11:49 30/12/2009

10 sự kiện, vấn đề FDI nổi bật năm 2009

Anh Quân

VnEconomy giới thiệu tới bạn đọc 10 sự kiện, vấn đề FDI đáng chú ý nhất trong năm 2009

Sự thất bại của chiến lược nội địa hóa ngành ô tô đã được báo chí mổ xẻ nhiều trong năm 2009 - Ảnh: Đức Thọ
Sự thất bại của chiến lược nội địa hóa ngành ô tô đã được báo chí mổ xẻ nhiều trong năm 2009 - Ảnh: Đức Thọ
Năm 2009, lần đầu tiên dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giảm sau 5 năm tăng liên tục ở mức cao, năm sau gấp đôi, thậm chí gấp ba năm trước đó. Vốn đăng ký thu hút mới trong năm 2009 đã giảm 70%, giải ngân hụt 13% so với năm 2008, FDI đi vào năm điều chỉnh xu hướng.

Ngược lại, trong một diễn biến tích cực hơn, 72,94% doanh nghiệp FDI tham gia báo cáo môi trường kinh doanh 2009 (do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện) cho biết, sẽ mở rộng kinh doanh trong giai đoạn tới.

Như vậy, có cơ sở để đặt niềm tin rằng sự đảo chiều suy giảm vốn FDI chỉ là ngắn hạn.

Nhìn lại những điều chỉnh trong vòng một năm qua, ghi nhận những sự kiện quan trọng, đồng thời đánh giá những vấn đề mang tính cơ cấu, VnEconomy giới thiệu tới bạn đọc 10 sự kiện, vấn đề FDI đáng chú ý nhất trong năm 2009, theo lựa chọn của tòa soạn.

1. Thủ tướng đối thoại với nhà đầu tư nước ngoài

Ngày 20/4/2009, Diễn đàn Đầu tư Việt Nam được tổ chức tại Khách sạn Grand Hayatt (Hồng Kông), nơi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành gần một giờ đồng hồ đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hơn 300 lãnh đạo các tập đoàn, công ty hàng đầu đã tham gia vào Diễn đàn, được kết nối trực tuyến qua cầu truyền hình giữa Hà Nội, Tp.HCM, London (Anh), Geneve (Thụy Sỹ), Tokyo (Nhật Bản), Singapore... thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

Những câu hỏi liên quan đến các cân đối lớn, đến ổn định vĩ mô và cơ sở hạ tầng cho phát triển được Thủ tướng trả lời thẳng thắn và cởi mở. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, Việt Nam rất coi trọng các nguồn vốn ODA và FDI, và đây là hai nguồn vốn chính, có vai trò lớn trong phát triển hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội.

Cũng trong năm qua, các thành viên Chính phủ đã có nhiều cuộc tiếp xúc với nhà đầu tư các nước, trong các chuyến viếng thăm chính thức đến một số quốc gia có quan hệ thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam.

2. Khu vực FDI được tiếp cận vốn trong nước

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm nghiêm trọng, vấn đề tiếp cận vốn là thách thức lớn nhất đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Tháng 4/2009, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã cùng thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính từ ngân hàng thương mại trong nước.

Động thái này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt cho xúc tiến đầu tư, tăng cường giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng.

Với thỏa thuận này, cơ chế hợp tác trao đổi thông tin, xúc tiến đầu tư được hai bên xác lập để tiếp cận gần hơn các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn, dịch vụ tài chính cho khu vực kinh tế này.

Đây là lần đầu tiên, Cục Đầu tư nước ngoài xây dựng cơ chế đối thoại với một ngân hàng trong nước để mở kênh dẫn vốn chính thức cho khu vực kinh tế FDI. Trước đó, Cục đã áp dụng hình thức này với 3 ngân hàng nước ngoài khác.

3. Thu hồi nhiều giấy phép đã cấp

Câu chuyện dự án khu công nghiệp lọc hóa dầu trị giá 11 tỉ USD do Công ty SP Chemicals (SPC) của Singapore là chủ đầu tư, xin rút lui đã được VnEconomy đề cập trong năm nay. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp cá biệt.

