium từng đạt được nhiều thỏa thuận lớn với những đại gia đầu ngành như Lufthansa đến từ Đức và Saudia đến từ Saudi Arabia. Hãng cũng tuyên bố hợp tác thành công với Groupe ADP, đơn vị điều hành sân bay quốc tế có trụ sở tại Paris (Pháp).

TRỖI DẬY MẠNH MẼ, SỤP ĐỔ CHÓNG VÁNH

Được thành lập bởi 4 sinh viên đại học vào năm 2015, Lilium nhanh chóng trở nên nổi tiếng là một trong những hãng taxi hàng không nhận được nhiều nguồn tài trợ hậu hĩnh nhất khu vực châu Âu.

Công ty huy động hàng trăm triệu USD từ một số nhà đầu tư lớn bao gồm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent, Atomico và Earlybird.

Vào tháng 9/2021, Lilium chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq thông qua việc sáp nhập với công ty mua lại có mục đích đặc biệt có tên SPAC Qell. SPAC (viết tắt của Special Purpose Acquisition Companies) là công ty được lập ra với mục đích mua lại hoặc hợp nhất với một công ty khác nhằm đưa công ty đó lên sàn giao dịch chứng khoán. 

Vào thời kỳ đỉnh cao, Lilium đạt giá trị lên tới 3,3 tỷ USD. Hiện tại, cổ phiếu của công ty ghi nhận giảm hơn 95% so với lần đầu ra mắt trên thị trường chứng khoán.