Việt Nam thúc đẩy hệ sinh thái Blockchain qua cuộc thi tìm kiếm nhân tài và mạng dịch vụ đa chuỗi VBSN
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần có các chương trình đào tạo và tìm kiếm nhân tài chuyên sâu về blockchain, nhằm bổ sung nguồn nhân lực có kỹ năng cao...

Ngày 18/7/2025, Cuộc thi "Tìm kiếm Tài năng Blockchain Việt Nam: VietChain Talents 2025" đã chính thức công bố danh sách 51 bài thi vào vòng bán kết. VietChain Talents do Công ty 1Matrix, Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Ban Cơ yếu Chính phủ đồng tổ chức. Sau 2 tháng phát động, cuộc thi nhận được hơn 300 ý tưởng đến từ 220 đội thi, ghi nhận 138 bài thi chính thức được gửi về.
Trong đó, chủ đề 1 (Layer1) chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt gần 35%, Chủ đề 3 (Truy vết blockchain) đạt tỷ lệ 32,5%. Hai chủ đề còn lại, lần lượt là Chủ đề 2 (Sàn giao dịch tài sản mã hoá CEX/DEX) đạt 21,5% và chủ đề 4 (Cầu nối blockchain) ghi nhận 11% tổng số bài dự thi. Cuộc thi đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược kép: vừa phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, vừa xây dựng hạ tầng công nghệ nền tảng.
VIETCHAIN TALENTS: ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY NGUỒN NHÂN LỰC BLOCKCHAIN CHẤT LƯỢNG CAO
Bà Nguyễn Vân Hiền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Trưởng Ban tổ chức, cho biết 51 bài thi vào bán kết được lựa chọn dựa trên bốn tiêu chí khắt khe: Giá trị thực tiễn, tính sáng tạo, tính bền vững và chất lượng tổng thể.
"Cuộc thi không chỉ là một sân chơi học thuật mà còn là cơ hội để các tài năng trẻ giải quyết những vấn đề thực tế mà xã hội đặt ra," bà Hiền chia sẻ. "Thông qua đó, chúng tôi hy vọng sẽ phát hiện các nhân tố tiên phong để đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số quốc gia."
Các dự án lọt vào bán kết cho thấy chiều sâu và tính ứng dụng cao, trải dài trên nhiều lĩnh vực như định danh số tích hợp dịch vụ công, nền tảng giáo dục phi tập trung, giải pháp cho vay thế chấp tài sản số, và đặc biệt là hệ thống giao dịch tín chỉ carbon – một lĩnh vực phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.
Theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng, Viện Công nghệ Tài chính, Đại học Đại Nam, việc các sinh viên tham gia vào cuộc thi VietChain Talents không chỉ nhằm đạt thành tích mà còn là dịp để giảng viên và sinh viên học hỏi, trao đổi với các chuyên gia, tiếp cận thực tế.
“Những trải nghiệm khi tham gia cuộc thi sẽ giúp các bài giảng trở nên thuyết phục hơn và nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, các chuyên gia, doanh nghiệp cũng hiểu rõ hơn về nhu cầu của nhà trường, từ đó hỗ trợ công tác đào tạo, lên chương trình tốt hơn”, ông Đặng Ngọc Đức nói.
Được biết, các dự án lọt vào bán kết cho thấy chiều sâu và tính ứng dụng cao, trải dài trên nhiều lĩnh vực như định danh số tích hợp dịch vụ công, nền tảng giáo dục phi tập trung, giải pháp cho vay thế chấp tài sản số, và đặc biệt là hệ thống giao dịch tín chỉ carbon – một lĩnh vực phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.
Từ ngày 21/7 đến 31/7/2025, 51 đội sẽ bước vào vòng thuyết trình trực tiếp với Hội đồng Giám khảo để chọn ra những cái tên xứng đáng nhất vào Chung kết. Với tổng giá trị giải thưởng lên đến 3,5 tỷ đồng, đây là cuộc thi blockchain có quy mô lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Các bài thi vào vòng Bán kết được đánh giá, bầu chọn bởi Hội đồng Giám khảo, Hội đồng Chuyên môn đến từ nhiều cơ quan, đơn vị đầu ngành như Ban Cơ yếu Chính phủ, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Công ty 1Matrix, Bộ Khoa học và Công nghệ, Học viện Kỹ thuật Mật mã, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Viện Khoa học Kỹ thuật Mật mã và nhiều tập đoàn lớn như Boston Consulting Group, CTCP Công nghệ Sotatek, Viettel Cyber Security, AlphaTrue, Tether, Verichains, Nami Foundation, Holdstation, Kyber Network, Spores Network,... cùng các đối tác phát triển quan trọng như OKX, Onus, Tether,....
PGS.TS Đặng Ngọc Đức cho biết nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực blockchain, đặc biệt là tài chính số, đang rất lớn nhưng nguồn cung lại thiếu hụt nghiêm trọng.
Theo ông Dư Công Thành, Giám đốc Phát triển Thị trường Mỹ và Châu Á của SotaTek, có hai yếu tố quan trọng để ngành blockchain tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong 3 đến 5 năm tới.
Thứ nhất, Việt Nam cần có các chương trình đào tạo và tìm kiếm nhân tài chuyên sâu về blockchain, nhằm bổ sung nguồn nhân lực có kỹ năng kỹ thuật cao.