Cùng lý do không thu xếp được tài chính, trong năm 2009 nhiều chủ dự án đã có đơn xin rút, hoặc tạm dừng đầu tư, đặc biệt là các siêu dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong vài năm trở lại đây.

Được dư luận quan tâm nhất trong năm qua là các trưởng hợp dự án Khách sạn Lotus trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) do Riviera Corporation của Nhật Bản làm chủ đầu; dự án tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê Hanoi City Complex cao 65 tầng trên đường Đào Tấn (Hà Nội) do Tập đoàn Coralis (Luxembourg) đầu tư; dự án công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam tại Thủ Thiêm (Tp.HCM)... đều thuộc diện dự án chậm triển khai, hoặc bị rút giấy chứng nhận đầu tư.

Theo số liệu công bố chính thức của một số địa phương, tỉnh Bắc Ninh có 7 dự án FDI bị rút giấy phép; Quảng Nam có 5; Kiên Giang có 3; Lâm Đồng thu hồi giấy phép một dự án 600 triệu USD, Đà Nẵng thu hồi giấy phép sân golf Bà Nà…

4. “Lộ diện” bất cập phân cấp đầu tư

Nhằm tăng cường tính tự chủ, năng động của địa phương, giảm thiểu đầu mối trong xét duyệt dự án và cấp phép đầu tư, vài năm gần đây, việc phân cấp quản lý đầu tư cho các địa phương được đẩy mạnh, tuy nhiên, sau đó nhiều vấn đề đã nảy sinh. Đã xuất hiện sự cạnh tranh giữa các địa phương, “chèo kéo” dự án về cho mình.

Giáo sư kinh tế James Riedel, Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ), trong một cuộc hội thảo vào cuối năm 2009 đã từng ví đây là cách thức thu hút FDI theo kiểu “ăn xin của hàng xóm”.

Việc cạnh tranh giữa các tỉnh dẫn tới tình trạng giấy phép được cấp quá dễ dãi, ưu tiên đối với các dự án quy mô vốn lớn mà không xem xét thực chất nhu cầu của dự án về đất đai, tài nguyên, cơ sở hạ tầng…

Việc phân cấp cũng dẫn tới phá vỡ quy hoạch, mà 24 nhà máy thép thuộc diện ngoài quy hoạch là một điển hình. Thậm chí sau khi Thủ tướng đã ra chỉ đạo tạm ngừng cấp phép các dự án thép vào tháng 4/2009, chỉ sau đó không lâu, hai dự án thép “tỷ đô” vẫn tiếp tục được phê duyệt.

5. FDI chưa tạo sự lan tỏa trong nền kinh tế

Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang ưu tiên cho nhà đầu tư nước ngoài hơn nhà đầu tư trong nước, khu vực FDI chưa tạo được tác động lan truyền trong nền kinh tế.

Sự thất bại của chiến lược nội địa hóa ngành ôtô đã được báo chí mổ xẻ nhiều trong năm 2009 là một ví dụ cho thấy vai trò còn mờ nhạt của khu vực kinh tế này.

Hai năm sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhìn trên cơ cấu đầu tư FDI, lĩnh vực công nghiệp chế biến chỉ đứng thứ ba, sau lưu trú ăn uống và bất động sản.

Theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, vốn FDI vào Việt Nam còn chủ yếu tập trung vào công nghiệp lắp ráp nhằm tận dụng lao động rẻ, giá trị gia tăng thấp, yếu khả năng mở hướng phát triển công nghệ cao.

6. “Nóng” vấn đề lao động cho doanh nghiệp FDI

Tháng 9/2009, hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Tĩnh. Công tác xúc tiến đầu tư năm nay có một nội dung trọng tâm đặt vào lĩnh vực đào tạo nhân lực cho các dự án FDI.

Lý do vì trong vòng 3 năm trở lại đây, đã có 70 dự án với tổng vốn 32,5 tỷ USD đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng của Hà Tĩnh. Nếu tính cả các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo và một loạt các khu công nghiệp khác như Gia Lách, Hạ Vàng, Thạch Khê…, con số còn lớn hơn nữa.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Lê Văn Chất thừa nhận: “Khi các dự án lớn được triển khai thì nhu cầu lao động chưa đáp ứng được, chất lượng nguồn nhân lực rất thấp”.

