07:00 20/12/2022

Vận tải hàng không: Đấu trường mới của các gã khổng lồ chuyển phát nhanh Trung Quốc

Bảo Ngọc

Đại dịch đã khiến ngành hàng không dân dụng sa sút nghiêm trọng. Nhiều hãng hàng không lớn đều phải gánh chịu những khoản lỗ khổng lồ…

Ảnh: KrAsia
Ảnh: KrAsia

Ngược lại, nhu cầu thị trường đối với vận tải hàng không toàn cầu tăng mạnh, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục tăng ngay cả khi đại dịch đã được kiểm soát, theo KrAsia.

Tại thị trường Trung Quốc, ngành vận tải hàng không chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt từ những gã khổng lồ chuyển phát nhanh như China Post, SF Express, JD.com và Cainiao để giành lấy vị trí dẫn đầu.

CHUYỂN TRỌNG TÂM TỪ CUỘC CHIẾN GIÁ CẢ SANG KHẢ NĂNG VẬN TẢI HÀNG KHÔNG

Năm 2020 khi J&T Express gia nhập ngành chuyển phát nhanh, cuộc chiến giá cả bắt đầu bùng nổ khiến nhiều công ty chuyển phát phải giảm giá để duy trì thị phần.

Hàng hóa được giao với mức phí thấp nhất dẫn đến khối lượng thị trường gia tăng nhưng doanh thu tổng thể lại trì trệ. Theo dữ liệu từ Cục Bưu chính Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 9/2021, khối lượng kinh doanh của các doanh nghiệp dịch vụ chuyển phát nhanh nội địa Trung Quốc đã tăng 36,7% (tương đương 76,77 tỷ gói hàng) so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên doanh thu trên mỗi gói hàng đã giảm 11% xuống mức trung bình khoảng 1.39 USD/ đơn hàng.

Cuộc chiến giá cả là điều không ai mong muốn và khiến các công ty chuyển phát nhanh và cả chính quyền đều cố gắng kiểm soát biến động trên thị trường. Tuy nhiên, giá dịch vụ của ngành này vẫn ở mức thấp. Chỉ đến năm 2022, ngành công nghiệp này cuối cùng cũng trở lại trạng thái cạnh tranh bền vững.

Cục diện hiện nay đã chứng minh rằng mô hình kinh doanh cạnh tranh giá thấp và tỷ suất lợi nhuận nhỏ không còn khả thi. Các nhà điều hành cần cải thiện khả năng cạnh tranh cốt lõi và tăng thị phần bằng cách mở rộng phạm vi kinh doanh và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Điều này đánh dấu một bước chuyển quan trọng từ thị trường cạnh tranh về giá sang cạnh tranh chất lượng. Nhiều công ty chuyển phát nhanh đang xem xét vận tải hàng không như một phương thức để giao hàng nhanh và thuận tiện hơn.

Nhu cầu vận tải hàng không toàn cầu hiện đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, nhu cầu thị trường đối với vận tải hàng không toàn cầu tăng 6,9% vào năm 2021, cao hơn 18,7% so với năm 2020.

Ngoài ra, theo báo cáo Triển vọng Thị trường Thương mại Toàn cầu do Tập đoàn Boeing công bố vào tháng 7 năm nay, ước tính tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của vận tải hàng hóa hàng không toàn cầu sẽ là 4,3% trong 10 năm tới và 4,1% trong 20 năm tới; Năm 2041, kim ngạch vận tải hàng không quốc tế cũng ước đạt 600 tỷ tấn.

LỢI THẾ CỦA NHỮNG “TAY CHƠI” TRÊN THỊ TRƯỜNG

Ngành vận tải hàng không trở thành một lĩnh vực hấp dẫn đối với các công ty chuyển phát nhanh đang tìm cách mở rộng quy mô. 

Công ty con của China Post, China Postal Airlines, đã chứng kiến một giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng từ khi thành lập vào năm 1996. Công ty này  hiện có một mạng lưới rộng lớn với thành phố Nam Kinh là trung tâm và 35 thành phố khác là các điểm phân phối, cho phép thực hiện giao hàng trên toàn khu vực.

Mặt khác, đối thủ cạnh tranh SF Express đã giành lợi thế theo một cách hoàn toàn khác khi thiết lập sân bay của riêng mình. SF Airlines được thành lập vào năm 2009. 7 năm sau, công ty chính thức công bố kế hoạch xây dựng sân bay quốc tế tại Hồ Bắc. Dự án quy mô được so sánh với sân bay Memphis ở Hoa Kỳ.

Kể từ đó, SF Express đã không ngừng mở rộng phạm vi kinh doanh đa lĩnh vực như máy bay vận tải có người lái cỡ lớn, hậu cần UAV và máy bay không người lái giao hàng chặng cuối. Ngày 17/7/2022, sân bay Ezhou Huahu chính thức khai trương, giúp công ty tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển hàng không. Đây là sân bay trung tâm hàng hóa đầu tiên ở châu Á và thứ 4 trên thế giới với khả năng tiếp cận 35 địa điểm quốc tế và khu vực, 111 đường bay và 57.800 chuyến bay bên ngoài Trung Quốc.