Thứ hai, việc kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà phát triển và cộng đồng blockchain là yếu tố then chốt để xây dựng một hệ sinh thái vững chắc. Ông Thành cho rằng sự kết nối này không chỉ giúp tạo ra các sản phẩm thực tiễn mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.
Cộng đồng này sẽ đóng vai trò như một bệ phóng, giúp triển khai và nhân rộng các dự án blockchain mang tính thực tiễn cao, không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà còn ở các quốc gia khác trong khu vực.
Đặc biệt, đánh giá về tổng quan nghề nghiệp trong ngành blockchain, ông Thành cho biết “đây là một lĩnh vực đầy thách thức nhưng cũng tràn ngập cơ hội”. Ông khuyến khích sinh viên tập trung học tập chuyên sâu, làm việc thực tế và phát triển những ý tưởng có thể giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp và xã hội.
“Việc ứng dụng blockchain vào các vấn đề thực tế sẽ mang lại giá trị lớn và giúp các bạn trẻ khẳng định vị trí trong ngành”, đại diện SotaTek nói.
MẠNG VBSN GIÚP GIẢI BÀI TOÁN QUẢN LÝ DỮ LIỆU CÔNG VÀ THÚC ĐẨY KINH TẾ TƯ NHÂN TẠI VIỆT NAM
Song song với việc tìm kiếm nhân tài, 1Matrix cũng công bố những kết quả ban đầu của Mạng Dịch vụ Đa chuỗi Blockchain Việt Nam (VBSN). Đây là cam kết của công ty tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI.

Mạng VBSN được thiết kế theo mô hình kiến trúc 5 tầng, học hỏi từ các mạng lưới thành công trên thế giới như EBSI (Mạng hạ tầng dịch vụ Blockchain Châu Âu) và BSN (Mạng dịch vụ Blockchain Trung Quốc).
Tại Việt Nam, mạng VBSN hướng đến việc cung cấp các giải pháp blockchain với chi phí thấp, dễ triển khai, phục vụ cho doanh nghiệp và các tổ chức dịch vụ công và tư.
Các lĩnh vực ứng dụng được ưu tiên bao gồm xử lý dữ liệu quốc gia, định danh số, hóa đơn điện tử, lưu trữ văn bằng, chứng chỉ và số hóa tài sản…
Ông Đỗ Văn Thuật, Giám đốc Giải pháp và Kiến trúc Blockchain của 1Matrix, cho biết VBSN được thiết kế theo mô hình 5 tầng, học hỏi từ các mạng lưới thành công trên thế giới như EBSI của Châu Âu và BSN của Trung Quốc. Mục tiêu của VBSN là cung cấp các giải pháp blockchain toàn diện, chi phí thấp, dễ triển khai cho cả khu vực công và tư, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như xử lý dữ liệu quốc gia, định danh số, hóa đơn điện tử, sưu trữ văn bằng, chứng chỉ, số hóa tài sản (Real World Asset)...
Dự án được hậu thuẫn bởi một hệ sinh thái gồm Techcombank, One Mount Group, Masterise Group, cùng các đối tác công nghệ như Boston Consulting Group (BCG), Sotatek, Viettel IDC và FPT Telecom. Hiện tại, 1Matrix đã xây dựng 6 blockchain layer-1 cho VBSN, với tốc độ giao dịch (TPS) ấn tượng, từ 2.000 đến 60.000 TPS và có khả năng mở rộng lên tới 300.000 TPS tùy theo nhu cầu.
Ông David Chan, Giám đốc phát triển đối tác của Boston Consulting Group (BCG), nhận định rằng VBSN đã học hỏi và kế thừa các ưu điểm từ những mạng lưới đi trước. Theo ông, điều này giúp VBSN có khả năng tích hợp với các hệ thống blockchain toàn cầu và áp dụng các công nghệ hiện đại để giải quyết các vấn đề về bảo mật, khả năng mở rộng và tính phi tập trung. Chuyên gia của BCG cho rằng mạng lưới này có tiềm năng giải quyết nhiều bài toán về quản lý dữ liệu công và thúc đẩy kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Việc phát triển VBSN cũng được cho là phù hợp với định hướng của chính phủ, đặc biệt sau khi Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết quan trọng về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Blockchain là một trong những công nghệ trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam. Ba bài toán chiến lược chính được xác định bao gồm: tài sản số và mã hóa tài sản, truy xuất nguồn gốc thông qua nền tảng blockchain, và xây dựng hạ tầng mạng lưới dịch vụ blockchain.
Ông Phan Đức Trung cho rằng để thực hiện các bài toán này, đội ngũ nhân lực công nghệ Việt Nam cần làm chủ công nghệ lõi. Nếu không nắm được công nghệ lõi, Việt Nam khó có thể biến blockchain thành một công nghệ chiến lược do chính người Việt làm chủ.
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện có lượng người dùng và nhà đầu tư vào blockchain, tiền mã hóa (crypto) rất lớn, cùng với đội ngũ lập trình viên công nghệ đông đảo. Đây chính là điều kiện thuận lợi để Việt Nam xây dựng một hệ sinh thái blockchain mạnh mẽ và có tên tuổi trên thế giới.