Theo tính toán của tỉnh Hà Tĩnh, mỗi năm các dự án tại đây cần trên 20 nghìn lao động được đào tạo có tay nghề kỹ thuật và trình độ chuyên môn. Chỉ tính riêng các dự án trọng điểm, nhu cầu sử dụng lao động đến năm 2015 được dự báo cần khoảng 119 nghìn người.

Trong lúc đó, từ 2001-2008, Hà Tĩnh chỉ dạy nghề dài hạn được cho 26 nghìn lượt người. Một con số quá khiêm tốn nếu so với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp.

7. Quy hoạch, chiến lược FDI quy về một đầu mối

Ngày 16/4 năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định số 521/QĐ-BKH về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Cục Đầu tư nước ngoài.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên Bộ này giao cho cơ quan cấp dưới của mình là soạn thảo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển chung của cả nước.

Trong một văn bản sau đó, Cục Đầu tư nước ngoài có đề cập đến các giải pháp về quy hoạch, trong đó trọng tâm là chú trọng đến việc xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch lãnh thổ, quy hoạch sử dụng đất chi tiết, quy hoạch ngành và các sản phẩm chủ yếu.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đặt vấn đề rà soát, điều chỉnh quy hoạch đã lạc hậu và có kế hoạch cụ thể để thực hiện các quy hoạch đã được duyệt.

8. Định hướng lại thu hút FDI

Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài xác định lại trong một văn bản công bố trong năm 2009. Theo đó, giai đoạn tới sẽ điều chỉnh ưu tiên thu hút đầu tư.

Cụ thể về lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư, sẽ chọn lọc vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tỷ trọng xuất khẩu lớn, các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội (khám chữa bệnh, công nghiệp dược và vac-xin, sinh phẩm), bảo đảm môi trường và an ninh quốc gia,...

Ngoài ra, thu hút vốn FDI cũng ưu tiên tập trung phát triển các vùng khó khăn, khu vực nông nghiệp và nông thôn, ưu tiên các dự án sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng…

9. Khuyến khích FDI vào giáo dục

Dự thảo nghị định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đã được hoàn thành trong năm nay, quy định khung khổ cho các hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài, thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, mở văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam…

Theo dự thảo, nhà đầu tư nước ngoài được thành lập mới hoặc liên kết thành lập cơ sở đào tạo ở tất cả các cấp học, từ mầm non đến đào tạo đại học, dạy nghề…

Những lĩnh vực đào tạo được khuyến khích đầu tư là công nghệ thông tin, viễn thông, cơ điện tử, cơ khí chính xác, thương mại điện tử, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, du lịch, năng lượng. Dự thảo nghị định cũng khuyến khích đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý và nhà giáo có trình độ cao.

Về vốn đăng ký, dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư tối thiểu 1.000 USD/trẻ, cơ sở giáo dục phổ thông tối thiểu 2.500 USD/học sinh, vốn đầu tư tối thiểu 2,5 triệu USD.
 
Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học hoặc chi nhánh trường cao đẳng, đại học nước ngoài tại Việt Nam phải có suất đầu tư tối thiểu 7.500 USD/sinh viên, vốn đầu tư tối thiểu 15 triệu USD…

10. Tăng tốc cải thiện cơ sở hạ tầng

Lĩnh vực cơ sở hạ tầng là một trong những nút thắt gây khó khăn cho hoạt động thu hút FDI cũng được quan tâm nhiều trong năm 2009.

Điển hình nhất cho hướng giải quyết cơ bản vấn đề này là mô hình hợp tác đầu tư công tư PPP trong phát triển cơ sở hạ tầng. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mô hình này sẽ chính thức thử nghiệm trong một số dự án được hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới (WB).

Một văn bản quy định chi tiết về mô hình đầu tư này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với WB triển khai để ban hành trong thời gian sớm nhất.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có kế hoạch tiến hành tổng rà soát, điểu chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2020, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Cũng liên quan đến cơ sở hạ tầng, năm vừa qua, một số dự án lớn đã được khởi động như đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; tuyến đường sắt Bắc - Nam...