14:17 06/05/2019

20 doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc sang Việt Nam tìm cơ hội

Bạch Huệ

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam

Xuất khẩu gạo có xu hướng giảm những tháng đầu năm
Xuất khẩu gạo có xu hướng giảm những tháng đầu năm

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa cho biết đã mời đoàn doanh nghiệp nhập khẩu gạo Trung Quốc kết nối, giao thương và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại gạo diễn ra từ 5 đến ngày 10/5. 

Đoàn Trung Quốc có khoảng 20 đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu gạo của Trung Quốc do đại diện Hiệp hội Lương thực Trung Quốc làm trưởng đoàn. Chương trình làm việc ngoài hoạt động thăm thực địa một số cơ sở xay xát, chế biến gạo của các doanh nghiệp tại tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp...

Đáng chú ý là, nếu như năm 2018, Trung Quốc luôn đứng ở vị trí thứ nhất trong số các thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam thì 3 tháng đầu năm nay, Philippines vươn lên đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 40,2% thị phần. 

Đợt giao thương này được kỳ vọng sẽ mở rộng cơ hội cho hạt gạo Việt Nam vào thị trường Trung Quốc - một trong những thị trường chủ lực của gạo Việt.

Theo cập nhật, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 3/2019 ước đạt 658.000 tấn với giá trị 281 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 3 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,43 triệu tấn và 593 triệu USD, giảm 3,5% về khối lượng và giảm 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Năm 2018 là năm bội thu của hạt gạo Việt xuất khẩu, đạt trị giá 3,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2017.

Hạt gạo Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.

Trong năm 2019, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn đạt 6 triệu tấn, tương đương so với kết quả đã đạt được của năm 2018, trong đó thị trường chủ yếu là khu vực châu Á.