Công ty chuyển phát nhanh thứ ba sở hữu một hãng hàng không tại Trung Quốc là YTO Express, bắt đầu thiết lập kế hoạch vận tải hàng không từ đầu năm 2014. YTO Cargo Airlines được thành lập vào tháng 6/2015 và chính thức ra mắt 3 tháng sau đó.

Được hỗ trợ đầu tư bởi đại gia công nghệ Alibaba, YTO đã đặt 15 máy bay Boeing 737-800BCF trong năm 2015. Kể từ đó, YTO đầu tư xây dựng Trụ sở khu vực quản lý Tây Nam của YTO Express, Trụ sở khu vực Quảng Tây và Trụ sở Nam Trung Quốc.

Công ty hiện có 12 máy bay chở hàng và dự kiến sẽ có sức chứa tương đương 100 máy bay B737 vào năm 2025, bao gồm hơn 12 máy bay thân rộng cho các tuyến liên lục địa. YTO Airlines đã mở hơn 100 đường bay nội địa và quốc tế, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Nam Á và Trung Á. Hãng cũng từng bước mở ra các chuyến bay chở hàng quốc tế đến châu Âu và Bắc Mỹ, hướng đến mục tiêu xây dựng mạng lưới toàn cầu.

“Tay chơi” thứ tư là JD Airlines. Tuy gia nhập thị trường muộn hơn, JD cũng đang tỏ ra là một đối thủ đáng gờm. Vào tháng 8/2022, JD thông báo rằng công ty con Jiangsu Jingdong Cargo Airlines đã đạt được chứng chỉ khai thác hàng không do Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cấp, đánh dấu sự ra mắt chính thức của JD Airlines với tư cách là một hãng hàng không vận chuyển hàng hóa độc lập.

Đây là một cột mốc quan trọng đối với JD khi công ty bắt đầu thành lập mảng kinh doanh vận tải hàng không vào năm 2017. Qua 5 năm, công ty đã phát triển nhanh chóng bằng cách mua lại Kua Yue Express, sở hữu hơn 620 tuyến vận tải hàng không. Đến đầu năm 2022, JD đã có hơn 1.000 tuyến vận tải hàng không.

“Tay chơi” đáng chú ý cuối cùng là Cainiao. Mặc dù công ty hiện không có hãng hàng không riêng nhưng đủ khả năng xử lý hơn 5 triệu gói hàng xuyên biên giới hàng ngày với phạm vi hơn 200 quốc gia và khu vực. Đến cuối năm 2021, công ty này đã hợp tác với gần 40 hãng hàng không, tiếp cận 106 đường bay trên toàn thế giới và tổ chức 225 chuyến bay mỗi ngày.

TƯƠNG LAI KHỞI SẮC HƠN NỮA

Mở rộng sang ngành vận tải hàng không là một động thái chiến lược giúp thúc đẩy đáng kể hoạt động chuyển phát nhanh. Các công ty đều đang chạy đua về tốc độ, chất lượng dịch vụ và giá cả.

Đối với người tiêu dùng, tốc độ giao hàng vẫn là quan trọng nhất. Điều này giải thích tại sao giao hàng hỏa tốc (hàng thường được giao ngay trong ngày hoặc ngày hôm sau) vẫn là một lựa chọn phổ biến mặc dù có giá thành cao hơn. Chất lượng dịch vụ tốt cũng giúp thu hút và giữ chân khách hàng. Hai yếu tố này nên được cân bằng với yếu tố giá cả.

Ông Zhang Dexin, chủ tịch Viện Đổi mới Du lịch Văn hóa và Khởi nghiệp, cho biết: "Việc kiểm soát năng lực vận chuyển hàng không một cách độc lập giúp các công ty chuyển phát nhanh giảm chi phí và nâng cao hiệu quả. Bằng cách đó, các công ty có thể bù đắp những thiếu sót của hệ thống hậu cần. Nếu các công ty chỉ dựa vào bên thứ ba, họ sẽ luôn phải đối mặt với các vấn đề như phải chia sẻ lợi nhuận".

Chuyên gia kinh tế Bai Wenxi cũng đồng tình cho rằng: "JD, SF và các công ty chuyển phát nhanh khác đang cải thiện năng lực vận chuyển hàng không để nâng cao hiệu quả dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh thị trường và cơ hội phát triển bền vững. Mặc dù vẫn còn trong giai đoạn mới, nhưng sự cạnh tranh trong ngành vận tải hàng không đang nóng lên từng ngày. Trong tương lai, sẽ có rất nhiều công ty chuyển phát nhanh mới tham gia vào cuộc chiến. Những công ty không có kế hoạch rõ ràng hoặc không thể cạnh tranh chắc chắn sẽ bị loại bỏ ở giai đoạn sau".