16:29 30/08/2019

10 phóng viên bị chóng mặt, đau đầu khi tác nghiệp vụ cháy nhà máy Rạng Đông: Bệnh viện nói gì?

Nhật Dương

Nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sau sự cố cháy nhà máy Rạng Đông vẫn chỉ là suy luận, hiện chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn

Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về những vấn đề liên quan đến nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sau sự cố cháy nhà máy Rạng Đông. Ảnh - Thu Hằng.
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về những vấn đề liên quan đến nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sau sự cố cháy nhà máy Rạng Đông. Ảnh - Thu Hằng.

Liên quan đến những lo ngại về sức khỏe, nhất là nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sau sự cố cháy tại nhà máy Rạng Đông, chiều 30/8, Khoa Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức họp báo thông tin giải đáp về vụ việc này.

Có hay không nguy cơ nhiễm độc thủy ngân?

Thông tin về việc có hay không nguy cơ nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy, Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong sáng 30/8, trung tâm đã tiếp nhận 10 phóng viên có tác nghiệp tại hiện trường và 2 người dân tại khu vực xảy ra cháy đến kiếm tra.

Các trường hợp đến khám đều có triệu chứng ban đầu là chóng mặt, đau đầu, qua khám lâm sàng kiểm tra cho thấy, tình trạng các bệnh nhân đến nay vẫn ổn định và không có dấu hiệu đặc biệt. "Các kiểm tra hiện nay vẫn đang được chúng tôi tiến hành, quá trình lọc máu vẫn đang được lọc. Chúng tôi sẽ cố gắng chậm nhất là trong đêm nay sẽ có kết quả xét nghiệm", Bác sỹ Nguyên cho biết.

Đánh giá về các nguy cơ của vụ cháy, ông Nguyên cho rằng, thông thường các vụ cháy luôn có rất nhiều nguy cơ, trong đó chỉ một vụ cháy thông thường đã tiềm ẩn nhiều tác nhân như ngộ độc do hít phải khói, khí CO gây ngộ độc, thậm chí cả hơi nóng của vụ cháy cũng rất nguy hiểm.

Đáng chú ý, trong trường hợp vụ cháy tại nhà máy Rạng Đông còn tính đến cả nguy cơ khác nữa là ngộ độc thủy ngân. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn hoàn toàn là suy luận và cần có các đánh giá, theo dõi thêm, hiện chưa có thông tin chính thức và kết luận của các đơn vị chuyên môn.

Bác sỹ Nguyên cho rằng, thực tế nguy cơ ngộ độc thủy ngân trong điều kiện bình thường là rất thấp, nhưng trường hợp xảy ra trong các vụ cháy với nhiệt độ cao thì thủy ngân sẽ bốc hơi và đi vào trong không khí dưới rất nhiều dạng khác nhau.

Dù vậy, với nguy cơ ngộ độc thủy ngân còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trước hết là nồng độ thủy ngân trong không khí nơi bị cháy, hướng gió như dù đứng ở xa nhưng đúng hướng gió thổi thì vẫn bị ảnh hưởng. 

Bên cạnh đó còn phụ thuộc vào tình trạng của nạn nhân, tuổi càng trẻ hoặc hoạt động mạnh trong vụ cháy như lính cứu hỏa thì nguy cơ nhiễm độc cao hơn. "Tuy nhiên, chúng ta không thể kết luận tất cả người dân tại chỗ hay khu vực xa hơn đều có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân, dù nguy cơ là chắc chắn có, chỉ là thấp hay cao thôi", Bác sỹ Nguyên nhấn mạnh.

Trường hợp nào nên đi kiểm tra?

Về phía chuyên môn y tế, ông Nguyên lưu ý, những người có nguy cơ nhiễm độc và nên đi kiểm tra khi người trực tiếp tham gia chữa cháy như lính cứu hỏa hoặc người dân tại trực tiếp tham gia chữa cháy có hít phải hơi nóng trong thời gian ít nhất 1 giờ. 

Hai là những người có biểu hiện bất thường như khó thở, ho nhiều, tức ngực, đau bung nôn mửa, choáng váng và nhiều biểu hiện khác. "Những người ở khoảng cách xa, không hít phải hơi khói thì có nguy cơ thấp hơn, không nhất thiết phải đi kiểm tra một lúc để giảm tải cho các đơn vị y tế và không gây tốn kém", Bác sỹ Nguyên khuyến cáo.

Việc kiểm tra hoàn toàn có thể được thực hiện tại các bệnh viện tuyến quận, thành phố, không nhất thiết phải dồn đến một chỗ dễ dẫn đến quá tải tại Trung tâm chống độc.

Với vấn đề đặt ra là giải độc thủy ngân như thế nào, Bác sỹ Nguyên cho biết, nếu hít phải thủy ngân thường sau vài giờ có triệu chứng ngay luôn. Người bệnh đau bụng, choáng váng, tê chân tay, yếu, sốt, suy thận, tiểu ít dần. 

Trong lúc này, nạn nhân nên được đưa ra khỏi môi trường đó đầu tiên. Nếu trên da có dính thì gỡ bỏ quần áo, rửa bằng nước sạch trong nhiều phút, nhiều nước; tiếp xúc mắt thì rửa mắt... rồi đến cơ sở y tế kiểm tra chức thận, phổi, gan, máu.

Tuy nhiên, để kết luận nạn nhân có bị nhiễm độc thủy ngân hay không thì cần xét nghiệm thủy ngân trong máu mới khẳng định được là có hay không. "Dù bệnh nhân có triệu chứng nhưng nồng độ thủy ngân trong máu không cao có thể khẳng định không nhiễm độc thủy ngân. Bệnh nhân có thể có các triệu chứng đó do hít phải các khí độc khác trong khói", Bác sỹ Nguyên nhấn mạnh.

Với trường hợp khẳng định thực sự nhiễm độc, nạn nhân sẽ được giải độc bằng thuốc.

Bác sỹ Nguyên cũng khuyến cáo, người dân không cần quá lo ngại, những thông tin sơ bộ hiện nay mới chỉ là đánh giá ban đầu, cần có các đánh giá thêm về môi trường mới đưa ra kết luận cụ thể hơn.