2/3 doanh nghiệp Việt Nam tin CPTPP tác động tích cực
"Điều đáng khích lệ là rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kỳ vọng đạt được những lợi ích từ hiệp định", đại diện HSBC bình luận
Khoảng hai phần ba (63%) các doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa ký ngày 8/3 sẽ có tầm ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ.
Đây là kết quả một khảo sát toàn diện về doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, do ngân hàng HSBC phát hành sáng nay (9/3).
Kết quả khảo sát trên cho thấy, trong số 1.150 doanh nghiệp có trụ sở tại các nước thành viên CPTPP tham gia khảo sát, gần một nửa (46%) kỳ vọng những lợi ích tích cực từ hiệp định.
Trong số 11 quốc gia tham gia ký hiệp định CPTPP, có 6 quốc gia có mặt trong khảo sát này, gồm Úc, Canada, Malaysia, Mexico, Singapore và Việt Nam.
Ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cho biết: "CPTPP là một thỏa thuận lớn và tham vọng đối với Việt Nam. Nó có ý nghĩa to lớn đối với tăng trưởng, việc làm và các mức sống trong tương lai. Đây là thời điểm mà các doanh nghiệp và chính phủ cần tập trung vào việc thực hiện hiệp định này để có thể đạt được các lợi ích một cách toàn diện. Điều đáng khích lệ là rất nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu kỳ vọng đạt được những lợi ích từ hiệp định".
Những ước tính gần đây từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) chỉ ra rằng, dòng chảy thương mại giữa 11 nền kinh tế tham gia vào Hiệp định sẽ tăng 6% đến năm 2030, và các nước thành viên đạt tổng mức thu nhập thực tế 157 tỷ USD mỗi năm.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá: "Đối với tôi, việc CPTPP được ký kết mang một ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang có chiều hướng lan rộng".
Với việc Mỹ không có mặt trong CPTPP, ông Hải cho rằng, lợi ích của Việt Nam có thể ít đi so với TPP trước đó, ví dụ GDP chỉ tăng thêm 1,32% thay vì 6,7%, xuất khẩu tăng thêm 4% thay vì 15%.
Nhưng nhìn chung, các ngành như dệt may, da giày và sử dụng nhiều lao động của Việt Nam vẫn được lợi.
"Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên hiệp định, nhất là các thị trường như Canada hay Mexico và trong bối cảnh một số nước đang thể hiện mong muốn tham gia như Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, và Philippines, dự kiến nâng lợi ích các bên tham gia lên 3 lần, tương đương 500 tỷ USD một năm", Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định.