22 trên 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ
Tại Đông Nam Á, Jakarta (Indonesia) và Hà Nội là hai thành phố ô nhiễm nhất
Theo Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới 2018 (World Air Quality Report) do tổ chức IQAir AirVisual và Greenpeace công bố, thành phố Gurugram, thuộc bang Haryana của Ấn Độ là nơi có không khí độc hại nhất thế giới. Ngoài ra, quốc gia đông dân thứ hai thế giới cũng là nơi có 22 trên 30 thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu.
Hai thành phố của quốc gia láng giềng Pakistan là Faisalabad và Lahore lần lượt xếp vị trí thứ 3 vào 10 trong danh sách này. Còn thủ đô Bangladesh - Dhaka là thành phố ô nhiễm thứ 17 trên thế giới.
Điều này cho thấy tình trạng ô nhiễm đáng báo động tại khu vực Nam Á, nơi chiếm tới 1/4 những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
"Ở cấp độ quốc gia, xét về mức ô nhiễm trung bình, Bangladesh là nước ô nhiễm nhất thế giới, theo sát sau là Pakistan và Ấn Độ", báo cáo trên chỉ ra.
Trong 30 đô thị ô nhiễm nhất hành tinh, có 5 thành phố nằm ở Trung Quốc, trong đó có Hòa Điền (thứ 8) và Kashgar (thứ 19), đều ở khu tự trị Tân Cương. Tuy nhiên, mạng lưới giám sát rộng khắp và các chính sách nhằm làm giảm ô nhiễm không khí đã giúp giảm đáng kể nồng độ bụi PM2.5 trung bình tại Trung Quốc, giảm 12% trong năm 2018 so với năm trước. Theo báo cáo trên, Bắc Kinh hiện xếp thứ 122 trên tổng số hơn 3.000 thành phố được khảo sát.
Tại Đông Nam Á, Jakarta (Indonesia) và Hà Nội là hai thành phố ô nhiễm nhất, lần lượt xếp vị trí thứ 161 và 209. Trong khi chất lượng không khí tại Bắc Kinh đã được cải thiện, Jakarta được dự báo sẽ sớm vượt qua thành phố này về mức độ ô nhiễm, theo báo cáo trên.
Công nhân làm việc tại xưởng đóng tàu ô nhiễm ở thủ đô Bangladesh, Bangladesh vào tháng 9/2018. Ảnh: Reuters.
Tình trạng ô nhiễm không khí tại nhiều quốc gia vẫn không mấy cải thiện bất chấp nỗ lực của các chính phủ. Tại Ấn Độ, Tòa án Tối cao đã ra lệnh cấm sản xuất pháo nổ - gây ô nhiễm không khí và âm thanh, và chỉ cho phép sản xuất pháo "xanh" không chứa các hóa chất độc hại. Người dân đốt rác đối mặt với án phạt nặng.
Chính quyền bang Delhi cũng thí điểm cho phương tiện chạy vào thành phố vào các ngày theo biển số chẵn, lẻ. Ấn Độ cũng đặt mục tiêu có ít nhất 30% phương tiện chạy điện vào năm 2030.
Trong khi đó, Bangladesh đang nỗ lực với các chính sách phạt đối với những người gây ô nhiễm, thay thế bếp nấu đun gỗ bằng năng lượng sạch, cùng nhiều biện pháp khác. Pakistan cũng đang nỗ lực quản lý chất thải rắn, không đốt, và lắp đặt các hệ thống lọc không khí tại các nhà máy.
Theo các nhà phân tích, những biện pháp như vậy là chưa đủ mà cần nỗ lực phối hợp nhằm giảm hoặc loại bỏ ô nhiễm ngay tại nguồn phát sinh. Cần phải đưa vào sử dụng điện từ các nguồn năng lượng sạch nhiều hơn, thay vì phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện đốt than. Việc đốt rơm rạ của nông dân cần được kiểm soát.
Trong báo cáo trên, các thành phố được xếp hạng dựa trên nồng độ bụi PM2.5 - hạt bụi có kích thước bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micron (0.0025 mm), có thể chui sâu vào phổi, gây ra các bệnh về hô hấp và tim.
"Bên cạnh thiệt hại về tính mạng con người (do ô nhiễm không khí), ước tính thiệt hại về lao động trên toàn cầu là 225 tỷ USD và hàng nghìn tỷ USD cho chi phí y tế. Điều này gây tác động to lớn đối với sức khỏe và ví tiền của chúng ta", Yeb Sano, giám đốc của Greenpeace Đông Nam Á, cho biết.
Theo một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc công bố vào tháng 10/2018, trong số 7 triệu người chết sớm mỗi năm do các bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí, có 4 triệu người ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Chỉ riêng tại Ấn Độ, con số này là hơn 1 triệu người. Theo một nghiên cứu của Lancet Planetary Health công bố vào tháng 12 năm ngoái, có khoảng 1,24 triệu người tại Ấn Độ chết vì ô nhiễm không khí, chiếm 12,5% tổng số người chết trong năm 2017.